128027
category
567654

Mỹ bối rối với vũ khí siêu vượt âm của Trung Quốc

22/11/2021 09:32

Một nguồn tin tình báo Mỹ ngày cho biết trong vụ thử hồi tháng 7, phương tiện lướt siêu vượt âm của Trung Quốc đã đạt tiến bộ về công nghệ tới mức phóng ra một tên lửa khi bay trên biển, khiến giới chuyên gia quân sự Mỹ bối rối. 

Nguồn tin cho biết các chuyên gia tại Cơ quan Nghiên cứu Các dự án Quốc phòng Tiên tiến (DARPA) của Lầu Năm Góc chưa hiểu làm thế nào Trung Quốc vượt qua các rào cản vật lý để phương tiện lướt siêu vượt âm đang bay với vận tốc gấp ít nhất 5 lần âm thanh (Mach 5) có thể phóng một tên lửa từ bên trong nó.

Các chuyên gia quân sự Mỹ đang nghiên cứu kỹ lưỡng dữ liệu về vụ thử để tìm hiểu cách Trung Quốc làm chủ công nghệ này. Họ cũng tranh luận về mục đích của tên lửa phóng ra từ phương tiện lướt siêu vượt âm, vốn rơi xuống biển sau đó mà không có mục tiêu rõ ràng.

Một số chuyên gia Lầu Năm Góc tin rằng phương tiện lướt siêu vượt âm của Trung Quốc phóng ra tên lửa không đối không trong thử nghiệm. Số khác cho rằng đó là biện pháp đối phó với hệ thống phòng thủ tên lửa của đối phương để ngăn chúng bắn hạ phương tiện lướt siêu vượt âm trong giao tranh.

Tên lửa siêu vượt âm DF-17 trong lễ duyệt binh tại Bắc Kinh, Trung Quốc, tháng 10/2019. Ảnh: PLA.
Tên lửa siêu vượt âm DF-17 trong lễ duyệt binh tại Bắc Kinh, Trung Quốc, tháng 10/2019.

Nga và Mỹ phát triển vũ khí siêu vượt âm trong nhiều năm qua, song chưa từng đạt tới công nghệ phóng tên lửa từ loại vũ khí di chuyển với tốc độ cực cao này. Trung Quốc thử phương tiện lướt siêu vượt âm có thể phóng tên lửa khi đang bay “là bằng chứng mới nhất cho thấy nỗ lực của họ đang đi trước cả Nga và Mỹ”, giới chuyên gia nhận định.

Nhà Trắng từ chối bình luận về thông tin trên, song bày tỏ lo ngại về vụ thử vũ khí siêu vượt âm ngày 27/7. Trung Quốc không xác nhận về vụ phóng vũ khí siêu vượt âm, tuyên bố nước này chỉ đang thử tàu vũ trụ có thể tái sử dụng.

Một phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ cho biết “thông tin này liên quan tới chúng tôi và bất cứ ai đang tìm kiếm hòa bình, ổn định trong khu vực và xa hơn”.

“Điều này cũng làm dấy lên lo ngại của chúng tôi về năng lực quân sự mà Trung Quốc tiếp tục theo đuổi. Mỹ sẽ tiếp tục duy trì khả năng phòng thủ và ngăn chặn từ đầu loạt mối đe dọa từ Trung Quốc”, phát ngôn viên này cho biết.

Tên lửa siêu vượt âm DF-17 trong lễ duyệt binh ở Bắc Kinh, Trung Quốc, tháng 10/2019. Ảnh: Reuters.
Tên lửa siêu vượt âm DF-17 trong lễ duyệt binh ở Bắc Kinh, Trung Quốc, tháng 10/2019.

Các quan chức Lầu Năm Góc ngày càng công khai quan ngại về vụ thử tên lửa siêu vượt âm của Trung Quốc hồi tháng 7.

Trong vụ thử nghiệm này, Trung Quốc được cho là đã đưa phương tiện lướt siêu vượt âm vào không gian bằng tên lửa của Hệ thống oanh tạc từ quỹ đạo phân đoạn (FOBS), có thể bay vòng quanh Trái Đất qua Nam Cực và giúp vũ khí Trung Quốc né hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ, vốn tập trung vào mối đe dọa tên lửa đạn đạo từ Bắc Cực.

