8
category
438098

Mưa lũ khiến Miền Trung thiệt hại nặng nề

13/10/2020 06:04

Hôm qua 12.10, địa bàn miền Trung tiếp tục hứng chịu nhiều thiệt hại vì mưa lũ; nhiều nạn nhân đã thiệt mạng.

Mưa lớn suốt đêm 11.10 và ngày 12.10 đã tiếp tục gây thiệt hại lớn tại Quảng Trị. Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã cảnh báo lũ đặc biệt lớn. Đến chiều tối qua 12.10, mực nước các sông lớn trên địa bàn: Thạch Hãn, Ô Lâu, Bến Hải, sông Hiếu đều vượt mức báo động 3. Trong đó, lưu vực sông Thạch Hãn và Ô Lâu nước lên rất nhanh; lũ lên trở lại, gây ngập hàng chục ngàn nhà dân.

Sạt lở đất kinh hoàng trên tuyến QL9 đoạn qua H.Đakrông (Quảng Trị) /// Ảnh: Thanh Lộc
Sạt lở đất kinh hoàng trên tuyến QL9 đoạn qua H.Đakrông (Quảng Trị)

Sạt lở kinh hoàng

Tại vùng rốn lũ H.Hải Lăng, ông Bùi Xuân Giang, Chủ tịch UBND xã Hải Phong, cho biết lũ đã dâng ngập nhiều khu vực trong xã, nhấn chìm cả cầu Câu Nhi và cô lập hoàn toàn địa bàn Hải Phong. Ngoài ra, hầu hết các xã thuộc 2 huyện vùng trũng Triệu Phong, Hải Lăng cũng bị nước lũ “tấn công”.

Vùng núi Quảng Trị cũng bị ngập lụt, do mưa lớn kết hợp với thủy điện xả lũ từ chiều 11.10. Đã xuất hiện những điểm sạt lở kinh hoàng ở tuyến QL9 và đường Hồ Chí Minh nhánh tây qua các huyện: Đakrông, Hướng Hóa. Trên QL9, điểm sạt lớn nhất ở Km 50+200 đoạn qua H.Đakrông, nền đường bị nứt toác, giao thông hoàn toàn tê liệt.

Theo Chi cục Quản lý đường bộ II.5 (Cục Quản lý đường bộ II), điểm sạt lở này xảy ra lúc 23 giờ 30 đêm 11.10. Chi cục huy động nhân lực, máy móc đến hiện trường để thu dọn, khơi thông. Đến chiều qua, ô tô du lịch và xe khách dưới 16 chỗ đã được phép lưu thông (kèm cảnh báo nguy hiểm), các loại xe có tải trọng lớn hơn vẫn chưa được phép. Ông Lâm Chí Hiếu, Chi cục phó Chi cục Quản lý đường bộ II.5, nói công tác sửa chữa lâu dài “phải chờ hết mưa lũ mới có thể triển khai”.

Khoảng 7 giờ sáng 12.10, vụ sạt lở kèm nước sông dâng cao gây tắc đường tại đoạn tuyến Km 250+700 – Km250+920 đường Hồ Chí Minh nhánh tây. Ngành chức năng đã ngăn các phương tiện lưu thông ở 2 khu vực gồm phía bắc cầu treo Đakrông và ngã ba La Lay.

Tại Quảng Bình, nhiều địa bàn bị lũ chia cắt, cô lập, như: các bản Ón, Yên Hợp, Mò O Ồ Ồ (xã Thượng Hóa, H.Minh Hóa), Dốc Mây, Trung Sơn, Ploang, Rìn Rìn (xã Trường Sơn) và nhiều thôn ở các xã Hàm Ninh, Tân Ninh, Võ Ninh (cùng H.Quảng Ninh), Cự Nẫm (H.Bố Trạch).

Theo dự báo trong những ngày tới, khu vực Quảng Bình tiếp tục có mưa vừa, mưa to đến rất to trong khi hiện mực nước một số hồ chứa đã đạt dung tích thiết kế. Cụ thể, tại H.Tuyên Hóa, chỉ có 2 hồ đạt 80%, còn lại đạt 100% dung tích thiết kế. Các hồ chứa tại TP.Đồng Hới và H.Lệ Thủy đạt 100% dung tích thiết kế; riêng hồ Dạ Lam (xã Thái Thủy, H.Lệ Thủy) và hồ Khe Gạo (H.Bố Trạch) có nguy cơ mất an toàn công trình, địa phương đã triển khai các phương án xử lý.

Người dân thị trấn vùng cao Krông Klang (H.Đakrông, Quảng Trị) phải chèo thuyền đi lại trên đường ngập lũ Ảnh: Thanh Lộc
Người dân thị trấn vùng cao Krông Klang (H.Đakrông, Quảng Trị) phải chèo thuyền đi lại trên đường ngập lũ.

Mưa lũ làm 23 người chết, 18 người mất tích

Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, trong ngày 12.10, áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông đã mạnh lên thành bão số 7 (tên quốc tế là bão Nangka). Dự báo đến 16 giờ chiều nay (13.10), tâm bão trên vùng biển phía đông đảo Hải Nam (Trung Quốc). Vùng gần tâm bão, gió mạnh nhất tăng lên cấp 10, tức là từ 90 – 100 km/giờ, giật cấp 12.

