Mỹ điều tàu USS Miguel Keith tới Okinawa

14/10/2021 21:03

Mỹ đang muốn tăng cường khả năng phòng thủ ở châu Á-Thái Bình Dương bằng cách triển khai “căn cứ viễn chinh di động” tới tỉnh Okinawa của Nhật Bản.

Mỹ điều “quái vật biển” USS Miguel Keith tới Nhật Bản răn đe Trung Quốc
Tàu đổ bộ viễn chinh USS Miguel Keith của Mỹ (Ảnh: Quân đội Mỹ).

Gia tăng khả năng phòng thủ

Theo thông báo của Hải quân Mỹ , tàu đổ bộ viễn chinh USS Miguel Keith – được thiết kế để vận chuyển một số lượng lớn trang thiết bị, đóng vai trò là căn cứ nổi có thể chở theo máy bay trực thăng và thủy phi cơ đã được triển khai đến căn cứ hải quân White Beach tại đảo Okinawa vào hôm nay (14/10).

Con tàu này sẽ tham gia Nhóm Tác chiến viễn chinh và Lực lượng viễn chinh trên biển của Hạm đội 7.

Đại úy Troy Fendrick, sĩ quan chỉ huy của tàu USS Miguel Keith cho biết: “Thủy thủ đoàn của chúng tôi rất vui mừng khi được tham gia hoạt động tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Chúng tôi luôn sẵn sàng đối phó với mọi thách thức và thực hiện các sứ mệnh được giao. Chúng tôi rất mong hợp tác với lực lượng Thủy quân lục chiến để tăng cường khả năng phối hợp và cùng nhau chiến đấu hiệu quả hơn”.

Tàu USS Miguel Keith, thuộc lớp Lewis B Puller, có chiều dài 240m, lượng giãn nước 90.000 tấn, vận tốc tối đa 15 hải lý/giờ. Con tàu này có sàn đáp gần 5.000m2, đủ sức chứa nhiều loại máy bay trực thăng.

Miguel Keith là một nền tảng bán chìm, linh hoạt, cho phép hải quân khả năng thực hiện các hoạt động hậu cần quy mô lớn như chuyển phương tiện và thiết bị từ biển vào bờ.

Chuẩn đô đốc Chris Engdahl, Chỉ huy trưởng Nhóm tấn công viễn chinh số 7 của Mỹ cho biết: “USS Miguel Keith giúp cung cấp khả năng hiện diện ở những khu vực mà Mỹ không có căn cứ quân sự trên đất liền, hỗ trợ sứ mệnh cứu trợ nhân đạo và ứng phó thảm họa trong trường hợp cần thiết.

Với việc con tàu này lần đầu tiên được triển khai tới Hạm đội 7, chúng tôi dự định tăng cường khả năng của cả con tàu lẫn thủy thủ đoàn bằng cách phối hợp với thủy quân lục chiến và các lực lượng của đối tác, đồng minh, để đảm bảo một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do, rộng mở”.

Trước mắt, USS Miguel Keith sẽ ở lại khu vực này một thời gian. Con tàu có thể được sửa đổi để phù hợp với từng nhiệm vụ.

Các container vận chuyển trên tàu có thể thay đổi vị trí cho nhau để làm nơi ở cho lính đặc nhiệm hay kho lạnh, cơ sở giặt là…

Ông Troy Fendrick cho biết, tàu được đóng với 4 khả năng cốt lõi: phục vụ cho hàng không, làm nơi ở, làm căn cứ chỉ huy và kiểm soát. Trên cơ sở này USS Miguel Keith được coi như một “căn cứ nổi” đa nhiệm.

Theo trang Military, sàn đáp của tàu có đủ chỗ cho 4 máy bay trực thăng lớn. Boong phía sau là nơi ở của 40 binh sỹ thủy quân lục chiến, chịu trách nhiệm về kỹ thuật và điều hướng.

Boong phía trước là nơi ở của thủy thủ đoàn khoảng 100 người. Con tàu có một nhà chứa máy bay để bảo dưỡng trực thăng.

