419
category
451805

Mượn án tham nhũng, đả kích chính trị

Komi 24/11/2020 18:39

Công tác phòng, chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước thời gian qua có những bước chuyển biến rõ rệt, đạt được những kết quả tích cực, nhận được sự đồng tình, ủng hộ của toàn dân. Thế nhưng, nó cũng trở thành “miếng mồi béo bở” để những kẻ chống Đảng, Nhà nước liên tục công kích, xuyên tạc.

Công tác phòng, chống tham nhũng đang bị triệt để lợi dụng để xuyên tạc

Cứ sau mỗi vụ án tham nhũng lớn được điều tra, làm rõ, đặc biệt là những vụ có liên quan đến cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước, mạng Internet, mạng xã hội lại tràn ngập những thông tin xuyên tạc. Kịch bản luôn được định hướng theo một “mô – típ” quen thuộc:

Thứ nhất, tập trung “tung hô” những cán bộ, đảng viên đang bị đưa ra điều tra, xét xử như “anh hùng” với những thành tích công tác của họ trong quá khứ, giấu nhẹm đi sai phạm. Đây là hình thức ngụy biện lấy công lao che mờ sai phạm, mục đích không phải là nhằm “chạy tội” cho cán bộ mà là nhằm đánh lạc hướng dư luận.

Như trong vụ án ở Tập đoàn dầu khí, ông Đinh La Thăng được phác họa nổi bật là người xông xáo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, tạo được hình ảnh rất ấn tượng trong xã hội khi ông làm Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải và Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, về những sai phạm khi ông Thăng còn làm Chủ tịch Tập đoàn dầu khí thì lại bị bỏ ngỏ.

Hay trong vụ án ông Nguyễn Đức Chung bị truy tố về tội “chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước”, ông Chung cũng được ca ngợi về công lao, thành tích trong đấu tranh phòng, chống tội phạm khi còn làm Giám đốc Công an thành phố Hà Nội.

Việc ca ngợi kiểu này nhằm khéo léo tạo ra tâm lý xót thương, tiếc nuối trong dư luận về những cán bộ có tài. Qua đó, cũng reo rắc sự hoài nghi về quá trình xét xử, luận tội.

Thứ hai, khéo léo vẽ ra những khung cảnh “mâu thuẫn” giữa cán bộ, đảng viên này với những người đang đương nhiệm khác như mối quan hệ cấp trên – cấp dưới; phe cánh “thân Mỹ” – “thân Tàu”…

Lại tiếp vụ ông Nguyễn Đức Chung, công an Hà Nội phụ trách thụ lý điều tra là hoàn toàn đúng thẩm quyền. Thế nhưng, cái được đem lên truyền thông trên mạng xã hội lại là việc “ông Chung bị cấp dưới một thời là Nguyễn Duy Ngọc Tống vào tù”. Lối đưa tin này là có chủ đích rõ ràng, cố tình thêu dệt mâu thuẫn theo kiểu cấp dưới – cấp trên nhằm củng cố thêm tâm lý xót thương, hoài nghi đã reo rắc cho dư luận trước đó.

Thứ ba, sau khi đã đẩy tâm lý dư luận đến cao trào xót thương, nuối tiếc người tài và hoài nghi về những mâu thuẫn, kịch bản được khép lại với màn kết luận rằng công tác phòng, chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước, việc xử lý cán bộ, Đảng viên theo đúng điều lệ Đảng và quy định pháp luật là đấu đá nội bộ, tranh giành quyền lực.

Đương nhiên, nếu suy luận một chiều như diễn biến đã được sắp đặt trước thì ai cũng sẽ dễ tin vào màn kịch này. Đặc biệt, với những thời điểm mang tính nhạy cảm như trước, trong và sau Đại hội Đảng, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng,… thì sức lan tỏa, ảnh hưởng của thông tin lại càng lớn.

Vì lẽ đó, trước những luồng tư tưởng ngụy biện như trên, mỗi người trong chúng ta cần phải hết sức tỉnh táo và ý thức một cách khách quan, toàn diện. Phải luôn ghi nhớ rằng công tác phòng, chống tham nhũng không có “vùng cấm”, không có “ngoại lệ”, không có “đặc quyền” đối với bất kể người đó là ai.

Điều 92 – Luật Phòng, chống tham nhũng quy định: “Người có hành vi tham nhũng giữ bất kì chức vụ, vị trí công tác nào đều phải bị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật, kể cả người đã nghỉ hưu, thôi việc, chuyển công tác”. Từ pháp luật thống nhất đến thực tiễn, Đảng, Nhà nước đã đưa ra những biện pháp quyết liệt, bài bản và khoa học nhằm triển khai công tác chống tham nhũng. Bộ Công an đã khởi tố, điều tra, truy tố nhiều cá nhân trong đó có những cán bộ lãnh đạo cấp cao (cả đương nhiệm, đã nghỉ hưu, chuyển công tác) theo đúng quy định của pháp luật.

Ở đây, đã là cán bộ cấp cao thì tất nhiên cũng phải có giai đoạn cống hiến, công lao, thành tích to lớn mới đạt được vị trí đó. Công lao, thành tích không ai phủ nhận, nhưng có sai phạm vẫn phải bị xử lý nghiêm. Mất cán bộ, mất người tài tiếc lắm chứ, nhưng còn hơn là để mất niềm tin và sự kỳ vọng của nhân dân.

Khi đương nhiệm là cán bộ cấp cao thì đương nhiên có mối quan hệ đồng nghiệp, có những quan điểm công tác, có phong cách cá nhân riêng biệt,… Thế nhưng, nếu bị điều tra, truy tố, xét xử, thì cán bộ cấp cao cũng đã trở thành là bị can, bị cáo đứng trước pháp luật. Mối quan hệ lúc này không phải còn là quan hệ trong một tổ chức (giữa đồng nghiệp với đồng nghiệp) mà trở thành mối quan hệ pháp luật (giữa nhà nước với người nghi thực hiện hành vi phạm tội. Mà hiển nhiên, quan hệ pháp luật thì làm gì tồn tại mâu thuẫn nội bộ hay đấu đá cá nhân.

Chiêu trò mượn án tham nhũng để công kích chính trị rõ ràng là một âm mưu thâm độc, nguy hiểm với thương thức, thủ đoạn hết sức tinh vi. Thế nhưng, công lý và sự thật thì không thể nào ngụy biện lấp liếm. Công cuộc phòng, chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước nhận được niềm tin, sự ủng hộ của Nhân dân thì chắc chắn sẽ còn đạt được nhiều kết quả hơn nữa!

Komi

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Đọc nhiều