Mỹ – Iran: Từng là đồng minh, vì đâu thâm thù chất chồng?
Làm thế nào mà từ những đồng minh thân thiết trong Chiến tranh lạnh, Iran và Mỹ đã trở mặt thành kẻ thù không đội trời chung như hiện nay?
Năm 2006, trong một lá thư gửi đến người đồng cấp Mỹ George W. Bush, Tổng thống Iran Mahmud Ahmadinezhad đã kết thúc không phải bằng chữ ký thông thường mà bởi dòng chữ “Vasalam Ala Man Ataba’al hoda”, nghĩa là “Hòa bình chỉ tới với những người theo chính đạo”.
Lời cuối thư của ông Ahmadinezhad hệt như những lời cảnh báo đã được Đấng tiên tri Muhammad gửi tới tới hoàng đế của đế quốc Đông La Mã và Ba Tư vào thế kỷ 7, khi những nước này bị đặt giữa vòng vây của các đạo quân Ả Rập Hồi giáo.
Đó là lần đầu tiên sau hơn 25 năm kể từ năm 1980, một nhà lãnh đạo Iran viết thư cho tổng thống Mỹ. Lá thư 18 trang đầy những lời lẽ chỉ trích nước Mỹ, từ cuộc chiến Iraq và Afghanistan đến nhà tù Guantanamo ở Cuba.
Mối thù đầu tiên
Năm 1951, khi Mohammad Mosaddegh, thủ tướng thứ 35 của Iran (chức vụ bị bãi bỏ vào năm 1989), tuyên bố ông sẽ quốc hữu hóa công ty dầu mỏ Anh – Iran vì lợi ích của toàn dân, ông không biết rằng bản thân đã đặt mình vào thế đối đầu với những cơ quan tình báo sừng sỏ nhất thời bấy giờ là CIA của Mỹ và MI6 của Anh.
Trong khi người Anh lo sợ mất lợi ích tại một trong những công ty dầu mỏ lớn nhất thế giới, Mỹ đã đi tới kết luận rằng Iran dưới sự lãnh đạo của Mosaddegh sẽ nghiêng về Liên Xô, đối thủ của Mỹ trong Chiến tranh lạnh.
Năm 2013, đúng 60 năm sau cuộc đảo chính lật đổ thủ tướng Mosaddegh, CIA lần đầu thừa nhận vai trò trong việc lật đổ chính phủ Mosaddegh, phục hồi quyền lực cho Mohammad Reza Pahlavi – vị Shah (vua) cuối cùng của Iran.
Theo tài liệu giải mật của CIA và các thông tin từ New York Times và Guardian, thất bại trong việc thuyết phục nhà vua sa thải Mosaddegh, CIA lập ra kế hoạch loại bỏ ông này bằng mọi giá và thành lập một chính phủ thân phương Tây do tướng Fazlollah Zahedi đứng đầu. Để hạ bệ uy tín của chính quyền Mosaddegh, CIA bắt đầu xâm nhập Iran.
Ngày 19-8-1953, những tay chân CIA giả danh người yêu nước bắt đầu xuống đường và vô cùng thành công khi huy động được hàng trăm ngàn người đập phá các biểu tượng và cơ sở làm ăn ở thủ đô.
Chỉ chờ có thế, các lực lượng quân sự của tướng Zahedi bắt đầu hành động. Một xe tăng nã thẳng đạn pháo vào dinh thự của ông Mosaddegh. Biết rõ âm mưu của phe đảo chính và không muốn đổ thêm máu, Mosaddegh chấp nhận ra hàng. Và cũng từ đây, người Iran đã nhận ra Mỹ sẵn sàng thay đổi chế độ ở một quốc gia nếu đi ngược lại lợi ích của Washington.
Cuộc khủng hoảng con tin
Nhiều tháng sau cuộc cách mạng Hồi giáo năm 1979 do Đại giáo chủ Ruhollah Khomeini lãnh đạo, tinh thần dân tộc và tôn giáo lên cao ở Iran. Những hiềm khích khi xưa với Mỹ cũng được xới lại trong thời gian này, đặc biệt là cuộc đảo chính năm 1953.
Nhận thấy sự nguy hiểm, Mỹ đã rút hàng ngàn nhân viên, cố vấn quân sự khỏi Iran trong vòng 70 ngày kể từ tháng 1-1979. Tuy nhiên, một quyết định sai lầm của chính quyền tổng thống Jimmy Carter đã khiến mọi thứ vượt quá kiểm soát.
Tháng 10-1979, Mỹ cho phép cựu vương Iran, người đã bỏ chạy sau cuộc cách mạng Hồi giáo, tới nước này điều trị ung thư. Đây chẳng khác nào một hành động chọc giận người dân và chính quyền mới ở Iran ngay trước thềm kỷ niệm 15 năm ngày Đại giáo chủ Khomeini bị Mohammad Reza Shah đày ải.
