MUỐN DOANH NHÂN DÁM NGHĨ LỚN – HÃY CHO HỌ QUYỀN SAI NHỎ

Thu An 19/05/2025 10:39

Một điều lạ đang diễn ra trong giới kinh doanh Việt Nam: sau nhiều năm “ở ẩn”, những cái tên từng nắm giữ vận mệnh của hàng ngàn lao động, từng đổ vốn ngàn tỷ vào sự nghiệp dựng xây, bỗng tái xuất.

6 tỷ phú USD người Việt đã nộp ngân sách bao nhiêu?

Họ trở lại bằng những cuộc gặp gỡ thầm lặng, những buổi cà phê nhiều trăn trở, những cuộc gọi trở lại thị trường. Không phải ai cũng đủ sức trở lại. Nhưng rõ ràng, đã có một thứ gì đó đang thay đổi – một tín hiệu khiến tinh thần doanh nhân thôi không cúi đầu nữa.

Việt Nam hiện có hơn 850.000 doanh nghiệp, trong đó 97% là tư nhân vừa và nhỏ. Họ đóng góp trên 60% GDP và tạo ra hơn 80% việc làm. Thế nhưng, theo Sách trắng Doanh nghiệp Việt Nam 2024 do Tổng cục Thống kê công bố, trong năm 2023, cả nước có khoảng 143.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, bao gồm các hình thức tạm ngừng kinh doanh, giải thể và chấm dứt hoạt động. Con số này tăng so với mức trung bình hàng năm khoảng 120.000 doanh nghiệp trong giai đoạn 2018–2022. Không chỉ vì thiếu vốn, thiếu đơn hàng, mà còn vì một nỗi sợ không tên: sợ sai sót hành chính bị hình sự hóa, sợ bị lôi vào vòng tố tụng vì những điểm mờ của thể chế.

Đã từng có thời, doanh nhân không chỉ phải lo thị trường, mà còn phải “đoán ý” cơ quan điều tra. Cái ranh giới giữa vi phạm hành chính và tội phạm kinh tế từng quá mong manh. Nhiều người chọn co cụm thay vì mở rộng, chọn im lặng thay vì dấn thân. Đổi mới từng bị bóp nghẹt bởi sự rình rập của nỗi sợ.

Và rồi, Nghị quyết 68-NQ/TW ra đời. Một văn kiện không dài, nhưng đủ để thổi lại ngọn gió tự do vào tinh thần doanh nhân. Bởi đây là lần đầu tiên, ở cấp cao nhất, Đảng khẳng định dứt khoát: không hình sự hóa các hành vi vi phạm hành chính, dân sự, kinh tế nếu không đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Không chỉ vậy, nghị quyết còn thiết lập những nguyên tắc tiến bộ: nếu có thể xử lý bằng biện pháp kinh tế – hành chính thì không dùng hình sự. Nếu chưa rõ ràng chứng cứ thì không khởi tố. Nếu hành vi diễn ra trong bối cảnh luật chưa rõ ràng, thì không hồi tố bất lợi. Nếu có thể khắc phục hậu quả, thì đó là ưu tiên số một.

Đây không chỉ là thay đổi pháp lý. Mà là định nghĩa lại vai trò của doanh nhân – từ đối tượng bị giám sát thành chủ thể được bảo vệ. Là sự chuyển mình của thể chế – từ hành xử răn đe sang hợp tác, từ nghi kỵ sang đồng hành.

Trung Quốc từng chấp nhận “tăng trưởng trước – điều chỉnh sau”, sinh ra một thế hệ Alibaba, Tencent. Singapore cho startup được thử nghiệm trong sandbox mà không sợ bị hình sự hóa nếu thất bại. Hoa Kỳ có Chapter 11 để doanh nghiệp phá sản được tái cơ cấu thay vì bị xóa sổ.

Tất cả họ đều hiểu một điều: không có sáng tạo nào mà không đi kèm rủi ro. Và không có khởi nghiệp nào mà không có khả năng vấp ngã.

Trong khi đó, tại Việt Nam, có thời, tinh thần đổi mới bị cầm tù trong tâm lý phòng thủ. Người dám nghĩ dám làm phải lo thủ tục hơn là lo chiến lược. Thay vì đặt câu hỏi “có khả thi không?”, doanh nhân buộc phải tự hỏi “có an toàn không?”. Không ai dám mạo hiểm khi sai một ly là… ra tòa.

Nghị quyết 68 vì thế, không phải để bao che cho cái sai. Mà là để mở một hành lang pháp lý – nơi cái đúng có thể lớn lên, cái sai có cơ chế được sửa, và cái mới có đất sống. Làm ăn chân chính không còn là một trò chơi may rủi. Mà là một cam kết đôi bên – giữa Nhà nước và doanh nghiệp.

Một quốc gia muốn trở nên hùng cường không thể để những người tạo ra của cải sống trong sợ hãi. Càng không thể để doanh nhân Việt phải chọn Singapore, Mỹ hay Dubai chỉ vì ở đó, luật pháp cho phép họ vấp ngã mà không bị chôn vùi.

Khởi nghiệp là một canh bạc. Nhưng Nhà nước không phải người chia bài. Mà là người bảo chứng. Không cam kết thành công – nhưng cam kết một điều: nếu ngã, vẫn có thể đứng dậy đi tiếp. Chứ không phải đi hầu toà.

Thu An

Đọc nhiều