Mỹ công bố chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mới

Bảo Trâm 12/02/2022 10:49

Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mới nhấn mạnh Mỹ sẽ không một mình đối phó ảnh hưởng và tham vọng ngày càng tăng của Trung Quốc.

Tổng thống Joe Biden.

Tài liệu chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương được Nhà Trắng công bố hôm 11/2 cho thấy mục tiêu của Mỹ trong khu vực “không phải thay đổi Trung Quốc, mà nhằm định hình môi trường chiến lược” xung quanh nước này.

Theo đó, Mỹ kêu gọi “xây dựng ảnh hưởng cân bằng” có lợi cho Mỹ và các đồng minh, đối tác, đồng thời quản lý cạnh tranh của nước này với Trung Quốc một cách có trách nhiệm. Tài liệu này thể hiện nỗ lực của Mỹ nhằm tăng cường hợp tác an ninh và các quan hệ khác với đồng minh, đối tác trong khu vực.

Chính quyền Tổng thống Joe Biden đến nay chưa công bố tài liệu chiến lược riêng về chính sách Mỹ ứng phó Trung Quốc và ảnh hưởng ngày càng tăng của nước này trên toàn cầu cũng như ở châu Á – Thái Bình Dương. Họ cũng vẫn duy trì một phần chính sách cứng rắn của chính quyền cựu tổng thống Donald Trump với Trung Quốc.

Chậm trễ trong vạch tầm nhìn chiến lược về Trung Quốc khiến chính quyền Biden bị chỉ trích, đặc biệt khi ông nhấn mạnh Trung Quốc là một trong những thách thức chính sách đối ngoại dài hạn của Mỹ.

 

Dù chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mới tách biệt với chiến lược riêng về Trung Quốc, Bắc Kinh vẫn là vấn đề nổi bật trong tài liệu mới được công bố của Nhà Trắng.

“Hành động cưỡng ép và gây hấn của Trung Quốc xuất hiện trên toàn cầu, nhưng gay gắt nhất ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”, tài liệu cho hay, dẫn các chiến dịch gây sức ép kinh tế với Australia, đụng độ ở biên giới với Ấn Độ, gây áp lực với Đài Loan và “bắt nạt các nước láng giềng ở Biển Đông và biển Hoa Đông”.

Về vấn đề an ninh ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, chính quyền Biden cho biết kế hoạch của họ bao gồm tiếp tục hỗ trợ Đài Loan tự vệ, hợp tác quân sự sâu hơn với các nước trong khu vực để răn đe Trung Quốc, như thỏa thuận tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân với Australia năm ngoái, và mở rộng nỗ lực chống tấn công mạng và các mối đe dọa từ công nghệ mới nổi.

Các ưu tiên khác bao gồm thúc đẩy pháp quyền trên các vùng biển, vùng trời của khu vực, và hỗ trợ khôi phục nền dân chủ ở Myanmar.

Tài liệu chiến lược mới được công bố khi Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken công du các nước Thái Bình Dương, tham dự cuộc họp Bộ Tứ, gặp gỡ các nhà ngoại giao trong khu vực. Các quan chức cấp cao Nhà Trắng nói rằng Mỹ không thúc ép các quốc gia châu Á – Thái Bình Dương phải chọn phe giữa Washington và Bắc Kinh.

Bảo Trâm (Theo AP)

Đọc nhiều