8
category
571421

Mỹ hợp tác với Việt Nam phân tích, dò tìm biến chủng mới

06/12/2021 11:58

Một trong những hợp tác y tế giữa Mỹ và Việt Nam giai đoạn kế tiếp của đại dịch là giải trình tự gene để xác định các biến chủng virus SARS-CoV-2 đang lưu hành. Giám đốc Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Mỹ tại Việt Nam Eric Dziuban nói công nghệ này giúp phát hiện nhanh chóng biến chủng mới, từ đó có thể đối phó tốt hơn với các làn sóng dịch bệnh mới nếu có.

Trước đó, lần lượt vào tháng 10 và 11, Mỹ đã tài trợ các máy giải trình tự gene cho Việt Nam. Chúng được đặt tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) và Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM).

Ông Dziuban cũng cho biết sự hợp tác giữa CDC Mỹ với Việt Nam trong giai đoạn tới tiếp tục đẩy mạnh trên nhiều lĩnh vực, bên cạnh dịch Covid-19.

Giám đốc CDC Mỹ tại Việt Nam Eric Dziuban đánh giá cao về các biện pháp chống dịch của Việt Nam trong thời gian qua. Ảnh: Duy Hiệu.

CDC Mỹ đánh giá cao biện pháp chống dịch của Việt Nam

– Ông đánh giá như thế nào về các biện pháp phòng, chống dịch mà Việt Nam đã áp dụng cho đến nay?

– Việt Nam đạt thành tựu xuất sắc trong việc phòng, chống dịch Covid-19 năm 2020. Tuy nhiên, sự xuất hiện của biến chủng Delta đã thay đổi cục diện chống dịch toàn thế giới. Vì nguyên lý hoạt động của các chủng virus thay đổi nên chúng ta cũng phải linh hoạt để ứng phó với chúng.

Tình hình dịch bệnh diễn ra phức tạp ở Việt Nam trong năm 2021. Rất đau lòng khi Việt Nam chứng kiến hơn 22.000 trường hợp tử vong trong chỉ vài tháng.

Nhưng Việt Nam đã đổi mới chiến lược để đẩy lùi đại dịch một cách hiệu quả hơn. Việt Nam đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm, mà quan trọng nhất là việc đẩy nhanh tiêm chủng cho người dân.

Số ca mắc bắt đầu giảm dần trong giai đoạn từ tháng 9 đến tháng 10. Việc người dân được tiêm chủng khiến dịch bệnh ít có khả năng lây lan trong cộng đồng, cùng với đó là số ca bệnh nặng phải nhập viện và ca tử vong bắt đầu giảm.

– Theo quan sát của ông, đâu là những tiến bộ đáng chú ý của Việt Nam trong công tác ứng phó với đại dịch Covid-19?

– Tôi nghĩ Việt Nam đạt được hai tiến bộ chủ yếu. Thứ nhất, Việt Nam kiểm soát được đối tượng nào cần được nhập viện chữa trị và giảm áp lực cho các bệnh viện dã chiến. Kế đến chính là sự xuất sắc của Việt Nam ngay từ đầu trong việc truy vết đối tượng, mở rộng quy mô và đánh giá mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh.

Tôi nghĩ Việt Nam là quốc gia dẫn đầu thế giới về các biện pháp chống dịch từ ban đầu và năm 2021, các bạn có thể làm tốt hơn nữa.

Nếu so sánh với năm 2020, số liệu cho thấy Việt Nam đã khoanh vùng những đối tượng cần nhập viện và áp dụng biện pháp 5K để kiểm soát sự lây lan trong cộng đồng. Các biện pháp này rất quan trọng và cho đến nay chúng ta vẫn cần áp dụng chúng.

Bên cạnh đó, bởi vì độ phủ vaccine cao ở TP.HCM và các tỉnh lân cận, mức độ lây lan virus có dấu hiệu thuyên giảm. Đa phần ca mắc có triệu chứng nhẹ không cần nhập viện, ít trường hợp cần sử dụng máy thở và ít có ca tử vong. Đối với tôi, đây là một tin vui.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều trường hợp nhiễm bệnh có triệu chứng nặng cần được chăm sóc và chữa trị. Điều quan trọng là chúng ta cần đảm bảo bệnh viện không bị quá tải.