Hệ thống FOBS cho phép Trung Quốc có thể tấn công mục tiêu ở Mỹ theo nhiều hướng hơn. Liên Xô từng triển khai hệ thống FOBS, song kém tiên tiến hơn và không mang theo phương tiện lướt siêu vượt âm có thể điều khiển khi đang bay.

Các quan chức Mỹ từng thừa nhận Trung Quốc đi trước nước này trong lĩnh vực vũ khí siêu vượt âm. Tuy nhiên, thử nghiệm ngày 27/7 cho thấy quân đội Trung Quốc “đạt tiến độ nhanh hơn nhiều so với dự kiến”, điều được củng cố khi họ kết hợp thành công FOBS với phương tiện lướt siêu vượt âm có thể phóng tên lửa khi bay.

Phó tư lệnh Quân chủng Vũ trụ Mỹ David Thompson hôm 20/11 thừa nhận năng lực vũ khí siêu vượt âm của nước này “không tiên tiến” như các chương trình do Nga và Trung Quốc phát triển, cảnh báo Washington đang tụt hậu so với các đối thủ trong cuộc đua phát triển vũ khí tối tân.

“Đây có thể là mối đe dọa tiềm tàng với an ninh quốc gia. Chúng ta phải nhanh chóng bắt kịp họ”, ông nói trong cuộc phỏng vấn tại Diễn đàn An ninh Quốc tế Halifax tổ chức ở Canada. “Trung Quốc đang có chương trình vũ khí siêu vượt âm đáng kinh ngạc”.

Tướng Thompson cho rằng vũ khí siêu vượt âm đang “thay đổi cuộc chơi” về an ninh và quốc phòng. “Bạn không thể phán đoán vị trí của phương tiện lướt siêu vượt âm, dù biết được hướng xuất phát của nó. Mọi vụ phóng loại vũ khí này, bất chấp tên lửa bay về hướng nào, đều có nguy cơ trở thành mối đe dọa”, ông nói.

Uy lực vũ khí siêu vượt âm Trung Quốc. Nhấn vào hình để xem chi tiết.
Uy lực vũ khí siêu vượt âm Trung Quốc. Nhấn vào hình để xem chi tiết.

Phát biểu được đưa ra một tháng sau khi Trung Quốc bị nghi thử tên lửa siêu vượt âm có khả năng bay vòng quanh Trái Đất, khiến giới chức Mỹ bất ngờ. Nga hôm 18/11 cũng thử thành công tên lửa siêu vượt âm Zircon phóng từ tàu hộ vệ Đô đốc Gorshkov. Trong khi đó, các cuộc thử nghiệm tên lửa siêu vượt âm của Mỹ trong tháng 10 đều thất bại.

Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Mỹ (CRS) cuối tháng 10 đánh giá Washington chậm chân hơn Moskva và Bắc Kinh vì vũ khí siêu vượt âm Mỹ không được thiết kế để mang đầu đạn hạt nhân. “Điều này khiến vũ khí Mỹ cần có độ chính xác cao hơn nhiều, đặt ra nhiều thách thức phát triển so với những hệ thống trang bị đầu đạn hạt nhân của Nga và Trung Quốc”, CRS cho hay.

Tên lửa siêu vượt âm là vũ khí có tốc độ tối thiểu gấp 5 lần âm thanh (Mach 5), tương đương hơn 6.200 km/h. Những vũ khí bay nhanh hơn vận tốc âm thanh nhưng không đạt ngưỡng Mach 5 thường chỉ được gọi là tên lửa siêu thanh. Tốc độ lớn, khả năng cơ động và đường bay thấp trong khí quyển khiến vũ khí siêu vượt âm rất khó bám bắt và đánh chặn so với tên lửa đạn đạo truyền thống.

Chưa có giải pháp phòng thủ nào đủ sức đối phó phương tiện lướt siêu vượt âm vào thời điểm hiện tại. Nhiều hệ thống đang được phát triển, nhưng mức độ hiệu quả còn tùy thuộc vào tốc độ và khả năng cơ động của mục tiêu, số lượng đầu đạn lao tới và nhiều yếu tố khác.

Nga, Mỹ, Trung Quốc và ít nhất 5 quốc gia khác đang nghiên cứu công nghệ này, trong đó Moskva và Bắc Kinh đã biên chế một số loại tên lửa hoặc phương tiện lướt siêu vượt âm nhằm thu hẹp khoảng cách về công nghệ quân sự với Washington.

(Theo Hill)

Đọc nhiều