Mỹ cấm vận công ty Trung Quốc đứng sau dự án đáng ngờ tại Campuchia

Thành Nhân 16/09/2020 11:50

Bộ Tài chính Mỹ vừa cấm vận một công ty xây dựng Trung Quốc với cáo buộc xây dựng trên đất cưỡng chiếm của người dân Campuchia và công trình có thể làm căn cứ quân sự.

Sân bay tại dự án Dara Sakor /// Ảnh chụp màn hình The New York Times
Sân bay tại dự án Dara Sakor

Theo Reuters, công ty Trung Quốc bị cấm vận là phát triển địa ốc Union Development Group, đăng ký kinh doanh tại Campuchia là công ty tư nhân, lãnh đạo là ông Li Tao. Công ty này trước đó có tên là Tập đoàn Tianjin Wanlong.

Bộ tài chính Mỹ coi công ty này là của nhà nước Trung Quốc và có thời điểm đăng ký giả là công ty của Campuchia để có thể lấy đất làm dự án.

Các dự án do công ty này đầu tư đã buộc người dân Campuchia phải nhường đất, tàn phá môi trường, gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân địa phương, theo Bộ Tài chính Mỹ.

Union đang xây dựng dự án phức hợp Dara Sakor gồm sân bay, cảng biển và khu nghỉ dưỡng tại một vườn quốc gia ở tỉnh Koh Kong, tây nam Campuchia. Dự án Dara Sakor bắt đầu từ năm 2008 sau khi Campuchia cho công ty Trung Quốc thuê 45.000 hecta đất trong vườn quốc gia trong 99 năm.

Mỹ cấm vận công ty Trung Quốc đứng sau dự án đáng ngờ tại Campuchia - ảnh 1
Một công trình bên trong dự án Dara Sakor. ẢNh chụp màn hình The New York Times

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói có nhiều bài báo đáng tin cho thấy Dara Sakor có thể được sử dụng làm căn cứ quân sự, đi ngược lại với hiến pháp Campuchia, đe dọa ổn định tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, chủ quyền Campuchia và an ninh của đồng minh của Mỹ.

Đường băng tại sân bay đang được xây dựng được cho là có thể dùng cho một số loại máy bay lớn nhất thế giới. Ông Li mới đây nói rằng sân bay của dự án sẽ hoạt động vào cuối năm.

Công ty Union và chính phủ Campuchia chưa bình luận về lệnh cấm mới nhưng trước đó nhiều lần bác bỏ thông tin cho rằng dự án Dara Sakor có mục đích quân sự.

Bộ Tài chính Mỹ ban hành lệnh cấm vận theo Đạo luật Magnitsky toàn cầu, cho phép đóng băng tài sản và cấm người Mỹ giao dịch với những đối tượng bị coi là vi phạm nhân quyền.

Thành Nhân/Reuters

Tags :
Đọc nhiều