420
category
422015

Mưu đồ của Trung Quốc đằng sau tàu cá trá hình

20/08/2020 09:29

Các tàu cá trá hình đóng một vai trò quan trọng trong âm mưu kiểm soát biển Đông của Trung Quốc

Sau khi lệnh cấm đánh bắt cá trên biển Đông do chính quyền Trung Quốc đơn phương đưa ra hồi tháng 5 năm nay chấm dứt hôm 16-8, thông tin từ phía Trung Quốc cho biết hơn 16.000 tàu cá của nước này từ đảo Hải Nam đã bắt đầu tràn xuống biển Đông.

Đánh bắt trái phép, tận diệt

Số lượng tàu cá lớn như vậy dẫn đến nhiều lo ngại, chủ yếu liên quan 2 lĩnh vực. Thứ nhất là tình trạng đánh bắt trái phép bằng cách tận diệt trong vùng biển của các quốc gia khác, dẫn đến cạn kiệt hải sản. Thứ hai là hoạt động của nhiều tàu cá trá hình thuộc lực lượng dân quân biển của Trung Quốc.

Theo nghiên cứu hồi tháng 6 của một tổ chức độc lập tại Anh là Viện Nghiên cứu hải ngoại (ODI), số lượng tàu cá đánh bắt xa bờ của Trung Quốc đã gia tăng với tốc độ khủng khiếp, chỉ từ 13 tàu vào nửa đầu thập niên 80 của thế kỷ trước lên tới 16.966 tàu hiện nay.

Mưu đồ của Trung Quốc đằng sau tàu cá trá hình - Ảnh 1.
Tàu Hải quân Ecuador tiếp cận một tàu cá sau khi phát hiện một đội tàu phần lớn treo cờ Trung Quốc gần vùng biển quần đảo Galapagos hôm 7-8

Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 quy định tại vùng biển thuộc đặc quyền kinh tế (EEZ) rộng 200 hải lý tính từ đường cơ sở của mỗi quốc gia ven biển, quyền khai thác các tài nguyên biển (bao gồm hải sản) là đặc quyền của quốc gia đó. Tuy nhiên gần đây, rất nhiều tàu cá Trung Quốc xâm phạm các vùng biển thuộc EEZ của nhiều nước để đánh bắt trái phép.

Theo thống kê của tổ chức độc lập Global Initiative (Thụy Sĩ) hồi năm ngoái, Trung Quốc dẫn đầu thế giới về hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Đã vậy, họ còn đánh bắt mang tính tận diệt.

Năm 2016, khi phân xử vụ Philippines kiện Trung Quốc về các yêu sách chủ quyền phi lý ở biển Đông, Tòa Trọng tài quốc tế đã lên án việc tàu cá Trung Quốc hủy hoại môi trường sống của loài ngao khổng lồ và những bãi san hô quan trọng. Nhiều môi trường sinh thái quan trọng nhất của khu vực đã bị nạo vét và chôn vùi dưới lượng bê-tông khổng lồ khi Bắc Kinh bồi đắp và quân sự hóa phi pháp các đảo nhân tạo.

Không chỉ đánh bắt trái phép, tàu cá Trung Quốc còn quấy phá tàu cá các nước. Các tàu cá trá hình này được biết đến là lực lượng dân quân biển của Trung Quốc và đóng một vai trò quan trọng trong âm mưu kiểm soát biển Đông.

Lực lượng đáng lo ngại

Một nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS – Mỹ) chỉ rõ: “Một loại đội tàu cá khác có tham gia hoạt động bán quân sự thay mặt cho nhà nước thay vì đánh cá thương mại đã trở thành lực lượng lớn nhất ở quần đảo Trường Sa.

Các hoạt động của dân quân được ghi chép rõ ràng: Họ tham gia tuần tra, giám sát, tiếp tế… để tăng cường hiện diện của Trung Quốc tại vùng biển tranh chấp ở biển Đông và biển Nhật Bản. Bắc Kinh không giấu giếm sự tồn tại của lực lượng này và một số ngư dân được đào tạo, trang bị tốt nhất để quấy rối tàu nước khác”.

Cụ thể, vào năm 2009, lực lượng dân quân biển Trung Quốc đã bao vây USNS Impeccable khi tàu Mỹ này khảo sát quân sự ở vùng biển ngoài EEZ của Trung Quốc. Một hỗn hợp tàu Trung Quốc, gồm tàu đánh cá bằng lưới rà thuộc lực lượng dân quân biển và các tàu của chính phủ, đe dọa cắt dây cáp kéo theo tàu phụ trợ của Mỹ trên vùng biển quốc tế.

Vào năm 2012, các tàu cá loại này cũng phối hợp với tàu hải cảnh của Trung Quốc chiếm quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough ở biển Đông từ phía Philippines. Năm 2014, nhiều tàu cá Trung Quốc đã hộ tống giàn khoan Hải Dương Thạch Du 981 xâm phạm trái phép EEZ của Việt Nam.

Mới đây, trong năm 2019 và 2020, các tàu cá này cũng đi theo các tàu thăm dò và tàu hải cảnh Trung Quốc quấy phá hoạt động thăm dò, khai thác tài nguyên của các nước ASEAN trên vùng biển Đông, bao gồm Việt Nam, Philippines, Malaysia và Indonesia.

Chính vì vậy, dư luận quốc tế cần yêu cầu Trung Quốc kiểm soát và tuân thủ các quy định của luật pháp quốc tế liên quan đến đánh bắt cá, trong đó tôn trọng quyền khai thác tài nguyên hải sản tại EEZ của các quốc gia ven biển Đông. Mặt khác, các nước liên quan phải đưa ra biện pháp hữu hiệu để bảo vệ ngư dân mình trước sự uy hiếp từ tàu cá Trung Quốc.

Ở cấp cao hơn, các quốc gia trên thế giới cần tác động tới Liên Hiệp Quốc để ban hành các quy định cụ thể đối với việc Trung Quốc sử dụng tàu dân quân biển dưới dạng tàu cá nhằm xâm phạm chủ quyền và quyền chủ quyền của các quốc gia khác…

Kiên quyết bảo vệ chủ quyền trên biển

Liên quan đến việc tàu cá Trung Quốc ngang nhiên đánh bắt ở những vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam (đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép), ông Hà Lê – Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư thuộc Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – cho biết Trung Quốc bắt đầu đơn phương áp đặt cái gọi là lệnh cấm đánh bắt cá trên biển Đông từ năm 1999, bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế. “Cục Kiểm ngư bác bỏ quyết định đơn phương của phía Trung Quốc về cấm đánh bắt cá ở biển Đông từ ngày 1-5 đến 16-8 khi khu vực cấm đánh bắt nằm trong vùng biển của Việt Nam” – ông Hà Lê khẳng định.

Về việc tàu cá Trung Quốc hoạt động trở lại, ông Hà Lê nhấn mạnh lực lượng kiểm ngư và các lực lượng thực thi pháp luật khác của Việt Nam tiếp tục hỗ trợ, bảo vệ ngư dân khai thác hợp pháp trên các vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, đồng thời kiên quyết tham gia đấu tranh bảo vệ chủ quyền trên biển.

Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa phù hợp luật pháp quốc tế. Là quốc gia ven biển Đông và là thành viên của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, Việt Nam có chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán tại các vùng biển của mình được xác lập phù hợp công ước cũng như được hưởng các quyền lợi hợp pháp khác trên biển theo quy định của công ước.

Văn Duẩn/ NLĐ

Đọc nhiều