419
category
407919

Mục đích che giấu sau các cuộc tập trận của hải quân Trung Quốc

08/07/2020 16:30

Việc Trung Quốc cùng lúc tập trận trên các biển Hoàng Hải, Đông Hải, Nam Hải (theo cách gọi của Trung Quốc) trong căng thẳng xung đột biên giới với Ấn Độ đặt ra nhiều điều phải suy nghĩ nghiêm túc về chiến lược và chiến thuật của Trung Quốc.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu trước Hải quân Trung Quốc

Một là, Trung Quốc đang tạo ra rất nhiều kẻ thù. Ở trên bộ, hiện Trung Quốc đang chủ động tranh chấp lãnh thổ với 12 trên tổng số 14 quốc gia có biên giới chung với Trung Quốc. Mỗi khi biên giới với các nước láng giềng căng thẳng đều do bắt đầu từ phía Trung Quốc. Căng thẳng biên giới Trung – Ấn hiện nay là do Trung Quốc muốn thay đổi hiện trạng đường biên giới. Chiến tranh Trung – Ấn (1962), Trung –Xô (1969), Trung – Việt (1979 -1989) đều bắt đầu từ Trung Quốc tấn công trước.

Ở trên biển, Trung Quốc tranh giành với tất cả các quốc gia có giáp giới biển. Đó là với 2 miền Triều Tiên ở “Hoàng Hải”. Với Nhật Bản ở “Đông Hải”. Với Việt Nam, Phillipines, Malaysia và Indonesia ở “Nam Hải”. Và với Mỹ ở Thái Bình Dương.

Hai là, Trung Quốc đang dồn trọng tâm tranh chấp sang biên giới biển. Trung Quốc không bao giờ ngừng tranh chấp lãnh thổ trên bộ. Nhưng đó là cuộc tranh chấp mà Trung Quốc giữ vai trò “nhạc trưởng”. Trung Quốc chỉ cánh tay về biên giới nước nào là phía đó vang lên tiếng súng xung đột. Là kẻ đi chiếm đất, Trung Quốc thích gây chiến lúc nào là bắt đầu lúc đó. Sự xâm lược đất nằm trong thế chủ động của Trung Quốc.

Khác với đất liền, gã hàng xóm không thể dàn quân thường trực theo biên giới biển. Cho nên trên biển, thế chủ động không phải lúc nào cũng thuộc về Trung Quốc. Trên biển, các quốc gia khác có thể chủ động tuần tra và khai thác vùng biển thuộc chủ quyền của họ, dẫu rằng Trung Quốc có tuyên bố là của Trung Quốc thì gã phương bắc cũng không có khả năng ngăn cản triệt để.

Bởi thế, khi Trung Quốc chuyển trọng tâm sang xâm chiếm biển, thì Trung Quốc phải đủ khả năng đối phó trên tất cả 3 biển “Hoàng Hải”, “Đông Hải”, “Nam Hải”. Hơn thế nữa, Trung Quốc phải đủ tiềm lực đối phó cùng lúc trên đất liền với các đối thủ quan trọng. Cho nên, gã hàng xóm đã tập trận trên cả 3 vùng biển này trong căng thẳng biên giới Trung – Ấn mà Trung Quốc không chủ động tăng nhiệt.

Nhưng Trung Quốc cố gắng phô diễn sức mạnh trên biển bao nhiêu thì cũng không che được sự thực về lực lượng và sức mạnh thực tế của Hải quân Trung Quốc.

Tàu sân bay Liêu Ninh (giữa) cùng các tàu chiến Trung Quốc

Hải quân Trung Quốc tuy nhiều về số lượng nhưng không phải dẫn đầu về công nghệ. Dẫu là tàng hình, săn ngầm, phát hiện và khóa mục tiêu ở khoảng cách 200 – 300 km… nhưng công nghệ Trung Quốc đều là hạng 2. Khi chiến sự xảy ra, sự chậm trễ dù chỉ 0,0001% giây, tàu chiến, tàu ngầm, máy bay của Trung Quốc sẽ đều bị bắn hạ trước. Trên biển không phải là trên bộ để 1 người lính chống trả được cả trung đội hay sống sót dưới làn mưa bom. Trên biển bị bắn hạ là thua trận.

