420
category
409821

Mỹ có phải công nhận Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam và gọi tên biển Đông?

15/07/2020 14:52

Việt Nam có chủ quyền không thể tranh cãi với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa trên biển Đông. Chúng ta có đầy đủ mọi bằng chứng lịch sử, pháp lý để minh chứng chủ quyền cho vấn đề này. Nhưng vấn đề là hiện tại, rất nhiều người khi viết lời bình trên mạng xã hội đều chỉ tập trung đòi hỏi Mỹ và các nước phương Tây, Úc, Ấn Độ, Nhật, Hàn,…đến Lào, Campuchia phải công nhận Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam, phải gọi là biển Đông chứ không được gọi là Biển Nam Trung Hoa. Một số còn cho rằng không thể gọi đây là vùng biển tranh chấp vì toàn bộ biển Đông là của Việt Nam. Vì vậy, sau sự kiện Mỹ tuyên bố bác bỏ, xin chia sẻ vài điều:

Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 13/7 đăng trên website tuyên bố của Ngoại trưởng Mike Pompeo về “lập trường của Mỹ với các yêu sách hàng hải ở Biển Đông”

Thứ nhất, câu chuyện Mỹ bác bỏ

Tuyên bố ngày 14/7/2020, Mỹ bác bỏ mọi yêu sách hàng hải của Trung Quốc đối với các vùng biển quanh bãi Tư Chính của Việt Nam, bãi cạn Luconia của Malaysia, vùng biển trong Vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ) của Brunei và quần đảo Natuna của Indonesia.

Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh quan hệ Washington – Bắc Kinh đang ở mức xấu nhất trong nhiều năm, với căng thẳng trên nhiều lĩnh vực, gồm đại dịch Covid-19, vấn đề Hong Kong, Tây Tạng, Đài Loan, Ấn Độ và chiến tranh thương mại.

Trong tuyên bố, Ngoại trưởng Mike Pompeo khẳng định “thế giới sẽ không cho phép Bắc Kinh coi Biển Đông (tức Biển Nam Trung Hoa theo từ ngữ mà quốc tế gọi) là đế chế trên biển của mình. Mỹ sát cánh cùng các đồng minh và đối tác Đông Nam Á trong bảo vệ chủ quyền của họ với các tài nguyên ngoài khơi, phù hợp với quyền và nghĩa vụ theo luật quốc tế”.

Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền biển đảo Việt Nam, đó là sự thật không tranh cãi.

Tuyên bố cho rằng “hầu hết các yêu sách của Bắc Kinh với các tài nguyên ngoài khơi tại Biển Đông là hoàn toàn bất hợp pháp, cũng như chiến dịch bắt nạt của họ để kiểm soát các tài nguyên đó. Bắc Kinh dùng biện pháp bắt nạt để xâm phạm quyền chủ quyền của các quốc gia Đông Nam Á ven Biển Đông, thay thế luật quốc tế bằng tư duy chân lý thuộc về kẻ mạnh”. Song Mỹ khẳng định sẽ sát cánh cùng cộng đồng quốc tế nhằm bảo vệ tự do hàng hải, tôn trọng chủ quyền và phản đối mọi động thái sử dụng sức mạnh ở Biển Đông và khu vực.

Thứ hai, vậy sao một số người lại đòi Mỹ và phương Tây cùng nhiều nước phải công nhận Hoàng Sa, Trường Sa, phải gọi là biển Đông?

Việt Nam, gần 100 triệu người và gần 4 triệu kiều bào hầu hết ai cũng mong ước gìn giữ được tối đa chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, cũng mong lấy lại được Hoàng Sa do Trung Quốc chiếm giữ trái phép và những đảo, điểm đóng quân trên quần đảo Trường Sa do Trung Quốc và một số nước đang canh giữ phi pháp. Nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc trên bình diện quốc tế, chúng ta chửi “Mỹ là không tử tế gì đâu”, “Trung Quốc mười thì Mỹ đểu chín”, “họ có chịu công nhận Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam đâu, họ có gọi là biển Đông đâu?”. Những người phát ngôn ra các câu trên có lẽ đã quá ngây thơ rồi.

