Mưa lũ ở Trung Quốc là thiên tai hay nhân tai?
Mưa lũ hoành hành ở Trung Quốc từ hơn một tháng nay, đến ngày 12-7 đã khiến ít nhất 141 người chết hoặc mất tích, khoảng 34 triệu người bị ảnh hưởng, thiệt hại kinh tế ước tính lên tới 3 tỉ đôla.
Tính tới ngày 11-7, nhà chức trách khí tượng thủy văn nước này đã ra cảnh báo mưa lớn gây lũ quét mỗi ngày với nhiều vùng trong nước.
Một số đài khí tượng dọc sông Dương Tử đo được mực nước vượt mức năm 1998, khi những trận lũ lớn đã khiến hơn 4.000 người thiệt mạng, theo China Daily.
Báo này dẫn lời các chuyên gia nói nguy cơ là đặc biệt lớn ở các sông nhỏ và trung bình, nơi nhiều con đê đã không nhận được nguồn ngân quỹ bảo trì suốt nhiều năm.
COVID và biến đổi khí hậu
Mưa dầm dề ở Trung Quốc từ tháng 6 cũng đã vượt xa mức trung bình năm của tháng này, theo hồ sơ thủy văn. Từ 1-6 tới 7-7, mực nước trung bình dọc sông Dương Tử đo được là 347mm, cao thứ hai trong lịch sử (cao nhất là năm 1961) và vượt hơn 15mm so với trận đại hồng thủy 1998, theo Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia (CMA).
31 trạm khí tượng quốc gia ở bảy tỉnh, phần lớn ở trung và hạ lưu sông Dương Tử, đều ghi nhận mực nước cao kỷ lục trong tháng 7. Mực nước cao nhất đo được là ở huyện Hi Thủy, tỉnh Hồ Bắc, 999mm từ ngày 4 tới 9-7.
Mùa mưa Đông Á năm nay – mà người Trung Quốc gọi là mùa “mai vũ”, “mưa mùa mận chín” (bài thơ “Mai vũ” của Đỗ Phủ có câu Trạm trạm Trường Giang khứ, minh minh tế vũ lai (Cuồn cuộn Trường Giang chảy, mịt mờ mưa bụi giăng)) thường diễn ra vào tháng 6 và 7 ở khắp các nhánh trung và hạ lưu Dương Tử (tức Trường Giang).
Năm nay, “mùa mưa mận chín” bắt đầu sớm hơn từ 5-7 ngày so với bình thường ở miền nam Trung Quốc, theo CMA, và thay vì kết thúc như bình thường vào thượng tuần tháng 7, mưa đã kéo dài tới giữa tháng, gây áp lực nghiêm trọng lên những nỗ lực kiểm soát lũ dọc sông Dương Tử.
Các chuyên gia Trung Quốc cũng cho biết những biện pháp kiểm soát để phòng chống dịch COVID-19 đã góp phần làm phức tạp thêm tình hình lũ lụt năm nay. Trước kia, các chính quyền địa phương chịu trách nhiệm đầu tư cho những dự án kiểm soát lũ lụt ở các sông quy mô nhỏ và trung bình, hầu hết có đê kè bằng đất.
Tuy nhiên 6 tháng đầu năm nay, ngân sách của nhiều chính quyền địa phương bị quá tải đột ngột vì đối phó dịch bệnh, khiến công tác tu bổ đê điều và đối phó lũ lụt không được đầu tư đúng mức.
Dù chính quyền trung ương Trung Quốc có đầu tư vào những dự án này trong chương trình quốc gia kiểm soát lũ ở những con sông chính bắt đầu từ năm 2009, việc tu bổ và gia cố cần phải được thực hiện liên tục.
Trong khi đó, tổ chức môi trường Greenpeace cho rằng những hiện tượng thời tiết cực đoan như ở Trung Quốc vừa qua sẽ trở thành sự bình thường mới.
