Một “Ukraine thứ hai” dần hé lộ…
Chiến sự Nga – Ukraine đã phơi bày tất cả sự yếu kém về mặt chính trị ở châu Âu. Khối những quốc gia hùng mạnh ngày nào nay lại như quả bóng lăn tròn giữa Mỹ và Nga…
Một mặt, châu Âu phụ thuộc thái quá vào năng lượng Nga, mặt khác phụ thuộc vào nguồn cung vũ khí từ Mỹ. Tính tự lực tự cường trên cả hai lĩnh vực an ninh chủ chốt đang dần mất đi, khiến cho mọi nỗ lực từ thành lập quân đội riêng, nâng cao vị thế đồng Euro trên trường quốc tế cho đến an ninh năng lượng đều bị phá sản.
Trong lịch sử, không ít các nhà lãnh đạo châu Âu như Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel đã ra sức kêu gọi châu Âu phải tự lực tự cường dần. Nhưng có vẻ như những nỗ lực đó đã bất thành.
Trả lời phỏng vấn bên lề Diễn đàn Kinh tế phương Đông vừa qua, Bộ trưởng Năng lượng Nga Nikolai Shulginov nói rằng: “Châu Âu khả năng cao sẽ không thể chấm dứt phụ thuộc vào khí đốt đến từ Nga trước năm 2027 như kế hoạch. Giá khí đốt giao ngay hiện tại cho thấy điều đó không hề đơn giản. Châu Âu khó có thể trông cậy vào ai, ngoại trừ Mỹ, quốc gia đang tăng quy mô sản xuất khí tự nhiên hóa lỏng (LNG)“.
Có thể thấy, Nga có thái độ rất tự tin về việc châu Âu vẫn sẽ phụ thuộc lâu dài vào mình. Chính vì thế hôm 2/9, phía Nga đã chính thức khóa chặt van của Dòng chảy phương bắc 1 (Nork Stream 1). Đồng thời, Nga tuyên bố chính các biện pháp trừng phạt mà Đức và Anh đưa ra là nguyên nhân dẫn tới sự việc này. Và điều gì tới đã tới, giá khí đốt tại châu Âu tăng bùng nổ tới 40%.
Không còn là suy thoái nữa, vấn đề năng lượng đang đẩy châu Âu đến bên bờ vực khủng hoảng, một hiệu ứng dây chuyền từ tài chính cho đến chính trị. Lạm phát tăng phi mã, nợ công đè nặng lên vai, suy giảm tăng trưởng, nền kinh tế thụt lùi,…đang khiến cho chiếc ghế lãnh đạo của nhiều nước châu Âu lung lay.
Đầu tiên là Thủ tướng Anh từ chức, nối gót theo sau là Thủ tướng Italia. Đặc biệt là khủng hoảng ở Italia đã leo thang thành khủng hoảng chính trị, vấn đề là Italia đang là nền kinh tế lớn thứ 3 châu Âu và đang phát huy vai trò to lớn bên cạnh hai đầu tàu Đức – Pháp. Trước đó, Anh đã rời EU vì Brexit, nên trong vài năm qua, châu Âu đang có xu hướng xây dựng bộ ba Đức –Pháp – Italia làm lãnh đạo trụ cột. Khủng hoảng chính trị ở Italia cũng vì thế đang đe dọa tới cả khối EU.
Một cuộc khủng hoảng chính trị tại châu Âu sẽ lại càng có lợi cho Nga, vì các lãnh đạo mới sẽ phải đi theo đường lối mới. Trong đó, họ sẽ phải xem xét dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Nga để xoa dịu bất ổn về chính trị. Giới hạn chịu đựng của châu Âu hiện nay đang bị Nga thử thách đến cực độ. Nếu một cuộc khủng hoảng chính trị nổ ra, Nga sẽ kéo được châu Âu rời xa vòng tay của Mỹ.
Ban đầu, nguyên nhân khiến châu Âu đi đến thống nhất cấm vận dầu thô Nga chủ yếu đều là do tác động từ Mỹ. Thế nhưng, bản thân Mỹ đã không cách nào có thể lấp đầy khoảng trống năng lượng khi Nga ngưng cung cấp. OPEC, Trung Đông và thế giới Ả rập vốn đã mất lòng với phương Tây nên thật khó để hy sinh lợi ích của họ để cứu “lục địa già”. Vì thế, châu Âu giờ đây sẽ phải lựa chọn, một là Mỹ hoặc Nga. Bởi nếu dỡ bỏ lệnh cấm với Nga, “cơn khát năng lượng” sẽ lập tức được giải quyết, lạm phát sẽ hạ dần, đồng Euro sẽ bật tăng trở lại,…nhưng Mỹ, nhà cung cấp vũ khí chính cho châu Âu sẽ cực kỳ “không vui”.
Dường như trong bức tranh địa chính trị hiện tại, châu Âu đang cho thấy mình không khác gì một con cờ để Mỹ và Nga chơi trò “cân não”. Còn châu Âu – một bức tranh lớn hơn của Ukraine đang dần được lộ ra.
Huy Hoàng