8
category
409378

Mưa lũ Trung Quốc, lo thiên tai ở Việt Nam

14/07/2020 07:00

Thiên tai ở miền núi Bắc Bộ được dự báo phức tạp vào nửa cuối năm với các loại hình mưa lũ, rét lịch sử… Các hình thái này gây thiệt hại nặng nề nếu không chủ động ứng phó.

Ngày 13/7, Tổng cục Phòng chống thiên tai tổ chức Hội nghị phòng chống thiên tai khu vực miền núi phía Bắc. Hội nghị diễn ra trong bối cảnh miền Bắc chuẩn bị bước vào mùa mưa bão và khu vực miền núi thường xuyên là chịu thiệt hại nặng nề nhất từ thiên tai.

Thiên tai ở miền núi phía Bắc nửa cuối năm đáng lo ngại

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết trong 6 tháng đầu năm, các tỉnh miền núi phía Bắc hứng 92 trận dông lốc, mưa đá, mưa lớn. Trong đó, 8 đợt xảy ra trên diện rộng gây thiệt hại nghiêm trọng về nhà ở khiến 54.000 nhà sập, hư hại và tốc mái.

Tính đến ngày 30/6, thiệt hại do thiên tai gây ra ước tính khoảng 610 tỷ đồng.

Hiện, thiên tai trên thế giới và trong khu vực diễn biến phức tạp. Phía nam của Trung Quốc mưa lớn kéo dài từ đầu tháng 6 đến nay, gây ngập lụt nghiêm trọng trên diện rộng, làm 130 người chết và mất tích. Mưa lớn đe dọa an toàn của đập thủy điện đập Tam Hiệp trên sông Dương Tử.

“Đây là một trong những đập thủy điện lớn nhất thế giới, nếu bị sự cố sẽ gây thảm họa đối với khu vực hạ du”, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nhận định.

Theo ông, với diễn biến thiên tai ở Việt Nam và thế giới trong thời gian qua, kết hợp với việc dự báo cho mùa thiên tai trọng điểm, các địa phương cần chủ động ứng phó với những kịch bản bất lợi nhất. Đặc biệt là việc tập trung đảm bảo an toàn trước nguy cơ xảy ra mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường lo ngại thiên tai ở miền núi phía Bắc diễn biến phức tạp từ nay đến cuối năm. Ảnh: Mỹ Hà.

Theo Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, từ nay đến cuối năm, khu vực miền núi phía Bắc được dự báo tiếp tục có những hình thái cực đoan như mưa lũ, rét đậm rét hại… Do đó, các địa phương phải nêu cao tinh thần ứng phó, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại.

Bộ trưởng nhận định miền núi phía Bắc có vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng, đặc biệt là vấn đề môi trường. Khu vực này có hơn 10 triệu dân với đặc điểm địa hình chủ yếu là đồi núi, độ dốc cao, vùng an ninh nguồn nước cho đất nước và là lưu vực cho toàn bộ các sông lớn, trong đó có lưu vực sông Hồng.

Từ đầu năm, nơi đây đã xảy ra gần 100 dạng hình thái thiên tai, chủ yếu là mưa lớn, dông lốc, mưa đá, lũ quét… Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ nay đến cuối năm, khu vực này tiếp tục xảy ra mưa lũ.

Do vậy, các địa phương phải khẩn trương rà soát và phát hiện nơi ở mất an toàn, những vị trí có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, khơi thông nơi tắc nghẽn dòng chảy; ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến để cảnh báo nguy cơ thiên tai.

“Kể cả cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương, các thành phần kinh tế, toàn dân đều phải cùng nhau vào cuộc. Trong đó, chính quyền cơ sở, người dân cộng đồng góp phần quyết định trong công tác phòng chống thiên tai”, Bộ trưởng nói.

Nhiều loại hình thiên tai phức tạp

Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, cho biết phần lớn dự báo hiện nay cho thấy kể từ tháng 9 trở đi, hiện tượng ENSO (chu kỳ biến thiên thất thường về gió và nhiệt độ bề mặt nước biển trên vùng nhiệt đới đông Thái Bình Dương) chuyển sang pha lạnh. Điều này làm gia tăng mưa bão vào các tháng cuối năm.

Khu vực Bắc Bộ có khả năng chịu ảnh hưởng của 1-2 cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới trong giai đoạn tháng 8 và tháng 9. Nhiệt độ trung bình trong 2 tháng tới ở miền Bắc cũng phổ biến cao hơn trung bình nhiều năm.

“Trong tháng 9, lượng mưa ở miền Bắc được dự báo cao hơn 15-30% trung bình nhiều năm. Lũ quét, sạt lở đất có nguy cơ cao xảy ra tại khu vực vùng núi, đặc biệt ở Tây Bắc”, ông Khiêm nói.

mua lu o mien nui phia Bac anh 2
Từ đầu năm, miền núi phía Bắc xảy ra nhiều loại hình thiên tai như mưa đá, dông lốc, lũ quét gây thiệt hại nặng nề. Ảnh: Mỹ Hà.

Trước tình hình này, Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường yêu cầu các địa phương phối hợp với lực lượng chức năng ưu tiên tích hợp, sử dụng công nghệ cao, phân tích để đưa ra được các dự báo có độ tin cậy cao, sát với tình hình thực tiễn của từng dạng loại hình thiên tai. Đặc biệt, địa phương phải chú trọng những loại hình thiên tai chính thường xuyên xảy ra ở khu vực miền núi phía Bắc.

Lưu ý thêm nếu xảy ra hạn cực đoan, lũ cực đoan có thể thành thảm hoa, Bộ trưởng đề nghị Bộ Công Thương phát huy cao nhất lợi thế công trình thủy điện nhưng phải đảm bảo an toàn.

“Chúng ta đã có quy trình vận hành liên hồ chứa, tuy nhiên không chủ quan trước biến đổi khí hậu. Với các công trình nhỏ, chủ đầu tư là doanh nghiệp trực thuộc chỉ đạo của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh hết sức lưu ý điều kiện đảm bảo cho công tác ứng phó, phục hồi”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.

Mỹ Hà/ZN

Đọc nhiều