“Tình trạng mưa dữ dội không phải là ngẫu nhiên. Chúng ta có thể thấy rõ yếu tố biến đổi khí hậu đằng sau những trận lũ lụt kinh hoàng vừa rồi” – Greenpeace nói trong một thông báo ngày 13-7. Theo Sách xanh biến đổi khí hậu Trung Quốc 2019, từ năm 1961 tới 2018 đã có tình trạng gia tăng đều đặn những biến cố thiên tai thảm họa “do mưa lớn” ở Trung Quốc.
Đặc biệt từ giữa những năm 1990, tình trạng mưa lớn kéo dài diễn ra ngày càng dữ dội. Sách xanh cũng ghi nhận từ năm 1951 tới 2018, nhiệt độ trung bình năm ở Trung Quốc đã tăng 0,24 độ C mỗi 10 năm – nhanh hơn nhiều so với mức trung bình toàn cầu trong cùng giai đoạn.
Bộ Thủy lợi nước này thì cho biết lượng mưa trung bình 6 tháng đầu năm nay ở nước này là 292mm, cao hơn 7% so với các năm trước.
Yang Fuqiang (Dương Phú Cường), chuyên gia cấp cao về biến đổi khí hậu và chính sách năng lượng thuộc Hội đồng Quốc phòng về tài nguyên thiên nhiên có trụ sở ở Bắc Kinh, nói công tác quản lý nguồn nước sẽ có ý nghĩa quyết định với việc chống biến đổi khí hậu ở Trung Quốc trong thời gian tới.
“Biến đổi khí hậu sẽ dẫn tới mưa ngày càng lớn và nghiêm trọng ở miền nam trong khi hạn hán hoành hành ở miền bắc Trung Quốc… Tất cả sẽ ảnh hưởng tiêu cực lên sản xuất nông nghiệp trong nước” – ông Dương nói.
Cảnh đời trong lũ dữ
Theo thông tin ngày 13-7 của Bộ Thủy lợi Trung Quốc, nước này bắt đầu bước vào mùa mưa lũ từ tháng 6, một số địa phương đã xuất hiện mưa lũ nghiêm trọng.
Đến nay mực nước 433 con sông đều vượt mức báo động, trong đó mực nước 109 sông trong phạm vi cho phép, 33 sông có mực nước cao kỷ lục. Người dân nước này lại phải trải qua những ngày tháng cực khổ vì mưa lũ.
Quận Nghi Xương, tỉnh Hồ Bắc được xem là cửa ngõ Tam Hiệp, với nền đất phía đông cao phía tây thấp, nằm ở vùng trũng, hai bên nhiều đồi núi.
Những năm gần đây Nghi Xương trở thành một trong những nơi chịu ảnh hưởng nặng nề bởi mưa lũ của Trường Giang. Nhiều tuần lễ qua, người dân phải di dời đến khách sạn do khu phố bố trí. Tối ở khách sạn, sáng về nhà dọn dẹp, đó là cuộc sống của họ.
Gia đình cụ Dương (hơn 70 tuổi) sống ở Nghi Xương, trong trận lũ ngày 27-6, mưa lũ dâng cao ngập hết nhà gần 2,4m, cả nhà thiếu chút nữa là mất mạng sau khi bị cô lập gần 1 giờ trong nước lũ.
Cụ Hà hàng xóm cụ Dương cũng gặp cảnh tương tự, đồ đạc ngâm trong nước mấy ngày liền đều đã hư hại, con trai mới mua 8 lon sữa bột cho cháu giờ cũng không dùng được. Mặc dù được bố trí ở tạm khách sạn và được hỗ trợ dọn dẹp nhưng cụ Hà vẫn không khỏi xót xa khi nghĩ tới cảnh nhà.
Đầu năm nay vì dịch bệnh mà cả gia đình kẹt lại ở quê Trùng Khánh thời gian khá dài, khó khăn lắm mới quay về Nghi Xương, vừa định bắt tay làm ăn trở lại, nhưng chưa được một tháng thì gặp cảnh thiên tai.