Việt Nam đấu tranh vì chủ quyền biển đảo, đã làm mọi cách khéo léo để lấy tiếng nói chính nghĩa trên mặt trận ngoại giao. Từ đó, lên án, đòi lại chủ quyền. Nhưng ta cũng cần tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, trong đó có Mỹ. Việc Mỹ phản đối như phần thứ nhất như trên có thể xem là đã vượt quá sự mong đợi. Mỹ phản bác, bác bỏ cụ thể các yêu sách của Trung Quốc cho thấy họ đã thể hiện quan điểm cứng rắn. Họ cho hạm đội 2 tàu sân bay đi lại trong vùng biển Đông để xem Trung Quốc phản ứng như thế nào là điều đáng kể, đáng hoan nghênh.

Nhóm tàu chiến Mỹ hoạt động trên Biển Đông hôm 18/4.

Nhưng nhiều người bảo “Mỹ làm màu thôi, bản chất không thay đổi. Mỹ vẫn rất nham hiểm. Không chơi được. Nó và Trung Quốc một giuộc cả thôi”. Mấy điều trên các bạn nói không sai, nhưng chưa chắc đã đúng hết. Trong cuộc chơi toàn cầu thì ai chẳng muốn đem về lợi ích nhất về cho mình. Mỹ, Trung Quốc hay Việt Nam đều thế cả. Ta đòi chủ quyền chính đáng cho ta thì Mỹ cũng đòi quyền chính đáng tự do hàng hải trên biển Đông và không bao giờ muốn Trung Quốc chiếm quyền kiểm soát vùng biển mà 3/4 giao thương từ Thái Bình Dương sang Ấn Độ Dương, khi đó quá bất lợi cho Mỹ. Mỹ phải bác bỏ là cho chính họ trước, rồi cũng là tiền đề để Trung Quốc không thể muốn làm gì thì làm, là tiền đề để Việt Nam, Malaysia, Philippines, Indonesia,… biết đường mà đòi quyền lợi, trong đó Việt Nam có quyền, chủ quyền rõ ràng nhất.

Cuối cùng, để một ngày Mỹ tuyên bố Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam thì còn quá xa. Bởi với ta thì Hoàng Sa, Trường Sa là của ta, không phải bàn cãi, nhưng với Mỹ và nhiều nước thì Hoàng Sa, Trường Sa là 2 quần đảo trên vùng biển tranh chấp mà vùng biển đó có tên quốc tế là Nam Trung Hoa. Tức là không thể yêu cầu họ công nhận và gọi tên như ta muốn ngày một ngày hai được, vì họ dại gì mà công nhận cho ta mà làm ảnh hưởng tới quan hệ với các nước tranh chấp còn lại, Việt Nam gọi là biển Đông thì Philippines gọi là Biển Tây Phi mà. Cốt lõi vấn đề là làm thế nào để tận dụng tối đa Luật pháp quốc tế, sự ủng hộ của Mỹ (ví dụ như bác bỏ nêu trên) và nhiều nước khi đại đa số rất không ưa Trung Quốc với chủ nghĩa bành trướng hung hãn, để trước mắt ta không bị Trung Quốc lấn thêm, đồng thời giữ thật tốt biển, đảo, thềm lục địa ta đang có theo UNCOLOS 1982. Việt Nam phải lo cho chính mình trên cả 3 mặt trận: Ngoại giao (có tiếng nói trọng lượng trong ASEAN và UN, kiên trì phản đối, lên án và bác bỏ yêu sách của TQ, tận dụng cộng đồng quốc tế và luật pháp quốc tế); Kinh tế (Phát triển, giàu có và thịnh vượng, tạo tiềm lực quốc gia hùng mạnh, không phụ thuộc vào xuất nhập khẩu với Trung Quốc,…); Quốc phòng (Đủ tiềm lực bảo vệ toàn bộ chủ quyền Việt Nam). Bên cạnh đó là ổn định chính trị trong nước, chống tham nhũng, lãng phí và các thế lực thù địch.

Làm được tất cả những điều nói trên, Việt Nam sẽ có đầy đủ thế và lực để đòi lại chủ quyền, đời chúng ta chưa được thì đời con, đời cháu, đó là cuộc chiến trường kỳ mà chính cha ông ta cũng trường kỳ gìn giữ 4000 năm, chúng ta mới có vài chục năm thì phải tiếp tục đấu tranh, bảo vệ. Lịch sử với Trung Quốc to xác hung hãn không thể lãng quên và bất biến, quan trọng là Việt Nam ngàn đời phải chấp nhận sống gần kề, ta không thể chuyển đi đâu được nên ngoại giao khôn khéo vẫn là chuyện của nghìn năm.

Theo FB Đường chúng ta đi 

* Bài viết mang quan điểm và văn phong riêng của tác giả 

Đọc nhiều