Ngăn ngừa mối đe dọa từ Trung Quốc

Tàu USS Miguel Keith của Mỹ tại Okinawa. Ảnh: SCMP

Nhà quan sát quân sự Antony Wong Tong có trụ sở tại Ma Cao (Trung Quốc) cho rằng, sự hiện diện của “căn cứ viễn chinh di động này” sẽ giúp củng cố khả năng phòng thủ của Mỹ dọc theo chuỗi đảo thứ nhất – một hàng dài các đảo ở Thái Bình Dương kéo dài từ Nhật Bản đến Bán đảo Mã Lai, trong đó có cả Đài Loan.

Chuỗi đảo thứ nhất đóng vai trò quan trọng trong chiến lược của Mỹ đối với khu vực. Các lực lượng của Trung Quốc phải đi qua chuỗi đảo này để tiếp cận với khu vực Thái Bình Dương rộng hớn hơn.

“Tàu USS Miguel Keith triển khai tại Okinawa sẽ được sử dụng như tàu sân bay phục vụ cho các lực lượng đổ bộ của Mỹ, giúp Mỹ ngăn Trung Quốc giành quyền kiểm soát quần đảo Điếu Ngư/Senkaku (quần đảo tranh chấp giữa Nhật Bản và Trung Quốc tại biển Hoa Đông – ND)”, ông Antony Wong Tong nói.

Việc triển khai diễn ra trong bối cảnh các lực lượng hải quân của nhóm Bộ Tứ gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia vừa tiến hành cuộc tập trận chung Malabar tại Vịnh Bengal.

Cuộc tập trận kéo dài 3 ngày (từ ngày 12 đến 14/10/2021) có sự tham gia của tàu sân bay Mỹ USS Carl Vinson, hai tàu hộ tống của Nhật Bản, một tàu khu trục nhỏ của Australia và một tàu khu trục của Ấn Độ, lực lượng phòng vệ hàng hải Nhật Bản cho biết.

Tuần trước, USS Carl Vinson đã tham gia tập trận chung ở Biển Đông cùng với 2 tàu sân bay khác là USS Ronald Reagan (Mỹ), HMS Queen Elizabeth (Anh) và các tàu chiến của 4 quốc gia khác.

Lu Li-Shih, cựu giảng viên tại Viện Hải quân Đài Loan ở thành phố Cao Hùng, cho biết việc Mỹ triển khai tàu Miguel Keith tới Okinawa và tham gia các cuộc tập trận hải quân chung là lời nhắc nhở Trung Quốc rằng Washington có thể tập hợp được các lực lượng mạnh mẽ hơn.

“Quân đội Trung Quốc dự kiến sẽ đưa tàu sân bay thứ 3 của lực lượng này vào hoạt động sớm nhất là vào năm 2030”, ông Lu lưu ý.

“Nhưng Mỹ đã cho thấy họ có thể huy động ít nhất 3 nhóm tác chiến tàu sân bay cùng các tàu chiến khác trong một cuộc tập trận, gửi thông điệp rõ ràng ở quân đội Trung Quốc rằng: “Tôi có thể đánh bại các ông ngay bây giờ”.

Phản ứng trước việc ngày càng có nhiều tàu chiến nước ngoài tham gia tiến hành hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông, quân đội Trung Quốc thời gian gần đây đã tổ chức một cuộc diễn tập ném bom tấn công “không đối hạm” và đặt mìn tấn công trong khu vực, Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc cho biết.

Tiến sỹ Collin Koh, nhà nghiên cứu tại Trường nghiên cứu quốc tế S Rajaratnam của Singapore nhận xét rằng, quân đội Trung Quốc đã nâng cấp máy bay chiến đầu và vũ khí không đối hạm, trong khi tàu Miguel Keith và các tàu chiến tương tự khác “có khả năng phòng vệ hạn chế trước những mối đe dọa của các vũ khí quân sự hiệu suất cao”.

Ông Collin Koh lưu ý, máy bay tác chiến điện tử J-16D của Trung Quốc, được ra mắt tại triển lãm hàng không quốc tế Chu Hải thời gian gần đây, cũng có thể “tạo ra mối đe dọa mới”.

Máy bay này có thể gây nhiễu hệ thống phòng không và hệ thống radar của đối phương, nhưng vẫn đứng sau máy bay tác chiến điện tử EA-18G Growler của Mỹ.

Khai Tâm

Đọc nhiều