Ngôi nhà cụ cũng từng bị ngập năm 2014, nay tường nhà đều hư hại không ở được. “Giờ không biết có nên sửa nhà không? Nếu sửa xong lại gặp mưa lũ thì sao? Nếu tiếp tục ở đây liệu có an toàn không?” – cụ Hà lo lắng kể trên tờ Tuần san Tân Dân (Thượng Hải).
Huyện Phan Dương, TP Thượng Nhiêu, tỉnh Giang Tây cũng là vùng chịu ảnh hưởng nặng nề của lũ.
Lượng mưa một ngày ở núi Liên Hoa, huyện Phan Dương đạt 538mm, còn cao hơn lượng mưa trung bình một năm của Bắc Kinh là 532mm, theo nbd.com.cn. Huỳnh Tử Ích đến giờ vẫn không quên cảnh tượng kinh hoàng hôm đó, tầng hầm của ngôi nhà ba tầng nhà anh thủng một lỗ to, nước ào ạt chảy vào nhà.
Chỉ trong vòng năm giây là cả căn nhà đổ sụp xuống sông, bốn nhà bên cạnh cũng đổ theo. Gia đình anh Huỳnh mới xây lại nhà vào năm 2014, tiêu tốn 1 triệu tệ (1 tệ tương đương 3.500 đồng), phải đi vay mượn khắp nơi, rồi lên thành phố làm việc trả nợ, cuối năm 2019 mới về quê để mở trạm thu phế liệu, mua ba xe tải làm ăn.
Giờ thì xe bị nước cuốn trôi, còn nhà cũng sập. “Tôi cứ nghĩ về quê cuộc sống sẽ tốt lên, không ngờ chỉ trong nháy mắt tôi lại trắng tay” – Huỳnh Tử Ích buồn bã nói với Nam Phương Đô Thị Báo.
Mưa lũ lớn ngày 10-7 còn khiến 3.000 tấn trà của một doanh nghiệp trà ở huyện Hấp, tỉnh An Huy bị hư hại, tổn thất 90 triệu tệ. Ông chủ Trịnh khi đến nhà máy nhìn thấy cảnh tan hoang sau lũ đã bật khóc ngay trước ống kính đài CCTV, ông lo không biết lấy gì chi trả cho nông dân, vì muốn giúp nông dân tiêu thụ mà nhà máy thu mua trà nhiều hơn mọi năm, nên tổn thất rất lớn.
Bản tin khiến nhiều cư dân mạng nước này cảm thương. Được biết, trong hơn 190 doanh nghiệp trong Khu kinh tế huyện Hấp có đến 100 doanh nghiệp bị thiệt hại, diện tích bị ngập là 3,8km2. Ngay sau khi biết tin, lực lượng cảnh sát vũ trang đóng tại Hoàng Sơn đã cử người đến giúp nhà máy trà dọn dẹp, sấy trà, hỗ trợ nhà máy nhanh chóng khôi phục sản xuất.
Theo trang China Daily, riêng tỉnh Giang Tây đã thiệt hại 8,13 tỉ tệ trong đợt lũ từ ngày 1 đến 12-7.
Một cư dân mạng sau khi xem xong bản tin về nhà máy trà đã nhìn nhận ông chủ Trịnh là một người có lương tâm và trách nhiệm, và bình luận đã đến lúc phải suy nghĩ xem tại sao Trung Quốc liên tục hứng chịu thiên tai lịch sử chục năm hay hàng trăm năm mới xuất hiện; tại sao đứng trước thiên tai, nông thôn và nông dân lại luôn là đối tượng phải chịu tổn thất nặng nề nhất?
Trong đợt lũ lịch sử ở miền nam Trung Quốc, có 130 di sản của 11 tỉnh miền nam bị hư hại nặng, nhất là những cây cầu cổ.
Như cây cầu Trấn Hải ở Hoàng Sơn, tỉnh An Huy hơn 400 năm tuổi đã bị lũ cuốn trôi. Nhà chức trách bảo tồn của Trung Quốc đã kêu gọi phải khẩn cấp cứu những di chỉ này, rất nhiều di chỉ có niên đại từ thời Minh-Thanh (1368-1644).
(Theo China Daily)