130115
topics
394117

Mưu đồ bẩn của tạp chí Hoa Kỳ khi xuyên tạc công tác chống dịch của Việt Nam

Đặng Trường 19/05/2020 12:01

Vừa qua, tờ Foreign Policy đã đăng tải một nội dung có tựa đề: “Thành công trước coronavirus của Việt Nam được xây dựng nên từ sự đàn áp”. Trong bài viết, tác giả Bill Hayton cho rằng “chính quyền có thể kiểm soát dịch Covid-19 trong nước là nhờ chính sách “vi phạm nhân quyền” nghiêm trọng theo đó tổ chức theo dõi lịch sử đi lại giao tiếp của người dân, đặc biệt kiểm soát thông tin “gắt gao” trên không gian mạng để nhanh chóng gỡ bỏ các tin tức tiêu cực, xử phạt các đối tượng đăng tải thông tin chưa được Nhà nước kiểm duyệt”.

Trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN và Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN+3 (Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc) về ứng phó dịch bệnh Covid-19 bằng hình thức họp trực tuyến. Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam không ngại chia sẻ bí quyết, kinh nghiệm chống dịch hiệu quả cho các nước.

Đã có nhiều lời giải thích vì sao Việt Nam đạt được thành công trong việc khống chế dịch Covid-19 từ rất sớm. Thật không khó để tìm câu trả bởi chính xác bởi truyền thông Việt Nam vẫn công khai minh bạch toàn bộ thông tin mỗi ngày. Cuối tháng 1/2020, dịch nCoV bùng phát ở Vũ Hán (Trung Quốc), lúc đó Việt Nam mới có 6 ca nhiễm nCoV. Ngay ngày 2/2/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định công bố dịch viêm đường hô hấp cấp. Tiếp theo là hàng loạt các hành động quyết liệt, kịp thời của Thủ tướng, của Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, do Phó thủ tướng Vũ Đức Đam làm Trưởng ban đã đưa lại kết quả là đến trước ngày 6/3/2020, Việt Nam chỉ có 16 người nhiễm nCov và cả 16 người đều đã khỏi bệnh.

Công dân Việt Nam từ nước ngoài trở về đều được bố trí nơi cách ly riêng biệt để theo dõi sức khỏe.

Từ giữa tháng 2 trở đi, dịch lây lan và bùng phát ở nhiều nước trên thế giới, nhất là ở Hàn Quốc, châu Âu, Hoa Kỳ. Đây cũng là khu vực có hàng trăm nghìn người Việt sinh sống, lao động, học tập, du lịch … khi có dịch họ ồ ạt trở về nước. Ngoài ra, hàng ngày có hàng nghìn người từ các quốc gia này đến Việt Nam du lịch. Bởi vậy, từ ngày 6/3, số người bị phát hiện nhiễm nCoV tăng nhanh. Đến ngày 27/3, Việt Nam có 163 bệnh nhân nhiễm nCoV. Tuy nhiên, với những kịch bản đã chuẩn bị sẵn, nước ta đã thực hiện chiến lược truy tìm dịch tễ, thành lập hàng trăm khu cách ly riêng biệt, theo dõi chặt chẽ các ca nhiễm tiềm tàng trong xã hội. Có trên 50.000 người phải đưa vào các khu cách ly. Sự cảnh giác liên tục được duy trì bởi Chính phủ chưa bao giờ coi Covid-19 là “bệnh cúm xoàng”, hơn thế nữa còn xem dịch Covid-19 là một loại giặc nguy hiểm nên phải “chống dịch như chống giặc”.

Khu vực có bệnh nhân nhiễm nCoV được lực lương chức năng phong tỏa, cách ly.

Một trong điều mà bất kỳ người dân nào cũng nhận thấy đó là thái độ kiên quyết của những người đứng đầu đất nước, các bộ ban ngành, địa phương, sẵn sàng hy sinh một phần lợi ích kinh tế để bảo vệ tính mạng và sức khỏe của người dân. Và nó gần như đã trở thành tôn chỉ cho mọi hành động ứng phó, phòng chống dịch bệnh. Khi biên giới các nước trên thế giới vẫn mở toang thì Việt Nam đã có lệnh tạm đóng cửa biên giới, tạm ngừng nhập cảnh khách du lịch. Như đã nghiên cứu kỹ lưỡng đỉnh điểm dịch bệnh cũng như “thời điểm vàng” chống dịch, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhanh chóng ra Chỉ thị số 15 về quyết liệt thực hiện đợt cao điểm phòng, chống dịch Covid-19. Tiếp theo Chỉ thị 15, người đứng đầu Chính phủ cũng đã ban hành Chỉ thị số 16 về những giải pháp cấp bách trong phòng, chống dịch Covid-19, trong đó có đề cập đến khái niệm “cách ly xã hội”. Tạm ngưng hoạt động các loại hình dịch vụ không thật sự cần thiết, nhà nhà truyền đi thông điệp “ai nơi nào, ở yên chỗ đó”, “hãy ở nhà!”, “chỉ ra khỏi nhà khi cần thiết”. Đồng thời, tăng cường ra soát các trường hợp từ nước ngoài trở về để tránh nguy cơ lây nhiễm. Khi phát hiện ca nhiễm, các y bác sỹ cật lực tận tình cứu chữa bằng tất cả kinh nghiệm xây dựng phác đồ điều trị. Vì tất cả những lý do đó mà đến thời điểm này, Việt Nam chưa có bất kỳ trường hợp nào tử vong vì virus Corona.

Trạm kiểm soát kiểm tra thân nhiệt người dân và tình hình di chuyển trong giai đoạn thực hiện Chỉ thị 16 về cách ly xã hội được thành lập.

