Mục đích thực sự của Trung Quốc khi gây căng thẳng ở biên giới với Ấn Độ?

02/06/2020 07:19

Những hành động gia tăng căng thẳng mới nhất của Trung Quốc tại khu vực biên giới với Ấn Độ không tìm kiếm đụng độ quân sự mà là những tính toán sâu xa khác, Shyam Saran – cựu Ngoại trưởng Ấn Độ – nhận định.

Theo ông Shyam Saran, Bắc Kinh muốn gây sức ép nhằm cảnh cáo Ấn Độ không nên quá thân thiết với Mỹ, trong bối cảnh Washington đang muốn xây dựng một liên minh cô lập Trung Quốc.

Xe cơ giới Ấn Độ di chuyển về khu vực tranh chấp biên giới với Trung Quốc (ảnh: SCMP)

Ngoài ra, với tư cách là Chủ tịch Hội đồng điều hành WHO trong thời gian tới, Ấn Độ sẽ có ảnh hưởng nhất định trong việc giúp Đài Loan tham gia vào Tổ chức Y tế Thế giới với tư cách quan sát viên. Trung Quốc không hề mong muốn điều này và muốn răn đe Ấn Độ ở khu vực biên giới.

Trước đó, một bài viết trên Thời báo Hoàn Cầu đã cảnh báo Ấn Độ đừng nên “dính líu” đến căng thẳng Mỹ – Trung nếu không muốn thiệt hại nghiêm trọng về thương mại, kinh tế.

Căng thẳng biên giới Trung – Ấn đã gia tăng trong những ngày gần đây khi quân đội 2 nước điều thêm binh sĩ và khí tài dọc theo Đường kiểm soát thực tế (LAC).

Hôm 31.5, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh đã xác nhận căng thẳng gia tăng ở khu vực biên giới với Trung Quốc, song nhấn mạnh New Delhi sẽ cố gắng giải quyết bất đồng bằng biện pháp ngoại giao.

Trong vài ngày qua, quân đội Trung Quốc và Ấn Độ đã chuyển sang công kích lẫn nhau trên “mặt trận” mạng xã hội khi liên tục đăng tải các đoạn video, hình ảnh về những trận ẩu đả giữa 2 bên.

Nhiều phương tiện truyền thông xã hội tại Ấn Độ cũng đang kêu gọi tẩy chay hàng hóa Trung Quốc, đặc biệt là các ứng dụng di động được phát triển bởi quốc gia tỷ dân.

“Trong khoảng 10 năm gần đây, Ấn Độ đã tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng tại khu vực biên giới nhằm phát triển kinh tế xã hội. Trung Quốc cáo buộc Ấn Độ xâm phạm biên giới và gây căng thẳng vì các hoạt động xây dựng, nhưng ở khu vực Tây Tạng, mạng lưới đường bộ, đường cao tốc của họ còn rộng lớn và tốt hơn chúng tôi rất nhiều”, ông Shyam Saran cho hay.

Xe tăng Type 15 Trung Quốc đặc biệt thiết kế cho chiến tranh địa hình cao nguyên (ảnh: CNN)

Truyền thông Ấn Độ dẫn nguồn tin quân sự nói rằng, các lực lượng của Trung Quốc đã xâm nhập sâu vào lãnh thổ Ấn Độ từ 1 – 3 km. Thời báo Hoàn Cầu tuyên bố, thung lũng Galwan là lãnh thổ của Trung Quốc, mặc dù trước đây, Bắc kinh chưa bao giờ đưa ra yêu sách với khu vực này.

“Hành động này rất đáng lo ngại vì thung lũng Galwan từ lâu đã được các bên thừa nhận là thuộc về Ấn Độ, theo sự phân chia của đường LAC”, ông Saran bày tỏ quan điểm.

“Mặc chưa có phát súng nào được bắn, nhưng quy mô lực lượng được Trung Quốc tập trung ở khu vực biên giới gần đây là không thể xem nhẹ”, ông Saran nói thêm.

Theo ông Saran, việc đẩy mạnh thông qua luật an ninh mới cho Hong Kong và thái độ quyết liệt của các nhà ngoại giao “chiến binh sói” cho thấy Trung Quốc sẽ còn cứng rắn hơn nữa trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ.

“Thái độ của Trung Quốc đang mời gọi phản ứng đối kháng không chỉ từ Mỹ mà còn các quốc gia khác. Tôi cho rằng Trung Quốc đang tự đẩy mình vào thế đối đầu với quốc tế. Phải thừa nhận rằng, nền kinh tế Trung Quốc lớn gấp 5 lần Ấn Độ, nhưng điều đó không có nghĩa là một trật tự thứ bậc sẽ được hình thành theo ý muốn của Bắc Kinh”, ông Saran nhận định.

Về phần Trung Quốc, ngày 1.6, Bộ Ngoại giao nước này tuyên bố tình hình biên giới Trung – Ấn vẫn ổn định và đang trong tầm kiểm soát. Các kênh ngoại giao đã được Trung Quốc – Ấn Độ triển khai và không bị cản trở.

“Trung Quốc thực hiện nghiêm túc sự đồng thuận giữa các nhà lãnh đạo về vấn đề biên giới và tuân thủ các thỏa thuận đã ký kết. Trung Quốc mong muốn duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực biên giới với Ấn Độ”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc – Triệu Lập Kiên – phát biểu.

Phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ren Guoqiang tuyên bố, các lực lượng phòng thủ của Trung Quốc chỉ có mục đích đảm bảo hòa bình và ổn định biên giới Trung – Ấn.

Vương Nam/DV

Đọc nhiều