Mỹ đang dần “bất lực” trong nỗ lực cô lập nền kinh tế Nga?

Huy Hoàng 17/03/2022 11:51

Cuộc xung đột khốc liệt giữa Nga và Ukraine đã dẫn đến một cuộc “chiến tranh bên lề” không hồi kết khác. Đó là cuộc chiến giữa hai kinh tế Mỹ và Nga. Cuộc chiến được dự báo là sẽ gây ra một cơn sốt giá tiêu dùng, đẩy lạm phát leo thang, và tạo ra một dư chấn khủng hoảng dội thẳng vào nền kinh tế toàn cầu.

Tình hình Ukraine đã dẫn đến một cuộc “chiến tranh bên lề” giữa Mỹ và Nga.

Trong cuộc chiến bên lề đó, Mỹ đang tìm mọi cách để làm suy yếu nước Nga, cô lập và cố gắng bóc tách Nga ra khỏi nền kinh tế toàn cầu. Washington có nhiều lý do để quyết tâm làm được điều đó, nhưng một trong nguyên nhân chính vẫn là khiến nước Nga suy yếu, không cho Nga có cơ hội vươn mình để đe dọa vị thế thống trị của Mỹ.

Tuy nhiên, việc làm đó chắc chắn sẽ gây ra một “cơn đau xé thịt” cho toàn thế giới, bởi Nga cũng là một phần của thế giới. Cố gắng cô lập Nga không khác gì chối bỏ một phần cơ thể của chính mình…

Nguyên nhân không gì khác ngoài nguồn nguyên liệu thô của Nga. Nga là nhà xuất khẩu khí đốt và lúa mì lớn nhất thế giới, là nước xuất khẩu dầu lớn thứ 2 và xuất khẩu than đá lớn thứ 3 thế giới. Không chỉ vậy, họ còn là nhà sản xuất kim cương lớn nhất thế giới; đứng thứ 2 về coban, vanadi và bạch kim, thứ 3 về vàng, niken và lưu huỳnh; thứ 4 về bạc và phosphate; và thứ 5 về quặng sắt.

Lúng túng thay thế nguồn nhiên liệu hóa thạch

Chúng ta vẫn nghĩ dầu và khí đốt của Nga sẽ bị sớm thay thế bởi các nguồn nhiên liệu tái tạo và vì thế nguồn nhiên liệu thô sẽ không còn nắm giữ vai trò quan trọng nữa. Về lý thuyết thì có vẻ đúng, nhưng thực tế lại đang cho thấy điều ngược lại: Không có nhiên liệu hóa thạch thì sẽ chẳng thể có năng lượng tái tạo.

Theo tính toán của các chuyên gia, nguồn năng lượng tái tạo ở riêng châu Âu cần ít nhất 10-15 năm mới đủ để thay thế dầu mỏ và khí đốt. Trong suốt quá trình đó, châu Âu chắc chắn sẽ khó mà vượt qua những mùa đông lạnh giá. Nếu không mua dầu khí giá rẻ từ Nga, châu Âu sẽ phải mua nguồn dầu khí với giá “cắt cổ” từ Mỹ và các nước như xuất khẩu dầu mỏ như Qatar, Algeria và Nigeria.

Châu Âu vẫn phải phụ thuộc vào nguồn dầu khí của Nga.

Những ngay cả khi mua được dầu mỏ từ các nguồn khác, trữ lượng cũng không đủ đáp ứng nhu cầu sử dụng của toàn châu Âu sử dụng. Do vị trí địa lý kế bên nhau, nên mỗi ngày Nga sản xuất gần 5 triệu thùng dầu thì quá nửa trong số đó được vận chuyển đến các quốc gia châu Âu.

Chỉ mới chưa đầy một tháng sau cuộc xung đột, thế giới đã chứng kiến giá nhiên liệu leo thang đến mức nào. Ở châu Âu, giá xăng tăng cũng khiến giá lương thực leo thang không điểm dừng. Do đó, nếu các nước châu Âu ra lệnh cấm vận dầu khí Nga, thì hậu quả sẽ vô cùng tàn khốc. Nền kinh tế sẽ suy sụp, khiến châu Âu mất khả năng kiến thiết nên nguồn năng lượng mới. Cuộc khủng hoảng ở 27 nước EU cũng sẽ theo đó mà nhanh chóng lan ra toàn thế giới, làm “thối rữa” một bộ phận lớn của nền kinh tế toàn cầu.

Giá xăng dầu châu Âu đang leo thang chóng mặt.

Hiện nay, EU dù có suy giảm nhưng vẫn là một trong ba nền kinh tế lớn trên thế giới mà nhiều nước nhỏ hơn phải phụ thuộc vào, bên cạnh Mỹ và Trung Quốc. Nếu Trung Quốc là nền kinh tế chiếm ưu thế của thế giới và Mỹ vẫn duy trì vị thế hàng đầu, thì GDP của EU không hề kém cạnh. Ghi nhận vào năm 2021, GDP của tổng khối EU tương đương 15,730 tỷ USD, chỉ thấp hơn mức GDP 18,000 tỷ USD của Trung Quốc.

EU vẫn là một trong ba nền kinh tế lớn trên thế giới mà nhiều nước nhỏ hơn phải phụ thuộc vào.

Châu Âu vẫn sẽ tiếp tục phụ thuộc vào nguồn năng lượng của Nga, do đó cô lập Nga là điều gần như không thể vào thời điểm hiện tại.

