439
category
322067

Mỹ đã mua quần đảo Virgin từ Đan Mạch như thế nào?

25/08/2019 11:16

Việc Tổng thống Trump tỏ ý muốn mua đảo Greenland khiến người ta nhớ lại hành trình “gian nan” khi Mỹ mua lại quần đảo Virgin từ Đan Mạch.

Trong Thế chiến 1, Đan Mạch cuối cùng cũng đã bán các đảo Saint Thomas, Saint John và Saint Croix cho Mỹ với giá 25 triệu USD bằng đồng vàng (tương đương 500 triệu USD ngày nay).

Cứ đến ngày 31/3 hàng năm, quần đảo Virgin gồm Saint Thomas, Saint John và Saint Croix lại tổ chức “Ngày Chuyển đổi” để kỷ niệm “thương vụ” Đan Mạch bán quần đảo này cho Mỹ. Trong số 5 vùng lãnh thổ của Mỹ, quần đảo Virgin là vùng lãnh thổ duy nhất mà Mỹ từng mua lại từ một đế quốc khác. Hai đế quốc đã đàm phán với nhau về 3 hòn đảo này suốt 50 năm trước khi chính thức chuyển giao vào năm 1917.

 Cư dân trên đảo St Croix (thuộc quần đảo Virgin ngày nay) năm 1916. (Ảnh: Getty).
Cư dân trên đảo St Croix (thuộc quần đảo Virgin ngày nay) năm 1916. (Ảnh: Getty).

Mỹ dọa tấn công quân sự nếu Đan Mạch không bán

Dù Mỹ và Đan Mạch đều có những động cơ phức tạp của riêng mình trong vụ trao đổi này, nhưng nó diễn ra khi Đan Mạch đang suy yếu đi còn Mỹ lại mạnh dần lên, nhà sử học Isaac Dookhan sau này đã viết như vậy trong cuốn sách nghiên cứu về Caribean năm 1975.

Rốt cuộc Mỹ cũng gây sức ép thành công để Đan Mạch bán quần đảo này cho mình bằng cách đe dọa tấn công quân sự nhằm vào quốc gia trung lập trong Thế chiến 1.

3 hòn đảo Saint Thomas, Saint John và Saint Croix mà Đan Mạch gọi là quần đảo Tây Ấn – nằm giữa miền đông nam Bắc Mỹ và miền bắc Nam Mỹ, ngăn cách biển Caribean – là thuộc địa của Đan Mạch từ thế kỷ 17 và 18. Họ đã buộc những người nô lệ châu Phi làm việc trên các đồn điền sản xuất đường – loại sản phẩm sinh lời cho đến những năm 1840 khi đường rớt giá.

Đến cuối thế kỷ 19, Đan Mạch nhận thấy rằng việc quản lý điều hành các hòn đảo này ngày càng tốn kém. Trong khi đó, giai đoạn đầu cuộc Nội chiến, Mỹ mới để mắt tới các đảo này như một tài sản an ninh quốc gia và kinh tế khả dĩ. Giới chức Mỹ nghĩ rằng các hòn đảo sẽ giúp đảm bảo các lợi ích kinh tế Mỹ ở Caribean. Nhưng họ cũng lo ngại các thế lực thù địch nước ngoài khác sẽ kiểm soát chúng trước khi Mỹ có thể làm.

“Trong những năm 1880 và 1890, sự nghi ngờ trực tiếp chủ yếu dồn vào Đức khi đó cũng đang rất quan tâm đến Mỹ Latin”, Dookhan viết.

Việc công ty tàu hơi nước của Đức, Hamburg-American Line, đã sử dụng đảo St. Thomas làm trạm nạp nhiên liệu thường xuyên khiến cho nghi ngờ của Mỹ là có cơ sở thực tế.

Các hiệp ước lần lượt bị bác bỏ

Các cuộc đàm phán đầu tiên giữa Mỹ và Đan Mạch bắt đầu năm 1865, năm mà Nội chiến ở Mỹ kết thúc. Ngoại trưởng Mỹ khi đó là William Henry Seward thực sự đã đàm phán một hiệp ước với Đan Mạch về việc nhượng các hoàn đảo này cho Mỹ vào năm 1867, nhưng Thượng Viện Mỹ đã bác bỏ. Điều này có thể một phần là do quan điểm chống chủ nghĩa bành trướng được đặt ra sau Nội chiến, và một phần là do Thượng viện nổi giận với Seward vì sự ủng hộ của ông đối với Tổng thống Andrew Johnson trong phiên luận tội, theo các văn bản ghi chú của Bộ Ngoại giao Mỹ.

