Mỹ cảnh giác các công ty “gián điệp” của quân đội Trung Quốc

13/09/2019 09:43

Lầu Năm Góc đang thống kê các công ty và tổ chức của Trung Quốc có mối liên hệ với quân đội nước này để ngăn chặn nguy cơ bị Bắc Kinh đánh cắp bí mật công nghệ.

Mỹ cảnh giác các công ty “gián điệp” của quân đội Trung Quốc - 1
Lầu Năm Góc

Financial Times dẫn 7 nguồn thạo tin cho biết, Lầu Năm Góc đang tìm cách nhận dạng và thống kê một danh sách gồm các công ty và tổ chức của Trung Quốc mà Mỹ cho là có mối liên hệ trực tiếp hoặc gián tiếp với Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc. Đây được xem là một phần trong nỗ lực của chính quyền Tổng thống Donald Trump nhằm ngăn các công nghệ nhạy cảm của Mỹ bị Bắc Kinh thâu tóm, từ đó có thể gây tổn hại cho chuỗi cung ứng quốc phòng của Washington.

Kế hoạch trên diễn ra giữa lúc có nhiều lo ngại tại Bộ Quốc phòng Mỹ về các lỗ hổng nghiêm trọng và các điểm yếu trong nền tảng công nghiệp của Mỹ, khiến quân đội Trung Quốc có thể dễ dàng thu thập các thông tin giá trị từ các công ty của nước này hoạt động trên lãnh thổ Mỹ.

“Trung Quốc trông cậy vào các công ty nằm trong tầm ảnh hưởng của họ để đánh cắp công nghệ nước ngoài, đặc biệt từ Mỹ. Người Mỹ cần biết liệu các công ty có liên quan trực tiếp tới quân đội Trung Quốc có đang hoạt động tại Mỹ và đe dọa tới an ninh quốc gia của chúng ta hay không”, Mike Gallagher, một thành viên của Hạ viện Mỹ, nhận định.

Marco Rubio, nghị sĩ Cộng hòa cấp cao tại Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, cho rằng danh sách các công ty liên quan tới quân đội Trung Quốc lẽ ra phải được lập từ lâu. Theo ông Rubio, các nhà đầu tư Mỹ cần biết công ty nào có liên quan tới không chỉ quân đội Trung Quốc mà còn các hoạt động gián điệp cũng như chính sách “Made in China 2025” của Bắc Kinh. Đây là kế hoạch của Trung Quốc nhằm đạt mục tiêu trở thành một nước tự chủ trong các lĩnh vực công nghệ như trí tuệ nhân tạo, robot và 5G trước năm 2025.

Một số quan chức cũng cảnh báo về sự cần thiết của việc bảo vệ chuỗi cung ứng của Mỹ trong các lĩnh vực quan trọng như chất bán dẫn. Bắc Kinh có thể cài cắm các chi tiết tinh vi trong các công nghệ do Mỹ cung cấp và gây tổn hại cho hệ thống vũ khí của Washington, từ tên lửa hành trình cho tới máy bay chiến đấu. Điều này đặc biệt đáng lưu ý trọng bối cảnh Mỹ và Trung Quốc đang cạnh tranh quyết liệt.

“Những hình thức hoạt động nhằm vào chuỗi cung ứng như vậy cực kỳ khó phát hiện. Cách tiếp cận ưu tiên của Lầu Năm Góc dường như xoay quanh nỗ lực tìm cách nhận diện các nhà cung cấp đáng tin cậy, đặc biệt trong lĩnh vực liên quan tới hệ thống mạng di động 5G thế hệ mới, đồng thời liệt vào danh sách đen các nhà cung cấp có khả năng nằm trong tầm ảnh hưởng của cơ quan tình báo Trung Quốc”, Paul Triolo, người đứng đầu phòng chính sách công nghệ toàn cầu của Eurasia Group – công ty tư vấn rủi ro chính trị có trụ sở tại Mỹ, nhận định.

Tuy nhiên, theo chuyên gia Triolo, Lầu Năm Góc sẽ gặp khó khăn trong việc thay đổi chuỗi cung ứng toàn cầu để bảo đảm rằng, Mỹ có thể bảo vệ các thiết bị quân sự của nước này không bị Trung Quốc xâm nhập.

Động thái trên của Lầu Năm Góc diễn ra sau khi chính quyền Mỹ liệt Huawei, tập đoàn viễn thông hàng đầu của Trung Quốc, và 70 chi nhánh của tập đoàn này vào danh sách đen hồi tháng 5. Theo đó, các đối tượng nằm trong danh sách trên sẽ không được phép tiếp cận và mua các công nghệ Mỹ nếu chưa được sự cho phép của chính quyền Mỹ.

Mỹ từ lâu vẫn lo ngại nguy cơ gián điệp vì cho rằng Huawei có mối liên hệ với chính quyền Trung Quốc. Tuy nhiên, cả Huawei và Bắc Kinh đều lên tiếng bác bỏ cáo buộc này.

Thành Đạt/Dân Trí

Đọc nhiều