Cảnh báo về một Trung Quốc thu nhỏ giữa lòng Biển Đông

Huy Hoàng 23/06/2022 15:43

Tin tức về nhà hàng nổi Jumbo của Hồng Kông bị chìm khi đi ngang quần đảo Hoàng Sa vừa qua đã phần nào cho thấy được tính khẩn cấp trong nhiệm vụ phát triển an ninh biển đảo của Việt Nam.

Nhà hàng nổi Jumbo của Hồng Kông

Nhà hàng nổi Jumbo, biểu tượng nổi tiếng của Hồng Kông, đã bị lật úp giữa Biển Đông vào cuối tuần trước khi đang trên đường đi đến địa điểm mới không được tiết lộ sau những khó khăn về tài chính nơi quê nhà. Được biết Jumbo sẽ được đưa đến Campuchia và lộ trình sẽ đi ngang quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Nhà hàng nổi Jumbo được thiết kế giống như một cung điện vốn đã trở thành một địa điểm mang tính biểu tượng của Hồng Kông kể từ khi mở cửa đón khách vào năm 1976. Dù vấn đề tài chính đã khiến các nhà kinh doanh ruồng bỏ Jumbo, nhưng nhìn vào nó, chúng ta vẫn có thểm cảm nhận được không khí cổ xưa của hoàng cung, một nét gì đó rất đậm tính văn hóa Trung Hoa.

Khi còn ở thời hoàng kim, Jumbo không chỉ là nơi phục vụ thực khách và du lịch, mà còn được nhiều người trong giới minh tinh như tài tử Tom Cruise, doanh nhân Richard Branson và nữ hoàng Elizabeth II của Anh ghé thăm. Nhà hàng nổi này cũng từng xuất hiện trong bộ phim James Bond năm 1974 The Man with the Golden Gun, cũng như một số phim bom tấn địa phương. Tất cả đều cho thấy sức hút khó cưỡng của một biểu tượng mang đậm tính văn hóa như thế này. Và với những người còn xa lạ với nền văn hóa Á Đông, thì khi nhìn vào Jumbo họ sẽ có thể thấy như đang có một Trung Quốc thu nhỏ giữa lòng Biển Đông.

Nhà hàng bị cháy vào năm 1971 trước khi khai trương

Và sẽ ra sao nếu Chính phủ Trung Quốc dùng nhà hàng nổi này để thu hút khách du lịch đến với quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam? Với sự nổi tiếng của những biểu tượng mang tính lịch sử như Jumbo, càng giữ lâu nó càng có giá trị, mà như thế thì càng thu hút được người người đến xem và chiêm ngưỡng. Dù thực tế vẫn chưa xảy ra, nhưng không thể phủ nhận Jumbo chính là thứ có thể mang lại sức bật cho nền văn hóa Trung Quốc ở bất cứ đâu mà nó đặt chân đến. Và nếu Hoàng Sa được Trung Quốc cải tạo thành một điểm để du khách dừng chân, thì chắc chắn quần đảo này của Việt Nam sẽ khiến người ta tò mò thích thú vì thắng cảnh nơi đây vốn được mệnh danh là đẹp như thiên đường. Và rồi khi du khách đến đây, họ sẽ thấy gì khác ngoài những biểu tượng của nền văn hóa Trung Hoa chứ không phải nền văn hóa của Việt Nam? Liệu sẽ những ai sẽ sẵn sàng đứng ra giải thích cho du khách hiểu Hoàng Sa mới là của Việt Nam chứ không phải của một quốc gia nào khác?

Thu hút du lịch và tranh thủ truyền bá thông tin về hòn đảo chính là một trong những cách làm độc đáo để khẳng định chủ quyền đối với các đảo, quần đảo trên Biển Đông. Vì thế khi nhìn vào những biểu tượng văn hóa như Jumbo, chúng ta càng nên sớm nhận thức được tầm quan trọng và tìm mọi cách để thúc đẩy truyền tải văn hóa Việt Nam tới thế giới ngay trên các hòn đảo ở quần đảo Trường Sa.

Mà bước đầu để thế giới biết đến chủ quyền biển đảo của Việt Nam nhiều hơn thì yếu tố cốt lõi nhất vẫn là phải thu hút được dân bản địa. Khi chính quyền thu hút được người dân đến đây sinh sống và định cư, thì những bản sắc văn hóa họ đem đến đảo chính là bản tuyên bố chủ quyền sắt đá nhất. Bởi sự hiện diện dân sự chính là cách tốt nhất để khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Thông qua những câu chuyện mà họ kể cho du khách nghe, thông qua những câu hò mà họ hát khi du khách nghỉ chân, hay những truyện tích về việc người Việt Nam đã khai phá những hòn đảo này như thế nào.

Hay đặc biệt hơn là dựng nên một khu triển lãm để trưng bày các cổ vật chứng minh chủ quyền của Việt Nam. Tất cả đều sẽ đánh thẳng vào tâm thức của người dân thế giới, để họ hiểu rõ Hoàng Sa Trường Sa mới là thuộc chủ quyền của Việt Nam. Biển đảo không thể một ngày thiếu dân. Đất Việt Nam ở đâu, văn hóa dân tộc ở đó. Văn hóa còn thì chủ quyền mãi còn. Có dân rồi thì ngành du lịch biển đảo mới có thể trở thành mũi nhọn. Du lịch sẽ là cú hích để từ đó tạo thành một vòng tuần hoàn đưa nền kinh tế biển đảo đi lên, từ đó mới thu hút được nhiều người đến sống hơn nữa. Và cũng chính ngành du lịch sẽ là nơi mà chúng ta kể cho thế giới biết đến chủ quyền biển đảo của Việt Nam, đặc biệt là phải nói cho cả người Trung Quốc nghe.

Chính vì thế xây dựng một nền văn hóa đậm nét Việt Nam tại Trường Sa là vô cùng cấp thiết, trước tiên là thu hút dân, sau là phát triển kinh tế biển bền vững, và cửa ngõ quan trọng nhất sau cuối chính là du lịch. Một khi thế giới nhận thức được rõ chủ quyền của Việt Nam thì mọi hành động tự vệ khi cần thiết đều sẽ được xem là chính đáng và không bị lên án hay gán ghép với tội danh làm bất ổn khu vực. Đó cũng là lý do vì sao hồi tháng 3 vừa rồi, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nêu rất rõ rằng, phải xây dựng Trường Sa thành một trung tâm kinh tế, một trung tâm văn hóa, xã hội đậm nét Việt Nam, chỉ như thế thì mới tạo được một thành trì vững chắc bảo vệ chủ quyền quốc gia.

Huy Hoàng

Đọc nhiều