Mỹ điên cuồng gia tăng sức ép lên Trung Quốc

Duân Đặng 20/12/2020 05:29

Ngày 18.12, Bộ Thương mại Mỹ thông báo bổ sung 60 công ty Trung Quốc vào danh sách đen hạn chế xuất khẩu công nghệ.

Thông cáo của Bộ Thương mại Mỹ viết: “Chúng bao gồm các tổ chức ở Trung Quốc tiếp tay vi phạm, các tổ chức ủng hộ quân sự hóa và các yêu sách biển phi pháp ở Biển Đông, các tổ chức mua sắm các vật phẩm có xuất xứ từ Hoa Kỳ để hỗ trợ các chương trình của Quân đội Trung Quốc và các tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động trộm cắp bí mật thương mại của Hoa Kỳ”.

Nổi tiếng nhất trong số này là Tập đoàn sản xuất vật liệu bán dẫn quốc tế (SMIC). Thế nhưng, một số người cho rằng việc hạn chế xuất khẩu đối với ngành công nghệ bán dẫn không có nhiều hiệu lực trên thực tế.

Tờ The WashingtonPost viết: “Tuy nhiên, các chuyên gia an ninh quốc gia và một số nhà lập pháp cho rằng việc kiểm soát xuất khẩu chất bán dẫn hầu như không có ý nghĩa vì cách Bộ Thương mại viết ra quy tắc điều chỉnh ứng dụng của nó.

Lệnh cấm chỉ áp dụng đối với những công nghệ “độc nhất vô nhị” có khả năng tạo ra chất bán dẫn có kích thước nhỏ hơn hoặc bằng 10 na no mét. Bởi vì gần như tất cả các công cụ sản xuất chất bán dẫn đều có khả năng tạo ra các kích thước na no mét khác nhau, nên trên thực tế chỉ một phần nhỏ bị cấm, một lãnh đạo ngành nói với điều kiện giấu tên vì tính nhạy cảm của vấn đề”.

Về Biển Đông, một thông báo của Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross nêu rõ thêm: “Những sự bổ sung (vào danh sách) cũng bao gồm các tổ chức đã góp phần vào việc Trung Quốc quân sự hóa các tiền đồn tranh chấp ở Biển Đông, các yêu sách biển phi pháp ở Biển Đông, và đe dọa và ép buộc các quốc gia ven biển khác đang tiếp cận và phát triển hợp pháp các nguồn tài nguyên biển ngoài khơi”.

Tổng cộng có 5 công ty Trung Quốc bị trừng phạt liên quan đến Biển Đông trong đợt này, theo thông báo sẽ được đăng trên Công báo liên bang vào ngày 22.12, gồm: Tổng công ty xây dựng Giao thông Trung Quốc (China Communications Construction Company Ltd. – CCCC); Công ty Đóng tàu Trùng Khánh Xuyên Đông (Chongqing Chuandong Shipbuilding Industry Co Ltd.); Công ty đóng tàu Hoàng Phố Văn Xung (CSSC Huangpu Wenchong Shipbuilding Co., Ltd. – công ty con của CSSC); Công ty công nghiệp nặng và đóng tàu Quảng Tân (Guangxin Shipbuilding and Heavy Industry Co., Ltd.); Công ty đóng tàu Thái Thành Quảng Châu (Guangzhou Taicheng Shipbuilding Industry Co., Ltd).

Trong đó, CCCC bị đưa vào danh sách vì “tiếp tay cho Trung Quốc tôn tạo và quân sự hóa các tiền đồn đang tranh chấp ở Biển Đông, gây hại cho an ninh quốc gia của Hoa Kỳ. Đặc biệt, tổ chức này đã tham gia tôn tạo tại Đá Vành Khăn, được xác định là một phần của vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Philippines, theo phán quyết ngày 12 tháng 7 năm 2016 của Tòa Trọng tài Thường trực ở The Hague”.

Các hành vi này tương tự với hàng loạt công ty con của CCCC từng bị đưa vào danh sách trong tháng 8.2020.

Bốn công ty còn lại bị đưa vào danh sách vì “tham gia vào nỗ lực của Trung Quốc nhằm khẳng định các yêu sách biển phi pháp ở Biển Đông, cũng như các nỗ lực đe dọa và ép buộc các quốc gia ven biển khác đang tiếp cận và phát triển tài nguyên biển ngoài khơi”.