Việt Nam đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm, mà quan trọng nhất là việc đẩy nhanh tiêm chủng cho người dân.

Eric Dziuban, Giám đốc CDC Mỹ tại Việt Nam

Ngoài biện pháp như mua thêm máy thở, Việt Nam vẫn phải quản lý tốt đường cung ứng oxy y tế, để phân phối đến những nơi cần chúng và đảm bảo bệnh viện không bị cạn kiệt nguồn oxy.

Ngoài ra, bệnh viện nâng cao quản trị nguồn nhân lực của mình nhằm tăng năng suất chăm sóc bệnh nhân có triệu chứng nghiêm trọng.

Tôi thấy việc chúng ta cần đưa ra nhiều biện pháp hỗ trợ ngành y tế trong việc chăm sóc, chữa trị bệnh nhân Covid-19. Các bệnh viện không thể đơn độc xử lý những vấn đề này. Đây cũng chính là lĩnh vực mà chính phủ Mỹ, trong đó có CDC, có thể hợp tác cùng Việt Nam.

Chúng tôi đã mở những khóa đào tạo trong các bệnh viện về phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh, điều trị cho bệnh nhân Covid-19 bằng các phương pháp mới.

Khóa đào tạo có sự tham gia của hơn 1.000 nhân viên y tế, hầu hết ở miền Nam. Sau đó chúng tôi đã mở thêm nhiều đợt để đáp ứng nhu cầu của bối cảnh hiện tại.

Hiện tại, một số câu hỏi được đặt ra rằng làn sóng dịch bệnh mới – nếu xảy ra – có nguy hiểm như những đợt trước hay không? Liệu số ca nhập viện và số ca tử vong có tăng hay không?

Tôi hy vọng là không.

Những biện pháp chống dịch của Việt Nam trong thời gian qua khiến tôi nghĩ rằng tình hình dịch bệnh sẽ không trầm trọng nếu một làn sóng Covid-19 tái bùng phát.

Giám đốc CDC Mỹ tại Hà Nội đánh giá thành công lớn nhất và mang lại nhiều bài học nhất của Việt Nam trong cuộc chiến chống dịch chính là chiến dịch triển khai tiêm ngừa Covid-19 quy mô lớn. Ảnh: Duy Hiệu.

Điều phối nguồn lực, cải thiện cơ sở hạ tầng y tế

– Việt Nam hiện có độ phủ vaccine tương đối cao. Cơ sở hạ tầng y tế đang được đầu tư phát triển. Theo ông, từ những kinh nghiệm rút ra ở những đợt dịch vừa qua, Việt Nam sẽ ứng phó như thế nào nếu có một làn sóng dịch mới?

– Một sai lầm mà tôi muốn nhắc đến trước tiên chính là giả định rằng nhiều người đã được tiêm vaccine nên dẫn tới sự chủ quan, như một số người không còn đeo khẩu trang, không giãn cách xã hội và cho rằng tình hình đang ổn trở lại. Đây không phải cách làm đúng.

Theo tôi, một trong những bài học Việt Nam có thể rút ra từ các làn sóng dịch trước là tầm quan trọng của việc tiêm chủng. Độ phủ vaccine cao giúp giảm số ca nhập viện và số ca tử vong. CDC nhận thấy Việt Nam cũng đã tìm ra cách vận hành hệ thống bệnh viện tốt hơn.

Tôi nhận thấy ở các cuộc họp trong khoảng hai tuần gần đây, Việt Nam rất quan tâm đến cải thiện năng lực cơ sở hạ tầng y tế dù số ca mắc và số ca nhập viện giảm. Việt Nam không ngừng nỗ lực đảm bảo bệnh viện không bị quá tải.

Trong đợt dịch thứ 4, chúng tôi không thấy nhiều ca nhiễm ở Đồng bằng sông Cửu Long. Số ca mắc tập trung chủ yếu ở TP.HCM và các tỉnh lân cận như Long An, Đồng Nai, Bình Dương.