Ở mặt khác, hợp đồng tác chiến của Hải quân Trung Quốc còn ở mức “vỡ lòng”. Hàng không mẫu hạm Liêu Ninh mua lại của Liên Xô cũ chở lèo tèo mấy chiếc J10, J16 (phiên bản copy của SU 27) chỉ mang tính phô diễn mà không đủ tính thực chiến. Trung Quốc biết điều đó nên phải gấp rút xây dựng căn cứ quân sự trên đảo nhân tạo. Không phải cứ có tàu chiến là kịp thời xung trận và xung trận hiệu quả. Trong tình thế ở giữa đại dương mênh mông, bất kỳ hướng nào cũng có địch mà không có gì để che chở, thì làm mồi cho đối thủ với hệ thống điều khiển tự động tìm diệt và điều khiển vệ tinh trúng đến từng mét vuông là điều khó tránh khỏi. Hải quân Trung Quốc, vì thế khi gặp đối thủ trên cơ về công nghệ (như Nhật Bản) là tan xác, bất chấp đối thủ có ít hơn về số lượng tàu chiến. Điều mà Trung Quốc cuối cùng phải dựa vào để đe dọa chính là vũ khí hạt nhân.

Trung Quốc tuy to miệng trước các nước mạnh mà không dám gây chiến, nhưng Trung Quốc đánh thật các nước nhỏ.

Tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi nhiều lần bị tàu Trung Quốc đâm chìm, truy đuổi khi đánh bắt trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Dựa vào số đông các tàu chiến và tàu hải cảnh có sức chứa lớn, giống như bọn cướp đường, Trung Quốc ồ ạt kéo cả hàng trăm tàu chiến khi có sự cố trên biển để áp đảo về số lượng. Bằng hàng chục vạn tàu dân quân bọc thép trang bị vũ khí ngầm, Trung Quốc ồ ạt đâm đuổi thuyền cá các nước và chiếm lĩnh ngư trường các nước. Bằng cách này, Trung Quốc chiếm trọn bãi cạn Scarborough của Philippines; đâm chìm thuyền cá Việt Nam; tiến sâu cả vào lãnh hải Indonesia; lấy trọn ngư trường ở Biển Đông.

Bằng cách này, không chỉ chiếm lĩnh ngư trường, Trung Quốc đưa tàu chiến đến để bảo vệ tàu Hải Dương 981, tàu Hải dương Địa chất 8 của Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Malaysia và Philippines.

Ngang ngược hơn, Trung Quốc cấm bắt đánh cá ở Biển Đông bất cứ lúc nào Trung Quốc muốn; gã phương bắc cấm tàu thuyền các nước đến bất cứ khu vực nào mà họ thích. Gã hàng xóm lắm chiêu đang tập trận không chỉ phô diễn lực lượng, mà khẳng định các biển nơi Trung Quốc đang tập trận là biển của của họ.

Sau cấm đánh bắt cá và cấm tàu thuyền đi lại trên biển, Trung Quốc toan tính cấm máy bay các nước đi lại trên bầu trời. Các cuộc tập trận hiện nay của gã láng giềng là màn pháo dạo đầu để khai trương vùng nhận dạng phòng không ADIZ của Trung Quốc trên Biển Đông. Đấy mới là mục đích quan trọng nữa của các tập trận của Hải Quân Trung Quốc hiện nay.

Điều đó lý giải tại sao Mỹ ngày 4/7/2020 đã tập hợp hai nhóm tàu sân bay USS Nimitz và USS Ronald Reagan tiến vào Biển Đông, trong khi Trung Quốc đang ngang nhiên tập trận ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Mỹ đưa hai tàu sân bay, nhiều tàu chiến vào biển Đông tập trận

Để làm được điều này, Mỹ đã có các cuộc chuyển quân trường chinh thần tốc. Chuyến bay liên tục 28 tiếng đồng hồ của pháo đài bay B-52H từ Louisiana tới Biển Đông tập trận cùng hai nhóm tàu sân bay USS Nimitz và USS Ronald Reagan trước khi hạ cánh xuống đảo Guam đã nói lên khả năng tác chiến của Mỹ tại Biển Đông Nam Á khi cần thiết. Và đừng lầm tưởng về ý chí cũng như khả năng của Mỹ. Càng đừng quá cậy nhờ vào con virus Vũ Hán đã đánh gục Hải quân Mỹ và làm giảm sức mạnh của chính cả Mỹ.

Đến Biển Đông, các chiến đấu cơ của USS Nimitz và USS Ronald Reagan đã cất cánh hàng trăm lượt mỗi ngày. Ngày 4-7, B-52H đã có màn phô diễn dẫn đầu đội hình 12 máy bay gồm 10 chiến đấu cơ F/A-18 và 2 máy bay cảnh báo sớm E-2C.

Sự diễn tập của Hải quân Mỹ trong đối trọng với cuộc tập trận của Trung Quốc ở quần đảo Hoàng Sa là khẳng định Biển Đông không phải là “ao nhà” của Trung Quốc. Rằng Trung Quốc không thể áp đặt vùng cấm trên biển, nên gã phương bắc đừng mưu toan áp đặt phòng nhận diện trên bầu trời.

