Mỹ chuẩn bị tung gói giải cứu lớn nhất lịch sử
Mỹ đang đứng trước ngưỡng cửa thông qua gói giải cứu COVID-19 lớn nhất lịch sử. Động thái này sẽ gây ra tác động đáng kể lên nền kinh tế Mỹ nói riêng và toàn cầu nói chung trong những năm tới.
“Tôi không thể giảm số tiền 1.400 USD cho người Mỹ. Tôi không thể bắt đầu nhiệm kỳ bằng việc thất hứa với cử tri.
Tổng thống Joe Biden tuyên bố trong cuộc gặp với các nghị sĩ Dân chủ nhưng có thể cân nhắc điều chỉnh nhóm đối tượng được nhận theo đề xuất của bên Đảng Cộng hòa.
Đảng Dân chủ Mỹ những ngày qua đã tiến hành các bước thủ tục để đẩy nhanh thông qua gói giải cứu kinh tế 1.900 tỉ USD của Tổng thống Joe Biden. Họ chuẩn bị một nghị quyết điều chỉnh ngân sách để khi cần có thể thông qua với đa số phiếu ở Quốc hội trong trường hợp phe Cộng hòa từ chối ủng hộ (Dân chủ đang nắm lưỡng viện).
“Chúng ta phải hành động thật nhanh. Là một quốc gia, chúng ta phải cho thấy mình là ai trên đời này”, Tổng thống Biden nói với các nhà lập pháp Dân chủ được báo New York Times dẫn lại.
Liều kích thích “quá sốc”
Gói giải cứu tham vọng lần này dùng cho nhiều mục đích: mua vắcxin và phân phối đến người dân, tái mở cửa trường học, mở rộng trợ cấp thất nghiệp, tặng tiền mặt cho phần lớn dân số Mỹ… Nếu bỏ qua chi tiết và chỉ nhìn vào con số, người ta nhận ra ngay điều giật mình.
Đề xuất của chính quyền ông Biden, cộng với gói kích thích 900 tỉ USD thông qua hồi tháng 12-2020, là khoản chi tiêu công lớn nhất trong lịch sử hiện đại của Mỹ, cả về con số tuyệt đối lẫn so với tương quan kích thước nền kinh tế.
Một cách có chủ đích, số tiền khổng lồ trên nếu bơm vào nền kinh tế sẽ khiến nó nóng quá mức, chí ít sẽ đẩy xa giới hạn tốc độ nền kinh tế Mỹ có thể vận hành. Thậm chí, nếu người ta giảm bớt kích thước gói giải cứu để nhận được thêm sự ủng hộ, kế hoạch này vẫn tạo ra đủ nhiên liệu để nền kinh tế Mỹ “cháy rừng rực”.
Nhưng những người ủng hộ giải pháp “mạnh tay” xem đây là điều tích cực, vì nó sửa chữa những sai lầm của đợt suy thoái lần trước, giúp nền kinh tế vực dậy nhanh chóng thay vì loay hoay với hàng triệu người thất nghiệp trong nhiều năm.
Chuyên gia Mark Zandi của Hãng phân tích Moody’s Analytics ước tính Mỹ hiện đang có một “khoảng cách sản lượng” – định nghĩa là khoảng cách giữa hoạt động kinh tế thực sự và tiềm năng kinh tế – khoảng 4-5% GDP, còn gói giải cứu của ông Biden sẽ tương đương 8-9% GDP của năm nay.
“Thà sai vì nhiều quá chứ đừng vì ít quá. Lãi suất đang ở 0, lạm phát thấp, thất nghiệp cao, anh không cần sách giáo khoa để biết đây là lúc cần đạp ga. Chiến thôi” – ông Zandi bình luận.
Tất nhiên không phải ai cũng đồng ý với ý kiến trên. Tiền tệ là một công cụ đầy rủi ro, có thể gây ra tác động sâu rộng lên lạm phát, bong bóng tài chính và sự ổn định của nợ công quốc gia.
“Chúng ta đang dò dẫm ở một nơi xa lạ. Chúng ta có cần thêm 1,9 nghìn tỉ đô để giải quyết vấn đề? Tôi có chút lấn cấn với con số này” – ông Douglas Holtz-Eakin, chủ tịch Tổ chức American Action Forum, cựu giám đốc Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ, tỏ ra băn khoăn.
Muốn hành động ngay
Theo tờ New York Times, cuối tuần trước các dấu hiệu cho thấy chính quyền Tổng thống Biden sẵn sàng đẩy gói giải cứu bằng con đường Đảng Dân chủ đang dọn sẵn, thay vì nhượng bộ phe Cộng hòa giảm đáng kể số tiền trên (Cộng hòa chỉ muốn 618 tỉ USD).
“Chúng ta cần hành động ngay, lợi ích của hành động ngay và hành động lớn sẽ vượt xa cái giá phải trả về lâu dài” – Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen nêu ý kiến trong cuộc họp với ông Biden ở Nhà Trắng thứ sáu tuần trước.
Bà Wendy Edelberg, chuyên gia của Viện Brookings, nhận xét rằng nếu nhìn ở góc độ khác, gói 1,9 nghìn tỉ USD không hẳn là “kích thích tài chính”, nó chỉ mang ý nghĩa giúp đỡ cho hàng triệu người dân và doanh nghiệp đang bị tổn thương vì đại dịch COVID-19, và để không bỏ sót người nào thì số tiền phải thật lớn.
Tất nhiên, điều đó không thay đổi sự thật rằng số tiền Chính phủ Mỹ bơm ra vượt quá khoảng trống hoạt động kinh tế, và nó sẽ dẫn đến hậu quả trong những năm về sau. Đó là còn chưa tính đến những đề xuất bất ngờ khác mà chính phủ ông Biden có thể tung ra, ví dụ đầu tư công quy mô lớn vào hạ tầng.
“Cái gì cũng có lợi và hại. Vận hành một nền kinh tế nóng có thể là điều tốt, nhưng sẽ có sự điều chỉnh đau đớn đi kèm với một giai đoạn tăng trưởng chậm ở bên kia sườn dốc” – bà Edelberg giải thích thêm.
Ông Jerome Powell, chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED), từng nhận định rằng đảm bảo năng lực sản xuất lâu dài của nền kinh tế cấp bách hơn việc kìm hãm lạm phát.
“Tôi lo hơn về chuyện kinh tế không phục hồi đầy đủ, khi đó người dân bị mất việc làm và cuộc sống họ dày công vun đắp chỉ vì không thể quay lại làm việc kịp lúc. Tôi lo chuyện đó hơn là khả năng lạm phát cao. Nói thẳng thắn, chúng ta có thể chào đón một mức lạm phát “hơi” cao hơn” – ông Powell giãi bày.
PHÚC LONG