7
category
526398

Mưu đồ xảo quyệt của Trung Quốc khi đề nghị trục vớt tàu ngầm Indonesia: Quá nham hiểm!

21/06/2021 14:45

Trung Quốc chưa hề có kinh nghiệm trục vớt tàu chiến từ đáy biển, vậy tại sao Bắc Kinh lại đề nghị giúp Indonesia trục vớt tàu ngầm Nanggala bị đắm?

Mưu đồ xảo quyệt của Trung Quốc khi đề nghị trục vớt tàu ngầm Indonesia: Quá nham hiểm!

TRUNG QUỐC ĐỀ NGHỊ TRỤC VỚT TÀU NGẦM INDONESIA BỊ CHÌM

Trong tháng 5 và tháng 6/2021, Trung Quốc lần đầu tiên sốt sắng bắt tay vào một sứ mệnh ngoại giao quốc phòng mới ở Đông Nam Á: Nỗ lực trục vớt tàu ngầm KRI Nanggala 2 của Indonesia bị đắm.

Sự hăng hái và lòng nhiệt tình có phần khác với thường lệ này của Trung Quốc khiến giới quan sát không khỏi ngờ vực và ra đặt câu hỏi về những ý định thực thụ của Bắc Kinh là gì?

Con tàu 2.000 tấn 40 năm tuổi của Hải quân Indonesia bị chìm ở ngoài khơi bờ biển Bali vào ngày 21/4 đã trở thành một thảm kịch khi cuốn theo mạng sống của toàn bộ 53 thành viên thủy thủ đoàn.

Ngay sau khi được thông báo mất tích, Singapore, Malaysia, Ấn Độ, Australia và Mỹ đã cử lực lượng hải quân và không quân đến giúp Indonesia tìm kiếm chiếc tàu ngầm bị nạn.

Vài ngày sau, đội tìm kiếm cứu nạn tìm thấy nó chìm dưới đáy biển cách mặt nước khoảng 800 mét và bị vỡ thành ba mảnh. Hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân của thảm kịch.

Đầu tháng 5/2020, Indonesia chấp nhận đề nghị trục vớt con tàu “miễn phí” từ phía Trung Quốc. Bắc Kinh đã triển khai một tàu nghiên cứu biển (được trang bị tàu lặn có người lái có khả năng lặn xuống độ sâu hơn 10.000 mét), một tàu cứu hộ và cứu nạn (được trang bị hai phương tiện cứu hộ biển sâu) và một tàu kéo vượt đại dương.

Trong 4 tuần tiếp theo, các tàu của Trung Quốc đã tiến hành gần 20 lần lặn xuống địa điểm xác tàu ngầm Indonesia, thu được nhiều vật dụng, trong đó có bè cứu sinh và các thiết bị khác.

Tuy nhiên, nỗ lực nâng phần tàu ngầm nặng 20 tấn lên bằng dây cáp đã thất bại. Không thi thể thủy thủ nào được tìm thấy. Hoạt động tìm kiếm sau đó phải dừng lại vào đầu tháng 6 và các tàu Trung Quốc đã trở về nhà. Hiện vẫn chưa rõ liệu sẽ có những nỗ lực tiếp theo để trục vớt tàu ngầm hay không.

Mưu đồ xảo quyệt của Trung Quốc khi đề nghị trục vớt tàu ngầm Indonesia: Quá nham hiểm! - Ảnh 1.
Các mảnh vỡ của tàu ngầm hải quân Indonesia KRI Nanggala mất tích đã được tìm thấy dưới đáy biển gần Bali. Ảnh: AFP

MƯU ĐỒ THỰC SỰ CỦA BẮC KINH LỘ DIỆN?

Điều đáng chú ý ở đây là từ đầu những năm 2000, Trung Quốc đã mở rộng đáng kể các hoạt động ngoại giao quốc phòng ở Đông Nam Á. Giá trị bán vũ khí của Trung Quốc cho khu vực đã tăng lên, trong khi quân đội nước này cũng tăng tần suất trao đổi đoàn cấp cao và các cuộc tập trận huấn luyện quân sự với các đối tác trong khu vực.

Tuy nhiên, việc Trung Quốc đề nghị hỗ trợ Indonesia trục vớt tàu ngầm bị đắm nói lên rất nhiều điều.

Đầu tiên phải thấy rằng, không phải nước nào trên thế giới cũng có đủ khả năng thực hiện những nỗ lực như vậy. Hoạt động của tàu ngầm là một trong những hoạt động phức tạp và nguy hiểm nhất mà các lực lượng hải quân có thể thực hiện. Kể từ năm 1945, đã có hơn một chục tàu ngầm bị mất tích trên biển, thường là do cháy hoặc nổ.