Nhưng hiện nay, dịch bệnh diễn biến phức tạp ở khắp vùng ĐBSCL. Tôi nhận thấy Việt Nam đang điều phối nguồn lực y tế từ TP.HCM đến các khu vực này, để những nhân viên y tế giàu kinh nghiệm đào tạo về sử dụng thiết bị cho các nhân viên khác.

Ở cấp quốc gia, Bộ Y tế đang xem xét rất kỹ lưỡng về công tác quản trị nguồn lực. Tôi hy vọng Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy biện pháp này. Trong kịch bản xấu là nếu miền Bắc có thể đối mặt một đợt bùng dịch phức tạp, các bạn có thể điều phối nguồn lực theo cách tương tự.

Quyền tổng lãnh sự Mỹ Robert Greenan trao tượng trưng máy giải trình tự gene cho giám đốc bệnh viện Chợ Rẫy hôm 19/10. Ảnh: American Center Ho Chi Minh City/Flickr.

– Các chương trình dự kiến ​​của CDC nhằm hỗ trợ Việt Nam trong cuộc chiến chống lại Covid-19 năm tới sẽ gồm những gì?

– Chúng tôi sẽ hỗ trợ mọi trụ cột trong công tác phòng, chống dịch ở Việt Nam. CDC có thể sử dụng thế mạnh của các chương trình tiêm chủng sẵn có ở Việt Nam để tiếp cận hầu hết mọi người dân, đặc biệt là những người ở nông thôn – khu vực có độ phủ vaccine thấp.

Giải trình tự gene là thế mạnh của CDC Mỹ. Công nghệ này giúp chúng ta phát hiện những chủng mới và cố gắng nghiên cứu chúng nhanh nhất có thể.

Eric Dziuban, Giám đốc CDC Mỹ tại Việt Nam

Ngoài ra, nâng cao năng lực các phòng thí nghiệm cũng là một lĩnh vực chính cần được hỗ trợ. CDC từng giúp đỡ Việt Nam trong vấn đề xét nghiệm Covid-19.

Chúng tôi nghiên cứu cách xét nghiệm và rút ngắn thời gian cho kết quả, cũng như huấn luyện nhân viên y tế thao tác. Nhưng ở đây, chúng tôi không chỉ nói đến vấn đề này.

HIện nay, CDC có thể giải trình tự gene các chủng virus ở Việt Nam. Đối với biến chủng mới, chẳng hạn như Omicron, chúng tôi không mong muốn nghiên cứu bắt đầu từ ca mắc thứ 100. Thay vào đó, chúng tôi sẽ giúp Việt Nam rà soát, nghiên cứu ngay từ ca mắc đầu tiên.

Như vậy, chúng ta sẽ có thêm nhiều thời gian, trước khi chủng mới gây bùng phát dịch lớn trong cộng đồng, để nghiên cứu, đánh giá mức độ rủi ro và đưa ra các biện pháp mới.

Bên cạnh đó, CDC và chính phủ Mỹ đã hỗ trợ bệnh nhân HIV tại Việt Nam trong hơn 20 năm qua. Do đại dịch, những bệnh nhân HIV chịu tác hại rất lớn vì bị gián đoạn điều trị. CDC cùng với chính phủ Việt Nam đang nỗ lực làm việc và hỗ trợ cộng đồng HIV.

Với mong muốn các bệnh nhân HIV có thể sống khỏe mạnh bằng các phương pháp điều trị tiêu chuẩn, Bộ Y tế rất nỗ lực trong việc gửi thuốc điều trị HIV cho bệnh nhân qua đường bưu điện – điều chưa từng xảy ra ở Việt Nam trước đây.

– Ông có thể chia sẻ thêm về công nghệ giải trình tự gene, cũng như làm thế nào để áp dụng nó trong việc hỗ trợ Việt Nam ứng phó với biến chủng mới?