Không ai muốn chiến tranh cả. Mặc dù Trung Quốc luôn mạnh miệng nhưng họ không dám đối đầu với Mỹ, và Mỹ cũng không muốn đối đầu với Trung Quốc. Nhưng sai lầm của Mỹ đang bắt Mỹ phải trả giá.

Đó là sai lầm bản lề không sửa chữa của Nixon và Kissinger năm 1971 khi để cho Trung Quốc thế chân chính quyền Trung hoa Dân quốc của Tưởng Giới Thạch tại Liên hợp quốc. Đó là sai lầm chiến lược thiên niên kỷ khi để Trung Quốc chiếm quần đảo Hoàng Sa năm 1974. Đó là nước cờ sa bẫy Trung Quốc khi Mỹ để Trung Quốc gia nhập WTO năm 2001. Đó là sự lùi bước tệ hại của Mỹ khi để Trung Quốc xây đảo nhân tạo năm 2014 tại Trường Sa.

Đến bây giờ thì nước Mỹ đã bắt đầu cảnh tỉnh. Không thể nhân nhượng được hơn nữa trước Trung Quốc. Không nhân nhượng gã phương bắc lắm mưu mô, càng nhân nhượng Trung Quốc càng lấn tới.

Mọi đàm phán hòa hoãn đều dựa trên quyền lợi quốc gia là nhân tố quyết định số 1. Chiến tranh thương mại Mỹ – Trung; rút khỏi hiệp ước tên lửa tầm trung INF với Nga; rút khỏi WHO đều là vì quyền lợi của Mỹ mà kẻ đe dọa chính là Trung Quốc. Nhưng tất cả đó chỉ là những nước cờ cục bộ. Những nước cờ cục bộ đó đưa lại cho Mỹ những lợi ích ngắn hạn chỉ đủ làm cho Trung Quốc tạm dừng bước. Nhưng rồi Trung Quốc sẽ tiếp tục lấn tới – mà luật an ninh Hồng Kông vừa được ban bố bởi chính quyền Trung Quốc cho thấy sự bướng bỉnh không lùi bước của nước này. Rồi đến lúc Mỹ phải cắt khối ung thư Trung Quốc bằng những cuộc đại phẫu luật lớn hơn nhiều.

Còn Việt Nam thì sao?

Tàu Trường Sa 14 thuộc lữ đoàn 955 (Bô tư lệnh Vùng 4 hải quân) làm nhiệm vụ trực tại khu vực đảo chìm Trường Sa.

Thời gian qua các nước khối ASEAN mà cụ thể là Việt Nam, Indonesia, Phillipines và Malaysia đã có sự đồng thuận khích lệ khi mở chiến dịch “công hàm” phản kháng sự xâm lược ngang ngược của Trung Quốc ở Biển Đông. Gần đây nhất, Công hàm ngày 12/6/2020 của Indonesia gửi Liên hợp quốc đã khẳng định rõ ràng rằng: “Không có thực thể nào ở quần đảo Trường Sa có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa riêng, do vậy không có thực thể nào sinh ra vùng biển chồng lấn với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Indonesia”.

Lập trường “Không có lý do pháp lý nào theo luật pháp quốc tế để tiến hành đàm phán về xác định biên giới biển với Trung Quốc, hoặc bất kỳ vấn đề nào khác liên quan đến quyền hàng hải, hoặc những đòi hỏi quyền lợi được đưa ra trái với luật pháp quốc tế” – đang là lập trường đá tảng của Việt Nam, Indonesia, Philippines và Malaysia trong quan hệ với Trung Quốc ở Biển Đông.

Có thể thấy, Việt Nam không rời bỏ bãi Tư Chính, chúng ta không từ bỏ khu vực Cá Rồng Đỏ dù Repsol ra đi, tạm ngừng khai thác chỉ là khoảng dừng. Song, hơn thế nữa, Việt Nam cần có bảo bối mới trong bảo vệ chủ quyền biển đảo. Việt Nam cần có những vũ khí “khắc tinh” với Hải quân Trung Quốc, nhất là chống lại lực lượng tàu ngầm của họ. Việt Nam cần có những vũ khí tìm diệt mới mà gã phương bắc không có. Chỉ trong trường hợp đó, sự hung hăng của Hải quân Trung Quốc ở biển Đông mới thực sự bị kiềm chế. Nếu Việt Nam chỉ sở hữu các loại vũ khí mà Trung Quốc có thì gã phương bắc luôn lấn tới cậy nhờ vào số đông áp đảo. Nên nhớ rằng trên biển khác với trên bộ. Trên biển không thể cậy nhờ chỉ mỗi tinh thần quyết thắng và mưu mẹo!

Nguyễn Ngọc Chu

(Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả)

Đọc nhiều