Do những hiểm nguy khi hoạt động ở độ sâu lớn, đó là chưa kể tới những đạn dược chưa nổ còn chứa bên trong tàu, trước sứ mệnh trục vớt Nanggala, chỉ có hai nỗ lực như vậy được thực hiện để đưa các tàu ngầm bị chìm lên mặt nước.

Năm 1974, Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đã sử dụng một tàu khoan biển sâu trang bị đầu ngoạm khổng lồ để thực hiện kế hoạch táo bạo trục vớt một tàu ngầm Liên Xô bị chìm ở Thái Bình Dương năm 1968. Thế nhưng, cũng chỉ có một phần ba con tàu được trục vớt.

Năm 2001, một công ty của Hà Lan có kinh nghiệm lâu năm trong các hoạt động trục vớt đã nâng thành công tàu ngầm Kursk của Nga bị chìm ở biển Barents sau vụ tai nạn hồi đầu năm đó cướp đi sinh mạng của 118 thành viên thủy thủ đoàn.

Do Hải quân Trung Quốc đã nhanh chóng phát triển hạm đội tàu ngầm của mình, và đặc biệt là kể từ sau vụ tai nạn tàu ngầm năm 2003 khiến 70 thủy thủ thiệt mạng nên Bắc Kinh đã đầu tư nguồn lực đáng kể vào khả năng cứu hộ tàu ngầm.

Mưu đồ xảo quyệt của Trung Quốc khi đề nghị trục vớt tàu ngầm Indonesia: Quá nham hiểm! - Ảnh 3.
Bộ quần áo thoát hiểm nằm trong số các vật dụng được trục vớt từ tàu ngầm Indonesia bị chìm. Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, Trung Quốc chưa hề có kinh nghiệm trục vớt tàu chiến từ đáy biển. Vậy tại sao Bắc Kinh lại đề nghị giúp Indonesia trục vớt tàu ngầm Nanggala? Có thể xảy ra 3 lý do sau:

Lý do đầu tiên có thể xuất phát từ lòng vị tha thực sự. Các thủy thủ gắn kết với nhau như tình anh em khi hoạt động trên biển. Khi một tàu chiến gặp khó khăn, theo bản năng, thì cả bạn bè và kẻ thù đều đưa ra lời đề nghị giúp đỡ.

Một phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã nói rằng nỗ lực trục vớt tàu ngầm Nanggala là “một hoạt động cứu hộ nhân đạo quan trọng”, góp phần tăng cường sự tin cậy lẫn nhau và tinh thần hợp tác với các quân đội khác trong khu vực.

Lý do thứ hai là tư lợi. Bắc Kinh có thể đã tính toán rằng những nỗ lực của hải quân nước này có thể giúp cải thiện tình cảm của công chúng Indonesia với Bắc Kinh, điều đã giảm sút gần đây do những căng thẳng gia tăng giữa hai nước trên Biển Đông.

Lý do thứ ba và nếu như vậy thì nó mang tính xảo quyệt vô cùng. Trung Quốc có thể lợi dụng hoạt động trục vớt để thu thập dữ liệu thủy văn nhằm mục đích trang bị cho chính các tàu ngầm của họ khi thực hiện nhiệm vụ ở những tuyến đường biển có tầm quan trọng chiến lược của Indonesia nối Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.

Nhiều nguồn tin trên truyền thông Trung Quốc đã phát biểu thẳng thừng rằng hoạt động trục vớt tàu ngầm Nanggala có thể giúp Trung Quốc “nghiên cứu tình hình địa lý hàng hải trong khu vực” và rằng thông tin này “sẽ có lợi” cho Hải quân PLA.

Thời gần đây, đã có không ít người bày tỏ nghi ngờ Trung Quốc đang thu thập dữ liệu biển sâu ở Indonesia. Năm 2019 và 2020, ba thiết bị lặn không người lái (UUV) được cho là của Trung Quốc, đã được tìm thấy ở vùng biển của Indonesia.

Các UUV này có thể được Trung Quốc sử dụng để thu thập dữ liệu biển sâu để lập hải đồ dưới nước dùng cho các tàu ngầm của họ. Tháng 1/2021, lực lượng bảo vệ bờ biển Indonesia tiếp tục hộ tống một tàu khảo sát của Trung Quốc khỏi vùng đặc quyền kinh tế của nước này vì đã tiến hành nghiên cứu khoa học trái phép ở eo biển Sunda.

Vì vậy, việc Trung Quốc trợ giúp Indonesia trục vớt tàu ngầm Nanggala cho thấy hai động cơ rõ ràng.

Một mặt, đây được xem là hoạt động ngoại giao quốc phòng để xây dựng lòng tin giữa các lực lượng vũ trang hai nước. Nhưng mặt khác, nó cũng có thể được Trung Quốc sử dụng như một cái cớ hợp pháp để thu thập thông tin về khả năng và môi trường địa lý hàng hải của Indonesia.

Anh Tú

Đọc nhiều