Dự báo trong 24 – 48 giờ tiếp theo, bão số 7 di chuyển theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được 15 – 20 km. Đến 16 giờ ngày mai (14.10), vị trí tâm bão ở khoảng 19,7 độ vĩ bắc và 106,2 độ kinh đông, ngay trên vùng biển ven bờ các tỉnh Bắc bộ và bắc Trung bộ. Vùng gần tâm bão, sức gió mạnh nhất cấp 9 – cấp 10, tức là từ 75 – 100 km/giờ, giật cấp 12.

Cũng theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, trong ngày 12.10, các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Đà Nẵng đã có mưa rất to. Dự báo từ chiều nay (13.10), mưa giảm dần ở các tỉnh trung Trung bộ. Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 7, các tỉnh Bắc bộ và bắc Trung bộ sẽ có đợt mưa lớn diện rộng từ ngày 14 – 16.10.

Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Cục Cứu hộ cứu nạn (Bộ Quốc phòng) cho biết, thống kê đến 17 giờ 30 ngày 12.10, mưa lũ trong những ngày vừa qua tại các tỉnh miền Trung và Tây nguyên đã làm 23 người chết (Quảng Bình 2 người, Quảng Trị 8 người, Thừa Thiên-Huế 3 người, Đà Nẵng 1 người, Quảng Nam 4 người, Quảng Ngãi 3 người, Gia Lai 1 người, Đắk Lắk 1 người).

Ngoài ra, mưa lũ cũng khiến 18 người đang mất tích (Quảng Trị 6 người, Thừa Thiên-Huế 3 người, Đà Nẵng 3 người, Quảng Nam 2 người, Quảng Ngãi 3 người, Gia Lai 1 người).

Nhiều cái chết thương tâm

Liên quan ảnh hưởng do mưa lũ, chiều qua, Tổng công ty điện lực miền Trung (EVNCPC) cho biết còn hơn 370.000 khách hàng của 243 xã của 7 tỉnh, thành miền Trung chưa được cấp điện trở lại (do các đơn vị chủ động cắt điện để bảo đảm an toàn vì nước ngập cao và giao thông ách tắc). Hiện còn 3.256 trạm biến áp bị mất điện, hầu hết do các công ty điện lực Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum chủ động cắt điện vì nước lũ dâng cao.

Đáng chú ý, đã có nhiều trường hợp thiệt mạng thương tâm trong lũ. Khoảng 8 giờ 30 sáng qua, sản phụ Hoàng Thị Phượng (35 tuổi, trú tại xã Phong An, H.Phong Điền, Thừa Thiên-Huế) trên đường đến bệnh viện để sinh đã bị lật thuyền. Đến hơn 13 giờ cùng ngày, lực lượng chức năng đã tìm thấy thi thể nạn nhân.

Vào lúc 9 giờ 15 ngày 12.10, bà Tôn Nữ Thị Minh Hiếu (56 tuổi, ở TT.Nam Phước, H.Duy Xuyên, Quảng Nam) cùng con trai Nguyễn Minh Tâm (27 tuổi) tranh thủ dọn đồ đạc trong nhà khi lũ tạm rút thì không may bị điện giật, tử vong. Trước đó, khoảng 8 giờ cùng ngày, em Hứa Thị Kiều Vy (13 tuổi, học lớp 8) và em Hứa Đại Công (15 tuổi, học lớp 10, ở xã Duy Phước, H.Duy Xuyên, Quảng Nam) cùng nhóm bạn rủ nhau ra bờ ruộng để chơi. Không may, cả hai trượt chân, bị nước cuốn ra xa, đến 13 giờ mới tìm thấy thi thể.

Trung tá Nguyễn Bá Tố, Đồn trưởng Đồn biên phòng cửa khẩu cảng Kỳ Hà, cho biết đến chiều qua lực lượng chức năng và người dân địa phương vẫn đang tìm kiếm tung tích cha con ông Nguyễn Diệp (47 tuổi, ở xã Tam Hải) và anh Nguyễn Phúc Đạo (23 tuổi) bị mất tích do lốc xoáy, chìm tàu. Đồng thời, tìm tung tích ông Trần Văn Kim (48 tuổi, ở xã Tam Hải) mất tích do chìm ghe từ chiều 11.10.

Tính tới thời điểm này, tại Quảng Nam đã có ít nhất 12 người chết và mất tích do mưa lũ. Tại Quảng Trị, đến tối 12.10 địa phương ghi nhận có 7 người chết, 6 người bị thương. Quảng Bình cũng có 2 người chết do mưa lũ. Tại Thừa Thiên-Huế có 4 người thiệt mạng, 1 người mất tích. Tại Đà Nẵng, đến chiều qua ngành chức năng đã tìm thấy thi thể của 2 trong số 4 nạn nhân mất tích do mưa lũ tại Đà Nẵng và vẫn đang hỗ trợ tìm kiếm, cứu nạn tàu ĐNa 90988-TS cùng các thuyền viên. 

Đọc nhiều