Vì sao Hiệp ước AUKUS lại là “đòn chí mạng” với tham vọng biển sâu của Trung Quốc?
Trang The Economist vừa đăng bài phân tích về tác động của việc Mỹ và Anh hỗ trợ Australia phát triển tàu ngầm hạt nhân. Điều này sẽ cho phép các tàu ngầm của Australia cho thể di chuyển xa hơn, giảm độ ồn, qua đó cải thiện năng lực tác chiến trong khu vực đang có sự gia tăng căng thẳng với Trung Quốc.
Theo The Economist, hiện nay, chỉ có 6 quốc gia trên thế giới là Mỹ, Anh, Trung Quốc, Pháp, Ấn Độ và Nga đang vận hành tàu ngầm hạt nhân. Theo phân tích của giới quan sát, nhiều khả năng Australia sẽ trở thành nước thứ 7 sở hữu loại vũ khí chạy bằng năng lượng hạt nhân này.
Trong tuyên bố đưa ra vào ngày 15/9, Tổng thống Joe Biden, Thủ tướng Boris Johnson và Thủ tướng Scott Morrison đã công bố “khai sinh” liên minh Mỹ-Anh-Australia, có tên là AUKUS.
Phát biểu về quyết định trên, Thủ tướng Australia Scott Morrison nêu rõ: “Thế giới của chúng ta đang trở nên phức tạp hơn, đặc biệt là ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Để đối mặt với các thách thức và giúp đưa an ninh và ổn định tới những khu vực cần thiết, chúng ta cần phải nâng quan hệ đối tác lên một tầm cao mới”.
Động thái này cũng được xem là một trong số các bước đi mà Tổng thống Mỹ Joe Biden đang thực hiện để củng cố các liên minh, xây dựng bức tường thành chống lại Trung Quốc.
Sáng kiến đầu tiên của AUKUS là hợp tác phát triển tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân trong tương lai cho Hải quân Hoàng gia Australia.
Hiệp ước này sẽ được ký kết chính thức tại Washington vào tuần tới, qua đó phản ánh mối quan ngại chung của ba nước về sức mạnh ngày càng gia tăng của Trung Quốc, cũng như mong muốn của Mỹ trong việc tăng cường khả năng quân sự của các đối tác châu Á.
AUKUS dựa trên ý tưởng của Australia, bao gồm hợp tác ngoại giao, an ninh và quốc phòng ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, bên cạnh đó là hợp tác về phát triển năng lực không gian mạng, trí tuệ nhân tạo, công nghệ lượng tử, cảm biến dưới nước và máy bay không người lái.
Tuy nhiên, yếu tố gây chú ý nhất chính là thỏa thuận về tàu ngầm, vốn được cho là hoạt động hợp tác quốc tế quan trọng nhất thế giới về phát triển năng lực quốc phòng trong nhiều thập kỷ qua.
Australia trước đây đã ký hợp đồng trị giá 90 tỷ USD với công ty Naval Group của Pháp để đóng 12 tàu ngầm diesel-điện tiên tiến, nhưng Canberra không hài lòng khi công ty này không đầu tư đầy đủ cho các nhà cung cấp địa phương. Bây giờ, Australia đang hủy bỏ thỏa thuận trên.
Thay vào đó, xứ sở chuột túi sẽ mua tàu ngầm hạt nhân của các đối tác đến từ Mỹ và Anh, từng sản xuất và vận hành tàu ngầm các loại trong nhiều thập niên.
“Chúng tôi sẽ tận dụng chuyên môn từ Mỹ và Vương quốc Anh, tận dụng các chương trình tàu ngầm của hai quốc gia này, để đưa tàu ngầm của Australia vào hoạt động sớm nhất có thể”, tuyên bố chung hứa hẹn.
Truyền thông Australia đưa tin, Mỹ có thể sẽ vận hành các tàu ngầm tấn công ngoài khơi từ cảng HMAS Sterling, một căn cứ hải quân của Australia ở Perth, trong thời gian chờ đợi.