– CDC Mỹ được đánh giá là một trong những cơ quan hàng đầu thế giới trong việc phân tích kỹ lưỡng các chủng virus. Giải trình tự gene là thế mạnh của CDC, công nghệ này giúp chúng tôi có thể phát hiện ra những chủng mới và cố gắng nghiên cứu chúng nhanh nhất có thể.

Chúng tôi đã cử các chuyên gia kỹ thuật đến Việt Nam, hợp tác chặt chẽ với các chuyên gia phòng thí nghiệm, với Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cũng như Bộ Y tế.

Thông qua Bộ Quốc phòng, chính phủ Mỹ tặng các máy giải trình tự gene cho Việt Nam. Với kỹ thuật mới này, việc nghiên cứu chủng virus đang lưu hành ở Việt Nam đã trở nên thuận lợi hơn.

Dò tìm biến chủng là công tác quan trọng. Nó càng đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, khi chúng ta nghe thông tin về biến chủng Omicron gây ra nhiều lo ngại trên khắp thế giới.

Máy giải trình tự gene MiSeq của hãng Illumina do Bộ Quốc phòng Mỹ tài trợ cho Việt Nam. Chiếc đầu tiên được Mỹ bàn giao cho Bệnh viện Chợ Rẫy tại TP.HCM hồi tháng 10. Ngoài truy vết biến chủng nCoV, thiết bị này có thể được dùng cho vi khuẩn, virus gây bệnh truyền nhiễm khác, theo thông tin từ Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội. Ảnh: Quốc Đạt.

Không bỏ qua những bệnh dịch khác – Ngoài công tác phòng chống đại dịch Covid-19, CDC hợp tác với Việt Nam để ứng phó với nhiều dịch bệnh và lĩnh vực khác. Làm thế nào để đảm bảo các chương trình này không bị “xem nhẹ” trong giai đoạn Covid-19?

– Những lĩnh vực khác mà chúng tôi đang hỗ trợ và làm việc sẽ không bao giờ bị gạt qua một bên, bởi vì các căn bệnh sẽ không biến mất. Dịch Covid-19 không giúp giải quyết hay khiến bệnh lao, bệnh dại biến mất, cũng không xử lý được HIV/AIDS. Vì vậy, chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam giải quyết những vấn đề này, bên cạnh Covid-19.

Không những thế, chúng ta cần có sự chuẩn bị cho đại dịch tiếp theo, vì Covid-19 sẽ không phải là đại dịch cuối cùng trên thế giới. Tôi không muốn thừa nhận như vậy, nhưng đó là sự thật. Việc chuẩn bị sẽ giúp Việt Nam sẵn sàng hơn để đối phó với những thách thức của dịch bệnh nếu chúng ập đến.

– Mùa đông đã đến ở miền Bắc và gần hai tháng nữa là Tết âm lịch. Ông có lời khuyên gì để người Việt Nam có thể tận hưởng kỳ nghỉ lễ một cách an toàn, trở lại cuộc sống “bình thường mới”?

– Vì dịch Covid-19, chúng ta đã bỏ lỡ rất nhiều kỷ niệm với gia đình và bạn bè. Tôi hy vọng Việt Nam sẽ được tận hưởng ngày Tết an toàn hơn, vui vẻ hơn so với hai năm qua. Điều quan trọng nhất mà mọi người có thể làm là tiêm chủng đầy đủ.

Hãy tiêm vaccine, đừng lo ngại và tiếp tục trì hoãn. Đó là những gì bạn có thể làm để bảo vệ bản thân và cảm thấy yên tâm rằng bạn không đặt người thân của mình vào tình thế nguy hiểm. Bên cạnh đó, hãy khuyến khích các thành viên trong gia đình tiêm phòng ngay khi có vaccine.

Chúng ta cũng cần lên kế hoạch tụ tập cho các kỳ nghỉ, tìm cách để những cuộc tụ họp an toàn hơn. Nếu nhiều người đến thăm, bạn có thể mở thêm cửa để không gian thông thoáng hơn. Và hãy đeo khẩu trang. Đây là những chia sẻ của tôi để người dân Việt Nam có thể đón mừng những ngày lễ Tết an toàn và trọn vẹn.

Khai Tâm

Đọc nhiều