Ngày 4-11-1979, cảnh sát Iran gần như “mất tích”, để mặc hàng trăm sinh viên ủng hộ ông Khomeini trèo hàng rào và chiếm tòa nhà đại sứ quán Mỹ chỉ trong vòng ba tiếng rưỡi, bắt giữ hơn 60 người bên trong làm con tin.
Đại giáo chủ Khomeini từ chối mọi lời kêu gọi thả tự do cho con tin, ngay cả khi Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã lên tiếng. Tehran đưa ra yêu sách hoặc Washington phải dẫn độ cựu vương để chính quyền mới xét xử hoặc chẳng có con tin nào được thả.
Hình ảnh các nhân viên sứ quán bị bịt mắt và dẫn đi đã gây ra làn sóng giận dữ ở Mỹ, đòi chính phủ nước này phải hành động quyết liệt. Thất bại trong việc thương thảo bằng đường ngoại giao, tổng thống Carter cho rằng đã tới lúc phải sử dụng đến vũ lực và yêu cầu Lầu Năm Góc lên kế hoạch giải cứu.
Ngày 24-4-1980, chiến dịch mang tên “Móng vuốt đại bàng” được vạch ra và giao cho lực lượng biệt kích Delta tinh nhuệ. Mặc dù đã được tính toán kỹ càng, “Móng vuốt đại bàng” lại kết thúc trong thảm hại khiến 8 quân nhân Mỹ thiệt mạng mà chẳng giải thoát được con tin nào. Ba tháng sau, cựu hoàng Iran qua đời ở Ai Cập, nhưng cuộc khủng hoảng vẫn chưa có hồi kết.
Mãi đến tháng 11-1980, sau thất bại cay đắng của ông Carter trước đối thủ Ronald Reagan của Đảng Cộng hòa, các tín hiệu kết thúc mới bắt đầu xuất hiện. Với sự hỗ trợ trung gian, Mỹ và Iran bắt đầu các cuộc đàm phán trao trả con tin.
Ngày 20-1-1981, ít phút sau khi Ronald Reagan nhậm chức tổng thống, Mỹ tuyên bố trả lại hơn 8 tỉ USD của Iran bị đóng băng trong các ngân hàng Mỹ. Ngay ngày hôm sau, cựu tổng thống Carter lên đường sang Tây Đức để chào đón những con tin cuối cùng được Iran trao trả, kết thúc 444 ngày bị giam giữ.
Thâm thù giữa Mỹ và Iran bắt đầu chất chứa từ đây và liên tục dày theo năm tháng, trong đó có sự kiện lấy cớ tàu chiến Mỹ bị hư hại do thủy lôi Iran rải trên biển, Washington mở chiến dịch trả đũa và chỉ trong một ngày tháng 4-1988 đã xóa sổ một nửa hạm đội hải quân Iran.
Mỹ – Iran tiếp tục khẩu chiến
Thị trường đang phản ứng tích cực sau khi quan hệ Mỹ – Iran hạ nhiệt. Tuy nhiên, các màn chỉ trích nhau giữa lãnh đạo hai bên chưa dứt.
Báo Guardian tổng hợp ngày 10-1 cho thấy giá dầu giảm xuống mức ngang trước Giáng sinh, chạm mốc 65 USD/thùng. Trước đó, căng thẳng sau khi Mỹ không kích giết tướng Iran Qasem Soleimani đã đẩy giá dầu Brent lên trên 70 USD/thùng. Tương tự, chứng khoán toàn cầu cũng ghi nhận sự khởi sắc trong cùng ngày.
Điều này cho thấy thị trường đang bớt nhạy cảm với quan hệ Mỹ – Iran, vì sau khi tạm xuống thang căng thẳng, Washington và Tehran vẫn liên tục đả kích nhau. Tổng thống Iran Hassan Rouhani trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 9-1 đe dọa sẽ có hậu quả nghiêm trọng nếu Mỹ dám tấn công các mục tiêu Iran một lần nữa. Phía Iran cũng bắn tín hiệu nói nước này đang trong tình trạng sẵn sàng cho các đợt tấn công bằng tên lửa tiếp theo.
Trong khi đó, tại một cuộc vận động đầu tiên trong năm mới ở thành phố Toledo, bang Ohio vào đêm 9-1 (giờ Mỹ), Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn giữ nguyên quan điểm của Mỹ trong vụ không kích giết ông Soleimani. Ông Trump khẳng định Soleimani là “tên khủng bố khát máu” và cuộc không kích này nhằm bảo vệ mạng sống công dân Mỹ, thể hiện “công lý Mỹ”.
Duy Linh/TTO