Việc mua các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân sẽ hỗ trợ đáng kể cho hải quân Australia, bởi loại vũ khí này có quy mô lớn hơn, đắt hơn, nhưng nhanh hơn và có thể ở dưới nước lâu hơn nhiều so với các loại tàu ngầm diesel-điện như các tàu ngầm lớp Collins hiện nay của nước này.
Ngoài ra, tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân có thể đi biển lâu hơn mà không cần tiếp tế. Đây được coi là một yếu tố quan trọng khi tàu vận hành tại khu vực Thái Bình Dương rộng lớn.
Trung tâm Đánh giá Chiến lược và Ngân sách (CSBA) thuộc Viện nghiên cứu chính sách của Mỹ tính toán rằng, tàu ngầm diesel-điện đi từ Perth có thể hoạt động trong vòng 11 ngày ở Biển Đông, trong khi tàu ngầm hạt nhân có thể hoạt động trong hơn 2 tháng.
Theo chuyên gia Malcolm Davis thuộc Viện Chính sách Chiến lược Australia (ASPI), các tàu mới được đề xuất sẽ cung cấp “sức mạnh tấn công thực sự”.
Mối quan hệ của Australia với Trung Quốc ngày càng trở nên “băng giá”. Năm ngoái, Bắc Kinh đã áp đặt lệnh cấm đối với một số mặt hàng của Canberra để đáp trả việc nước này kêu gọi điều tra nguồn gốc của virus SARS-CoV-2.
Thỏa thuận thiết lập đối tác tam giác chiến lược AUKUS không cung cấp vũ khí hạt nhân cho Australia. Nhưng công nghệ này sẽ cho phép các tàu ngầm của Australia có thể di chuyển xa hơn, giảm độ ồn, qua đó cải thiện năng lực tác chiến trong khu vực đang có sự gia tăng căng thẳng với Trung Quốc.
Căng thẳng vốn không phải chuyện xa lạ ở Biển Đông – nơi Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền với gần như toàn bộ diện tích tuyến hàng hải nhộn nhịp và quan trọng bậc nhất thế giới này. Thêm vào đó, tình hình khu vực luôn tiềm ẩn rủi ro khi Triều Tiên và Hàn Quốc đều tiến hành các vụ thử tên lửa trong tuần gần đây trong bối cảnh đàm phán tiếp tục bị đình trệ.
Một quan chức cấp cao của Mỹ giấu tên nhấn mạnh rằng “mối quan hệ đối tác này không nhằm vào bất kỳ quốc gia nào”. Tuy nhiên, phát biểu này dường như đi “ngược dòng” với những nỗ lực sâu rộng của chính quyền Tổng thống Biden nhằm đối đầu với những tham vọng kinh tế và quân sự ngày càng mở rộng của Trung Quốc.
“Tương lai của mỗi nước chúng ta – và thực sự là cả thế giới – phụ thuộc vào một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở, tồn tại và phát triển mạnh mẽ trong những thập kỷ tới”, ông Biden nói.
Ngoài AUKUS, Tổng thống Biden cũng nhấn mạnh đến các cơ chế hợp tác khu vực như nhóm “Bộ tứ kim cương” QUAD (bao gồm Mỹ, Australia, Ấn Độ và Nhật Bản). Theo dự kiến, các nhà lãnh đạo của QUAD sẽ họp thượng đỉnh trực tiếp tại Nhà Trắng vào tuần tới.
“Việc hình thành ‘bè phái’ khép kín và riêng biệt nhằm vào nước khác đi ngược xu thế thời đại và đi chệch hướng so với kỳ vọng của các nước trong khu vực. Do đó, nó sẽ không giành được sự ủng hộ nào và chắc chắn sẽ thất bại”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên bày tỏ quan điểm.
Bảo Trâm (Theo The Economist, Los Angeles Times)