Điểm mới trong đợt trừng phạt vì Biển Đông này là nó bao gồm các các công ty tham gia vào “nỗ lực đe dọa và ép buộc các quốc gia ven biển khác đang tiếp cận và phát triển tài nguyên biển ngoài khơi”.

Hành vi này không có trong đợt trừng phạt 24 công ty Trung Quốc hồi tháng 8, vốn chỉ bao gồm việc tham gia vào hoạt động tôn tạo và quân sự hóa các tiền đồn tranh chấp.

Nếu xét hạng mục này thì sự thiếu vắng dễ nhận thấy trong danh sách này là Tổng công ty dầu khí ngoài Khơi Trung Quốc (CNOOC).

Cách đây vài tuần, CNOOC và SMIC đã bị Bộ Quốc phòng Mỹ đưa vào danh sách các công ty có liên hệ với quân đội Trung Quốc. Nhưng khác với SMIC bị đưa vào Etity List, CNOOC không có mặt trong đợt trừng phạt của Bộ Thương mại lần này.

Ngoài Công ty đóng tàu Hoàng Phố Văn Xung, 25 công ty con của Tập đoàn Đóng tàu Trung Quốc (CSSC) cũng bị trừng phạt vì “mua sắm hoặc nỗ lực mua sắm các vật phẩm có xuất xứ từ Hoa Kỳ để hỗ trợ các chương trình của Quân đội Trung Quốc”.

Đúng như dự kiến, Tổng thống Trump đã ký đạo luật có tên gọi (The Holding Foreign Companies Accountable Act – tạm dịch: Đạo luật yêu cầu các công ty nước ngoài chịu trách nhiệm).

Đao luật này có thể cấm các công ty Trung Quốc niêm yết trên các sàn giao dịch Mỹ và huy động vốn từ các nhà đầu tư Mỹ nếu không tuân thủ những quy định về quản lý cũng như tiêu chuẩn kiểm toán của Mỹ.

Theo Reuters, đạo luật này có thể nhắm đến các công ty Trung Quốc như Alibaba, Pinduoduo và PetroChina.

Liên quan đến việc trừng phạt các công ty Trung Quốc, Ngoại trưởng Mike Pompeo và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin tối qua đăng tải hai tuyên bố gần như cùng lúc và cùng nội dung phủ nhận chuyện xung đột lẫn nhau liên quan đến việc thực thi một sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Trump.

Diễn biến này xảy ra sau khi tờ The Wall Street Journal và The Financial Times đưa tin về lục đục xảy ra giữa Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng với Bộ Tài chính liên quan đến việc cấm đầu tư vào 35 công ty Trung Quốc có liên hệ với quân đội Trung Quốc theo sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Trump.

Mâu thuẫn chủ yếu xoay quanh việc Bộ Ngoại giao và một số người ở Bộ Quốc phòng muốn áp dụng với cả các công ty con của 35 công ty nói trên, nhưng Bộ Tài chính không đồng ý.

“Những người quen thuộc với vấn đề này cho biết Bộ Ngoại giao và một số quan chức Bộ Quốc phòng muốn sắc lệnh hành pháp có phạm vi rộng nhất. Họ lập luận rằng việc loại trừ các công ty con hoặc công ty liên kết tạo ra lỗ hổng và bỏ qua thực tế của thị trường vốn, một số người cho biết. Hầu hết các công ty Trung Quốc, đặc biệt là các công ty nhà nước, có xu hướng niêm yết các công ty con và chi nhánh của họ trên thị trường chứng khoán, và có thể phát hành trái phiếu thông qua các đơn vị này hoặc các đơn vị khác.

Bộ Tài chính muốn danh sách đen chỉ bao gồm các công ty bị Lầu Năm Góc nêu tên cụ thể, chứ không phải các chi nhánh hoặc công ty con, những người quen thuộc với vấn đề này cho biết. Đó là quan điểm được nhiều người ở Phố Wall chấp nhận vì lo ngại rằng một danh sách rộng có thể khiến thị trường hoảng sợ và thúc đẩy một cuộc thanh lý bắt buộc để loại bỏ danh mục cổ phiếu có vấn đề”.

Duân Đặng

* Bài viết sử dụng thông tin và nhận định chủ quan của tác giả

Đọc nhiều