Mỹ đang rút quân hay “tháo chạy” khỏi căn cứ ở Syria?
Quân đội Mỹ rút khỏi căn cứ Manbij, Syria, trong vội vàng, họ bỏ lại gần như mọi thứ, ngoại trừ những thiết bị quân sự quan trọng và quân đội Syria đã tiến vào tiếp quản.
Căn cứ Lafarge gần thị trấn Kobani (Syria) trước đây là căn cứ chung của quân đội Mỹ và Nga. Vào ngày 16/10 nơi này đã bị bỏ trống sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ra lệnh cho binh lính Mỹ rút quân. Một số nhân chứng cho biết căn cứ này đã bị ném bom sau đó không lâu.
Các quan chức Mỹ cũng xác nhận thực hiện cuộc không kích xuống căn cứ bị bỏ lại này, rằng mục đích của nó là nhằm “ngăn chặn các trung tâm hoạt động của liên quân chống khủng bố bị các thế lực bên ngoài lợi dụng”. Cuộc tấn công đã nhằm vào kho đạn dược và các xe quân sự còn lại ở căn cứ, và rằng không có binh lính nào của liên quân bị tổn thương.
Nhiều khả năng là để ngăn ngừa tình trạng có thêm nhiều đoạn phim về các căn cứ Mỹ bị bỏ không xuất hiện trên các kênh truyền thông quốc tế.
Ngay khi quân đội Mỹ rút khỏi căn cứ Manbij, bắc Syria, quân đội chính phủ Syria đã tiến vào để tiếp quản. Phóng viên RT của Nga đã được phép tiếp cận căn cứ để tìm hiểu về nơi là lính Mỹ từng đồn trú.
Rút quân hay tháo chạy?
Phương tiện chiến đấu và vũ khí cùng các thiết bị quan trọng đã được di chuyển khỏi căn cứ trước khi lính Mỹ rút đi. Mọi thứ khác trong căn cứ gần như còn nguyên vẹn, từ lều dã chiến, vật dụng cá nhân, giường ngủ cho binh sĩ, thậm chí thức ăn vẫn chưa dùng hết.
Khi phóng viên tiến vào một lều dã chiến, họ nhìn thấy máy chơi game cầm tay, một tủ lạnh chứa đầy nước ngọt, vài hộp bánh rán Krispy Kreme. Một cuốn sách của tác giả Stieg Larsson để trên bàn, bên cạnh một lon Pringles.
Trên một chiếc bàn khác trong lều là bữa ăn còn dang dở.
Oleg Blokhin, một phóng viên chiến trường người Nga, thậm chí còn nghịch ngợm với tấm chắn chống xe đánh bom tự sát ở lối vào căn cứ. Tấm chắn vẫn hoạt động trơn tru khi ông bấm công tắc để dựng nó lên và hạ xuống.
Cột sóng radio tại căn cứ vẫn còn nguyên, những tấm lưới ngụy trang dùng để che chắn vũ khí và phương tiện chiến đấu vẫn ở nguyên vị trí của nó, ngoại trừ vũ khí bên dưới đã được chuyển đi.
Người ta không hiểu tại sao quân đội Mỹ lại rút đi một cách vội vàng như thế. Họ dường như không có thời gian để tháo dỡ những thứ mà có thể bị đối phương trưng dụng.
RT nhận định cuộc rút quân khỏi căn cứ Manbij, bắc Syria giống như một tháo chạy để tránh đợt tấn công của đối phương.
Đại tá Myles B. Caggins III, phát ngôn viên quân đội Mỹ từ chối xác nhận liệu quân đội chính phủ Syria và Nga đã tiến vào căn cứ Manbij hay không. Tuy nhiên, truyền hình nhà nước Syria đưa tin quân đội chính phủ đã tiến vào Manbij.
Ông Caggins chỉ nói rằng “lực lượng của liên minh chủ động rút khỏi miền đông bắc Syria”.
Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Nga cho biết cảnh sát quân sự đang tuần tra ở khu vực tây bắc Manbij, trên khu vực biên giới giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ. Đặc phái viên của Nga tại Syria Alexander Lavrentyev nói rằng Moscow phản đối chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ và sẽ ngăn chặn đụng độ trực tiếp giữa lính Thổ Nhĩ Kỳ và các lực lượng Syria tại đây.
Gửi tín hiệu xấu đến các đồng minh
Giới phân tích cho rằng, những gì Mỹ để lại tại căn cứ Manbij là một bằng chứng cho sự vội vàng, từ quyết định của Tổng thống Donald Trump, Tổng tư lệnh lực lượng vũ trang Mỹ, cho đến hành động của sĩ quan và binh sĩ cấp dưới.
Paul R.Pillar, thành viên cao cấp về chính sách đối ngoại tại Viện Brookings, cho rằng quyết định rút quân khỏi Syria của Tổng thống Donald Trump là một hành động “bốc đồng” sau cuộc điện đàm với tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ mà không tham vấn với các quan chức khác trong chính quyền.
Điều đó khiến các binh sĩ được lệnh phải rút đi thật nhanh, không muốn nói là tháo chạy, vì nếu họ chần chừ, quyết định đột ngột của Tổng thống Trump có thể phải thay đổi.
Quyết định Mỹ rút quân khỏi Syria của Tổng thống Trump đã vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của các quan chức đảng Dân chủ và Cộng hòa. Họ cảnh báo việc rút quân sẽ tạo điều kiện cho Thổ Nhĩ Kỳ tấn công vào khu vực người Kurd, tạo ra khoảng trống về an ninh mà chính quyền Syria, Nga và tàn quân IS sẽ khai thác.
Ngày sau khi Mỹ rút quân, Thổ Nhĩ Kỳ đã phát động cuộc tấn công vào khu vực người Kurd ở bắc Syria. Quyết định rút quân của Tổng thống Trump được ví von như “bật đèn xanh ngầm” cho chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ.
Nhà Trắng bác bỏ quan điểm cho rằng Tổng thống Trump rút quân để tạo điều kiện cho Thổ Nhĩ Kỳ tấn công người Kurd.
Brett McGurk, cựu đặc phái viên của Tổng thống Trump trong cuộc chiến chống IS, viết trên Twitter hôm 15/10, rằng các quan chức chính quyền Tổng thống Trump đang làm việc hết mình để nói rằng Tổng thống Trump không bao giờ bật đèn xanh cho Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng đó là một sai lầm khủng khiếp.
Lực lượng dân quân người Kurd ở Syria từng được Mỹ hậu thuẫn để chống lại quân đội chính phủ Syria trong cuộc nội chiến ở quốc gia này. Họ cũng là đồng minh của Mỹ trong cuộc chiến chống lại IS.
Tổng thống Trump rút quân khỏi Syria, bỏ mặc một đồng minh với hy vọng xoa dịu một đồng minh khác. Quan hệ giữa Mỹ và người Kurd đã bị đặt cược trong mối quan hệ lớn hơn giữa Washington và Ankara.
Nhưng nếu ban đầu Tổng thống Trump hy vọng cải thiện quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ thông qua động thái này, thì rõ ràng nó đã phản tác dụng, khi ông Trump đang đối mặt với áp lực từ Quốc hội để trừng phạt Ankara vì tấn công vào Syria.
Bên cạnh đó, quyết định rút quân và bỏ mặc người Kurd trước cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ đã gửi một thông điệp nguy hiểm đến các đồng minh của Mỹ về sự tín nhiệm đối với những cam kết của Washington.
Norbert Rottgen, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Đức, nói với Washington Post rằng quyết định rút quân của Tổng thống Trump khiến uy tín của Mỹ bị tổn hại nặng nề, tạo điều kiện cho Thổ Nhĩ Kỳ tấn công Syria và sự ổn định ở khu vực đang gặp nguy hiểm.
(Theo Kiến Thức)