Mỹ gay gắt, tính đáp trả bằng “đòn cuối” khi TT Putin ra mệnh lệnh hạt nhân đặc biệt
Mỹ và NATO hôm 27/2 đã lên án mệnh lệnh đặc biệt của Tổng thống Nga Vladimir Putin liên quan tới vũ khí hạt nhân khi giao tranh căng thẳng với Ukraine.
Đáp trả của Mỹ
Mỹ và NATO hôm 27/2 đã lên án mệnh lệnh đặc biệt của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Theo đó, việc ông Putin yêu cầu đặt các lực lượng hạt nhân Nga trong tình trạng báo động cao là nguy hiểm và không thể chấp nhận được, trong khi Nhà Trắng cho biết họ không loại trừ việc áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với lĩnh vực năng lượng của Nga.
Khi ban hành lệnh chuẩn bị vũ khí hạt nhân Nga để tăng cường khả năng “sẵn sàng phóng”, ông Putin đã trích dẫn “những tuyên bố gây hấn” từ các đồng minh NATO và các lệnh trừng phạt diện rộng mà các quốc gia phương Tây áp đặt.
Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc, Linda Thomas-Greenfield, nói với chương trình Face the Nation của CBS rằng hành động của ông Putin đã làm leo thang xung đột và là “không thể chấp nhận được”.
Thomas-Greenfield cho biết Mỹ đang “tiếp tục xem xét các biện pháp mới và thậm chí khắc nghiệt hơn đối với người Nga”.
Tại Lầu Năm Góc, một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ cũng mô tả lệnh hạt nhân của ông Putin là một sự leo thang và nói rằng họ đang “đưa vào các lực lượng mà nếu chỉ cần có một tính toán sai lầm, cũng có thể khiến mọi thứ trở nên nguy hiểm hơn rất nhiều”.
Mỹ đang cố gắng định nghĩa mệnh lệnh của ông Putin “theo nghĩa hữu hình” – một quan chức giấu tên cho biết.
Trên chương trình State of the Union của CNN, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg gọi lệnh hạt nhân của ông Putin là “vô trách nhiệm”.
Thư ký Báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết ông Putin đang đáp trả một mối đe dọa tưởng tượng. Bà Psaki cho biết trên ABC News: “Chúng tôi đã thấy ông Putin nói hết lần này đến lần khác. Nhưng Nga chưa bao giờ bị NATO đe dọa, Nga cũng chưa bao giờ bị Ukraine đe dọa”.
Mỹ kêu gọi Trung Quốc lên tiếng phản đối Nga vì chiến sự tại Ukraine
Bà Psaki cho biết Mỹ đã không đưa ra các biện pháp trừng phạt nhắm vào lĩnh vực năng lượng của Nga.
“Nhưng chúng tôi cũng đang dự tính làm điều đó và đảm bảo rằng chúng tôi đang giảm thiểu tác động đến thị trường toàn cầu và làm điều đó một cách thống nhất,” bà nói thêm.
Chính quyền ông Biden lo ngại rằng các lệnh trừng phạt có thể làm tăng giá khí đốt và năng lượng vốn đã cao ở Mỹ và đã thực hiện các bước để giảm thiểu điều đó. Khi ban hành lệnh trừng phạt nhắm vào các ngân hàng lớn của Nga, Mỹ đã cho phép một ngoại lệ đối với các giao dịch liên quan đến năng lượng.
“Đây không phải là lúc để đứng ngoài lề”, bà Psaki nói trên MSNBC. “Đây là thời điểm để lên tiếng và lên án hành động của Tổng thống Putin và Nga đã tấn công một quốc gia có chủ quyền.”
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị hôm 25/2 cho biết Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của các nước, bao gồm cả Ukraine, nhưng những lo ngại của Nga về sự mở rộng về phía đông của NATO cần được giải quyết một cách hợp lý.
Trong khi đó, các đảng viên Cộng hòa tại Quốc hội Mỹ tiếp tục có thái độ ngày càng cứng rắn đối với ông Putin, cho thấy hiện tại cả hai đảng đều đang ủng hộ phần lớn các quyết sách của chính quyền ông Biden.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm 27/2 đã công bố khoản viện trợ nhân đạo mới trị giá 54 triệu USD cho những người Ukraine bị ảnh hưởng bởi cuộc tấn công, bên cạnh số tiền 350 triệu USD mà Mỹ đã gửi vào tuần trước.
“Điều này bao gồm việc cung cấp thực phẩm, nước uống, nơi ở, chăm sóc sức khỏe khẩn cấp, trú đông và bảo vệ khác,” ông Blinken cho biết trong một tuyên bố.
Tùng Anh