Các cuộc đàm phán được tái khởi động vào những năm 1890 nhưng lại bị xao nhãng do cuộc chiến tranh Tây Ban Nha-Mỹ năm 1898. Sau cuộc chiến tranh này, Mỹ giành được vùng lãnh thổ Puerto Rico ở Caribbean, các vùng lãnh thổ Guam và Philippines ở Tây Thái Bình Dương (Puerto Rico và Guam ngày nay vẫn là vùng lãnh thổ của Mỹ, còn Philippines đã giành độc lập sau Thế chiến 2).

Mỹ lúc này đã là một đế quốc lớn hơn và quan tâm hơn tới việc mở rộng [lãnh thổ]. Mỹ thậm chí còn đặt ra viễn cảnh xây dựng Kênh đào Panama và điều này lại khiến họ càng quan tâm hơn đến việc mua các đảo St. Thomas, St. John và St. Croix để đảm bảo lộ trình cho kênh đào tương lai. Một lần nữa, một vị Ngoại trưởng Mỹ, lúc này là John Hay, lại đàm phán một hiệp ước với Đan Mạch. Thượng viện Mỹ đã thông qua hiệp ước này năm 1902, nhưng lần này, Quốc hội Đan Mạch lại bác bỏ.

Bản đồ quần đảo Virgin thuộc Mỹ. (Ảnh: BBC).
Bản đồ quần đảo Virgin thuộc Mỹ. (Ảnh: BBC).

Năm 1915, lo sợ người Đức sẽ nắm được những hòn đảo này đã thúc đẩy Mỹ thực hiện thêm một nỗ lực nữa. Đặc biệt là sau vụ chìm tàu Lusitania, Tổng thống Woodrow Wilson và Ngoại trưởng Robert Lansing lo sợ Đức có thể sẽ thôn tính Đan Mạch và tiến hành thêm nhiều cuộc tấn công từ quần đảo Tây Ấn.

Các nhà lãnh đạo Đan Mạch khi đó vẫn phản đối việc nhượng lại quần đảo cùng các cư dân chủ yếu là người da màu cho nước Mỹ phân biệt chủng tộc.

Giận giữ với điều này, Lansing bóng gió rằng nếu Đan Mạch không chịu bán quần đảo cho Mỹ, họ có thể sẽ tự thâu tóm chúng để ngăn cản Đức. Đó là một chiến thuật bắt nạt, ỷ mạnh hiếp yếu, nhưng nó đã có hiệu quả.

Những công dân Mỹ không có quyền bầu cử?

Rất muốn ngăn chặn một cuộc tấn công quân sự của Mỹ, Đan Mạch đã đàm phán một hiệp ước với Mỹ mà Tổng thống Wilson đã ký vào ngày 16/1/1917.

Ngày 31/3/1917, Đan Mạch chính thức chuyển quyền quản lý quần đảo này cho Mỹ. Mỹ đáp lại bằng cách trả cho Đan Mạch 25 triệu USD bằng đồng vàng.

Ý nghĩa của cuộc chuyển giao này đối với những người sống trên đảo St. Thomas, St. John và St. Croix – ngày nay là quần đảo Virgin – vẫn chưa rõ ràng. Năm 1920, quyền Ngoại trưởng Mỹ nêu rõ rằng, các cư dân quần đảo Virgin chỉ có thể có “quốc tịch Mỹ” chứ không phải “quy chế chính trị của công dân”. Điều này đã được thay đổi vào năm 1932, khi các cư dân giành được quyền công dân Mỹ, nhưng quyền bỏ phiếu lại là một cuộc chiến khác.

Phải đến năm 1970, các cư dân quần đảo Virgin mới giành được quyền bỏ phiếu lựa chọn người đứng đầu. Tuy nhiên, ngày nay, các công dân Mỹ trên quần đảo Virgin cũng như ở các vùng lãnh thổ Puerto Rico, Guam, Samoa của Mỹ và quẩn đảo Mariana phương Bắc, vẫn không thể bỏ phiếu chọn các thành viên vào Quốc hội cũng như bầu cử Tổng thống Mỹ.

(Theo Hoàng Phạm/VOV)

Tags :
Đọc nhiều