Nạn thiếu lương thực “giày vò” thế giới

Không chỉ có dầu và khí đốt, mà lúa mì và các sản phẩm ngũ cốc khác cũng khiến nước Nga trở nên quá quan trọng để bị cô lập. Thống kê của Công ty Nghiên cứu thị trường Refinitiv cho thấy tính đến năm 2021, khoảng 70% lượng lúa mì xuất khẩu của Nga được xuất sang Trung Đông và châu Phi. Còn Châu Âu thì mua chủ yếu từ Ukraine.

Lúa mì và các sản phẩm ngũ cốc khác cũng khiến nước Nga trở nên quá quan trọng để bị cô lập

Nếu bóc tách hẳn Nga ra khỏi bản đồ kinh tế thế giới, hoặc việc xuất khẩu bị Mỹ áp dụng các lệnh trừng phạt nặng nề, các nước nhập siêu từ Nga sẽ bị mất an ninh lương thực trầm trọng. Đặc biệt là các quốc gia Trung Đông bởi họ hầu như không thể tự sản xuất được lương thực và phải nhập khẩu từ bên ngoài.

Đó là chưa kể đến nhiều nước xuất khẩu lương thực lớn như Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil… vẫn đang phải căng mình đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu khó lường. Sẽ rất nguy hiểm nếu loại bỏ một “nhà làm nông” lớn như Nga. Nếu các nhà xuất khẩu lương thực còn lại không đủ nguồn cung để cung cấp thì nạn thiếu lương thực sẽ bắt đầu ăn mòn nhiều nơi trên thế giới. Trong ngắn hạn, các lệnh trừng phạt sẽ chỉ làm tăng giá thực phẩm, nhưng nếu cố gắng cô lập Nga, cái giá phải trả là “cái bụng rỗng” của người dân các nước, đặc biệt là người già và trẻ em.

Các nước xuất khẩu lương thực lớn như Trung Quốc vẫn đang phải căng mình đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu.

Không chỉ vậy, vào tháng 12/2021, tờ Deutsche Wirtschafts Nachrichten (Đức) cảnh báo rằng bất cứ khi nào giá lương thực leo thang, bạo loạn sẽ nổ ra ở các khu vực khác nhau trên thế giới. Chiến sự tại Ukraine nếu cứ mãi leo thang, sớm muộn dư chấn của nó sẽ làm tổn thương sâu sắc đến an ninh toàn cầu.

Nguồn cung kim loại từ Nga: Thành phần không thể thiếu của thế giới tương lai

Bên cạnh dầu mỏ và nông sản, Nga còn đứng thứ ba về xuất khẩu kim loại: từ sắt, vàng, coban đến nhôm, crom… Mỗi một kim loại đều vô cùng cần thiết đối với nền văn minh loài người. Thiếu hụt nguồn cung từ Moskva, một cú sốc giá sẽ nổ ra khiến nền kinh tế các nước bị co cụm lại do vật giá leo thang, chật vật trước khi tìm được nguồn cung thay thế.

Tất nhiên, chỉ với một cú sốc giá, thế giới cũng chẳng sụp đổ ngay lập tức. Nhưng hệ quả là nó sẽ kéo lùi đà phát triển của nhân loại đến hàng chục năm.

Nga là một trong số nhà sản xuất Niken hàng đầu thế giới, kim loại không thể thiếu cho ngành pin xe điện. Hiện nay, khoảng 70% lượng niken được dùng để sản xuất thép không gỉ. Nhưng với sự phát triển của xe điện, nhu cầu về niken sẽ tăng 2-3 lần trong 5-10 năm tiếp theo.

Giá niken tăng đột biến do các lệnh trừng phạt nhắm vào Nga.

Không chỉ có Niken, chất lượng nguồn cung các kim loại khác cũng khiến nhiều nước không thể rời bỏ Nga. Theo chuyên gia công nghiệp của Nga Leonid Khazanov, việc ngừng xuất khẩu kim loại từ Nga có thể gây ra những vấn đề lớn trên thế giới. Việc phương Tây áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Rusal, công ty hàng đầu của Nga về luyện nhôm, sẽ dẫn đến tình trạng thiếu nhôm ở Mỹ và EU, dẫn tới giá nhôm tăng cao. Theo ông, việc Mỹ và châu Âu thay thế kim loại của Nga bằng các sản phẩm Trung Quốc là một lựa chọn “tồi” đối với các nhà sản xuất Mỹ và châu Âu.

Việc phương Tây áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Rusal, công ty hàng đầu của Nga về luyện nhôm, sẽ dẫn đến tình trạng thiếu nhôm ở Mỹ và EU, dẫn tới giá nhôm tăng cao.

Nói cách khác, bóp nghẹt nguồn cung từ Moskva, để rồi bị phụ thuộc vào Trung Quốc chính là “đường tắt đến nghĩa trang” của nhiều ngành công nghiệp phương tây.

Thiếu nguồn cung từ Nga, nhiều ngành công nghiệp sẽ không thể phát triển tương xứng với tiềm năng. Sự tiến bộ của thế giới trong khoa học công nghệ cũng sẽ bị kéo lùi về sau.

Các nước phương Tây không thể phủ nhận vai trò của nước Nga. Nền kinh tế Nga đóng góp rất nhiều cho sự ổn định của nhân loại và cho chính nước Mỹ và phương Tây. Nếu cố gắng giải quyết cuộc xung đột Nga – Ukraine bằng cách cô lập nền kinh tế Nga, những dư chấn dội vào nền kinh tế toàn cầu sẽ là điều không thể tránh khỏi.

Huy Hoàng

Đọc nhiều