Mỹ bán F-16 cho Đài Loan, hợp đồng Su-35 khủng của Trung Quốc bỗng chốc “bé như mắt muỗi”

18/08/2019 09:19

Mỹ đang xúc tiến thỏa thuận trị giá 8 tỷ USD để cung cấp cho Không quân Đài Loan (ROCAF) các máy bay chiến đấu mới F-16 Fighting Falcon.

Mỹ bán F-16 cho Đài Loan, hợp đồng Su-35 khủng của Trung Quốc bỗng chốc "bé như mắt muỗi"
Mỹ bán F-16 cho Đài Loan, hợp đồng Su-35 khủng của Trung Quốc bỗng chốc “bé như mắt muỗi”

Nhà Trắng đã thông báo với Quốc hội Mỹ về kế hoạch bán chiến đấu cơ cho Đài Loan trong bối cảnh Bắc Kinh đang gia tăng sự hiện diện quân sự trong khu vực. Đây sẽ là thỏa thuận cung cấp vũ khí lớn nhất cho Đài Loan trong nhiều thập kỷ qua.

Theo tạp chí MW, trước đây Mỹ từng áp đặt biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Trung Quốc sau khi Bắc Kinh ký kết thỏa thuận 2 tỷ USD mua 24 tiêm kích chiếm ưu thế đường không Su-35 của Nga. Các nhà phân tích phương Tây khi ấy nhận định rằng thương vụ này sẽ làm gia tăng căng thẳng ở đông bắc Á.

Tuy nhiên, hợp đồng bán F-16 cho Đài Loan mà Mỹ đang xúc tiến có giá trị lớn gấp 4 lần và sẽ cung cấp cho ROCAF số lượng máy bay chiến đấu nhiều hơn đáng kể so với hợp đồng của Trung Quốc.

MW nhận định, thỏa thuận cung cấp F-16 cho Đài Loan khiến hợp đồng Su-35 của Trung Quốc bỗng trở nên thật nhỏ bé.

Mỹ bán F-16 cho Đài Loan, hợp đồng Su-35 khủng của Trung Quốc bỗng chốc bé như mắt muỗi - Ảnh 1.
Máy bay chiến đấu F-16 do Mỹ sản xuất

Không giống như Su-35 – tiêm kích hạng nặng được thiết kế chuyên cho vai trò tác chiến không-đối-không, F-16V sử dụng khung thân rất giống với mẫu F-16 Fighting Falcon nguyên bản từng được Mỹ đưa vào biên chế năm 1978, cách đây 41 năm.

Khác với người tiền nhiệm, F-16V trang bị hệ thống tác chiến điện tử và cảm biến nâng cấp nhưng cũng chính vì lý do này mà khối lượng của máy bay tăng lên.

Do không có động cơ mạnh hơn để bù đắp nên đặc tính trên khiến F-16V trở nên kém cơ động hơn so với bản F-16A – hiện vẫn là chủ lực của Không quân Đài Loan, cùng với các tiêm kích nội địa F-CK Ching Kuo (mỗi loại 2 phi đoàn).

Đài Loan dự định nâng cấp phần lớn số F-16A lên chuẩn F-16V, song điều này sẽ không giúp họ giải quyết các vấn đề về độ bền kim loại và chi phí bảo dưỡng cao.

Thay vào đó, nó sẽ mang lại cho ROCAF khả năng nhận thức tình huống lớn hơn, các cảm biến trên máy bay sẽ có khả năng chống nhiễu cao hơn và năng lực điện tử của máy bay sẽ ưu việt hơn.

Đài Loan có khả năng sẽ mua thêm 66 chiếc F-16V nữa để thay thế phi đoàn Mirage 2000, do mẫu máy bay này có tỷ lệ tai nạn cao và không được trang bị các loại vũ khí không-đối-không hiện đại.

Một số nguồn tin cho biết các máy bay Mirage 2000 sẽ sớm bị loại biên.

Trước đó, Đài Loan từng đề nghị Mỹ cung cấp tiêm kích tàng hình thế hệ 5 F-35B với khả năng cất hạ cánh thẳng đứng nhưng bị từ chối.

Khả năng gián điệp của Trung Quốc, cũng như nguy cơ rò rỉ các bí mật công nghệ tại Đài Loan đã khiến ROCAF chỉ có thể được cung cấp các biến thể nâng cấp của thiết kế máy bay đã 40 năm tuổi – Nó dễ dàng bị vượt mặt bởi các loại máy bay chiến đấu hiện đại của Bắc Kinh.

Trong một diễn biến liên quan, Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm qua tuyên bố sẽ đáp trả mạnh mẽ nếu Mỹ không ngừng hợp đồng 8 tỷ USD bán tiêm kích F-16V cho Đài Loan.

“Việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan vi phạm chính sách một Trung Quốc và ba thông cáo chung từng giúp củng cố mối quan hệ song phương. Đây là hành động can thiệp vào vấn đề nội bộ và làm suy yếu chủ quyền, lợi ích an ninh của Bắc Kinh” – người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh hôm qua nói tại buổi họp báo.

Bà Oánh khẳng định Trung Quốc kiên quyết phản đối động thái này và đã trao công hàm phản đối mạnh mẽ. “Trung Quốc kêu gọi Mỹ hủy bỏ ngay việc bán F-16V cho Đài Loan, ngừng bán vũ khí và quan hệ quân sự với Đài Bắc. Nếu không Trung Quốc sẽ đáp trả mạnh mẽ và Mỹ sẽ phải gánh chịu mọi hậu quả” – bà Oánh nói.

Bình Nguyên/Soha News

Tags :
Đọc nhiều