Tất nhiên, trong cuộc chiến với giặc Covid-19 đó không chỉ có sự quyết liệt của Chính phủ, các bộ ban ngành địa phương mà còn có sự chung sức đồng lòng của người dân trên cả nước. Sự đồng lòng ấy không chỉ bằng lời nói mà còn được hiện thực hóa bằng hành động, đó là ý thức bảo vệ bản thân, cộng đồng, chấp hành nghiêm túc các Chỉ thị của Thủ tướng như hạn chế ra ngoài, tụ tập. Bên cạnh đó, hàng trăm ngàn người dân hưởng ứng phong trào toàn dân ủng hộ phòng chống dịch Covid-19, đó có thể là tiền mặt, là những bao gạo tình thương là những bó rau, củ quả chia sẻ với các chiến sỹ, đồng bào tại các khu cách ly trên cả nước. Tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau vốn đã trở thành truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta nay lại có dịp phát huy trong hoàn cảnh chống dịch đầy cam go, thử thách. Từ đó có thể thấy người dân tin tưởng vào công tác chống dịch của Chính phủ lớn như thế nào. Đến tờ The Diplomat cũng từng nhận định rằng: “Người dân Việt Nam dường như có mức độ tự tin cao nhất trên toàn cầu về cách Chính phủ của họ xử lý đại dịch”. Vậy mà tờ Foreign Policy – một tạp chí Mỹ hai tháng ra một số lại đặt điều vu cáo “thành công chống dịch của Việt Nam được xây dựng từ sự đàn áp”, “vi phạm nhân quyền”. Nếu không phải là đố kỵ với thành công của Việt Nam thì chắc chắn là một thế lực nào đó đã đứng sau giật dây để Foreign Policy tung tin xuyên tạc, kích động người dân Việt.

Đáng bàn là, tác giả viết bài vu cáo Việt Nam cho tờ báo Mỹ này lại đi ngược lại với quan điểm của lãnh đạo và phần đông đa số truyền thông của đất nước họ. Trong cuộc điện đàm mới đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đánh giá cao năng lực ứng phó với dịch bệnh của Việt Nam và cảm ơn Việt Nam đã tạo điều kiện cung cấp và vận chuyển trang thiết bị y tế cũng như trao tặng khẩu trang cho phía Mỹ. Đài phát thanh NPR đất nước này đã dẫn lời của Tổ chức Y tế thế giới và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh của Mỹ khen ngợi sự minh bạch, nhanh chóng thực hiện hàng loạt chiến thuật, gồm cách ly diện rộng, tích cực truy tìm những người tiếp xúc với người nhiễm virus Corona của Việt Nam. Hay như Tờ The Nation Mỹ đã đăng tải bài viết khen ngợi công cuộc chống dịch cực kỳ hiệu quả của Việt Nam, được xem như quốc gia đi đầu trong công cuộc chống dịch. Thậm chí tờ báo danh tiếng Washington Post còn cho rằng “Mỹ có thể học hỏi kinh nghiệm để không mắc phải những sai lầm đáng tiếc”. Vậy thì hà cớ gì một tờ tạp chí kém tên tuổi như Foreign Policy lại đi vu cáo nỗ lực chống dịch Việt Nam?

Tờ tạp chí Foreign Pocily với những luận điệu xuyên tạc nỗ lực chống dịch của Việt Nam.

Chẳng nói riêng gì truyền thông Mỹ, như Cánh Cò cũng đã nhiều lần truyền tải thông tin thì truyền thông nước ngoài cũng ca ngợi thành công phòng chống dịch của Việt Nam, trong đó có tờ Ouest của Pháp đã đăng bài viết “Không có trường hợp tử vong do virus corona: làm thể nào để giải thích bí quyết Việt Nam?”, đề cập đến ba nguyên nhân: chiến lược chống dịch quyết liệt, nhanh, dập dịch có mục tiêu và khả năng tăng cường biện pháp bất cứ lúc nào. Trang tin Rusvesna không ngại đặt tiêu đề bài viết “Phép màu Việt Nam – cách một dân tộc dũng cảm đánh bại đại dịch khủng khiếp”. Hơn nữa, tác giả bài cho rằng thành công của Việt Nam được thể hiện rõ nhất là sự vào cuộc rất sớm của Đảng và Chính phủ Việt Nam. Ngay cả tờ South China Morning Post của Trung Quốc cũng phải thừa nhận: “Tuy có chung đường biên giới nhưng nhờ kết hợp hành động sớm và quyết đoán, xét nghiệm trên diện rộng, cách ly kiên quyết cùng với sự đoàn kết trong xã hội nên cho đến nay, Việt Nam đã tránh được những hậu quả nặng nề”. Một tờ tạp chí có thể sai lầm nhưng hàng chục tờ báo lớn, hãng thông tấn lớn của các nước trên thế giới có cùng chung nhận định về một vấn đề thì không thể sai lầm được.

Đúng là Việt Nam không có nhiều lợi thế vật chất bằng so với một số quốc gia và vùng lãnh thổ khác trên thế giới nhưng Việt Nam có thái độ và quyết tâm chống dịch kiên quyết mà không phải quốc gia nào cũng có được. Trang Global News Canada đã nhận định rằng: “Việt Nam vừa là một quốc gia chống dịch hiệu quả với những biện pháp giá rẻ, vừa là quốc gia sớm phục hồi kinh tế. Vì thế, Việt Nam đang là địa chỉ an toàn, đáng tin cậy đối với giới đầu tư quốc tế, tạo thuận lợi cho quá trình khôi phục sản xuất sau đại dịch”. Thế nên một tờ tạp chí nhỏ như Foreign Policy có chăng cũng như tiếng muỗi vo ve ven đường nhìn đoàn người lầm lì tiến về phía trước mà thôi.

Đặng Trường 

 

Đọc nhiều