Một thông điệp mạnh mẽ về phòng, chống tham nhũng

30/11/2020 08:21

Ngày 25-11 vừa qua, phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp của Thường trực Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống tham nhũng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Tham nhũng về mặt tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống là nguy hiểm vô cùng, sắp tới phải làm mạnh… Đây cần được xem là một thông điệp mạnh mẽ của Đảng ta trong cuộc đấu tranh với nạn tham nhũng.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại cuộc họp của Thường trực Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống tham nhũng

Theo quy định của pháp luật, tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi, tức là lợi ích vật chất, tinh thần mà người có chức vụ, quyền hạn đạt được hoặc có thể đạt được thông qua hành vi tham nhũng. Từ khái niệm chung này, có thể bước đầu diễn giải một số nội hàm trong thông điệp “chống tham nhũng về mặt tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống…”

Phải chăng, đó là việc người có chức vụ, quyền hạn nhưng đã phai nhạt lý tưởng cách mạng; xa rời tôn chỉ, mục đích của Đảng; không chấp hành nghiêm các nguyên tắc tổ chức của Đảng; tham vọng chức quyền, kén chọn chức danh công tác, chọn nơi nhiều lợi ích, chọn việc dễ, bỏ việc khó… Bằng chức vụ, quyền hạn của mình, họ ngầm tác động, tranh thủ giành lợi ích vật chất, tinh thần cho chính mình, cho cánh hẩu của mình bất chấp mọi nguyên tắc, quy định?

Phải chăng, đó là việc người có chức vụ, quyền hạn nhưng “tham nhũng về lối sống” với cách sống ích kỷ, vụ lợi, chọn phần lợi cho mình, bất chấp lợi ích tập thể; háo danh, ganh ghét, đố kỵ, so bì, tị nạnh, không muốn người khác hơn mình… Họ bỏ qua nguyên tắc tập trung dân chủ, gây mất đoàn kết nội bộ hay đoàn kết xuôi chiều, dân chủ hình thức… để gây bè kết phái, kèn cựa địa vị, tranh chức đoạt quyền cho mình, cho người thân tín của mình?

Phải chăng, đó là việc người có chức vụ, quyền hạn nhưng đã “tham nhũng về đạo đức”, thể hiện qua hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao mà dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng; thao túng công tác cán bộ, chạy chức, chạy quyền, chạy tội; thờ ơ, vô cảm với những khó khăn, bức xúc và đòi hỏi chính đáng của nhân dân…? Họ sử dụng quyền lực được giao chỉ nhằm thỏa mãn lợi ích cá nhân hoặc để người quen, người thân lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để kiếm lợi.

Vậy, thông điệp mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh, “sắp tới phải làm mạnh” việc chống tham nhũng về mặt tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống nhằm hướng đến điều gì?

Theo báo cáo của Chính phủ, năm 2020 công tác phòng, chống tham nhũng đã có những bước tiến mạnh mẽ. Sau khi thanh tra, cơ quan thanh tra đã kiến nghị thu hồi 44.580 tỷ đồng, hơn 1.400 ha đất; 2.656 tập thể và cá nhân bị kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính; 155 vụ việc với 135 đối tượng bị kiến nghị chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự… Từ tháng 7-2020 đến tháng 11-2020, đã kỷ luật 8 cán bộ diện Trung ương quản lý liên quan tới tham nhũng; xử lý dứt điểm 12 vụ án, 4 vụ việc; kết thúc điều tra 13 vụ án với 53 bị can; ban hành cáo trạng truy tố 98 bị can trong 11 vụ án; xét xử sơ thẩm 6 vụ án với 33 bị cáo; xét xử phúc thẩm 4 vụ án với 6 bị cáo…

Một vài con số dẫn ở trên cho thấy, công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng của chúng ta đã thu được những thành quả rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, xét cho đến cùng, thì đây thực ra vẫn chỉ là kết quả giải quyết “phần ngọn”. Nghĩa là, một số lượng không nhỏ cán bộ, đảng viên có chức vụ, quyền hạn có động cơ tham nhũng, đã thực hiện hành vi tham nhũng, đã gây hậu quả nghiêm trọng, thậm chí rất nghiêm trọng cho lợi ích của Nhà nước và nhân dân. Và như thế, Đảng, Nhà nước ta vừa mất cán bộ, vừa thiệt hại lợi ích, vừa suy giảm uy tín với nhân dân. Tức là, chúng ta phải đau lòng mà chứng kiến “việc đã rồi”, không thể cứu vãn, không thể lấy lại và dù không muốn vẫn buộc lòng phải kỷ luật, thậm chí đưa ra xét xử chính đồng đội, đồng chí của mình!

Và, để tránh phải chứng kiến cái sự đau lòng ấy, thì cách tốt nhất chính là “phải làm mạnh việc chống tham nhũng về mặt tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống” như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ.

Đó là phải làm mạnh hơn công tác rèn luyện, giáo dục tư tưởng chính trị bởi đây là vấn đề thuộc về nhận thức. Nhận thức của mỗi cán bộ, đảng viên, người có chức vụ, quyền hạn mà luôn kiên định với tôn chỉ, mục đích, lý tưởng của Đảng; luôn nghiêm túc chấp hành các nguyên tắc tổ chức của Đảng; luôn sẵn sàng gánh vác và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, yêu cầu của Đảng… thì tất nhiên không vướng vào hành vi tham nhũng!

Đó là phải theo dõi chặt chẽ, chấn chỉnh kịp thời mọi biểu hiện suy thoái về đạo đức của cán bộ, đảng viên, người có chức vụ, quyền hạn. Tổ chức Đảng phải sớm nhận biết, kịp thời kéo đồng chí của mình thoát ra khỏi “vòng xoáy” hám danh, hám lợi, chạy chức, chạy quyền, dung túng, bao che, tiếp tay cho hành vi tham nhũng…

Đó là phải thường xuyên nhắc nhở, chấn chỉnh đồng chí, đồng đội của mình khi có những biểu hiện lệch lạc trong lối sống, xử lý nghiêm những người có chức vụ, quyền hạn mà sống ích kỷ, cơ hội, vụ lợi…

Nói cách khác, thông điệp mạnh mẽ của Đảng ta chính là đẩy mạnh chống tham nhũng từ gốc, chống tham nhũng ngay từ trong nhận thức, gắn chặt với chống suy thoái về chính trị tư tưởng, đạo đức và lối sống của cán bộ, đảng viên; để mỗi cán bộ, đảng viên chung nhận thức “không dám, không muốn” tham nhũng vì trái với lý tưởng của Đảng mà mình đã lựa chọn; để mỗi cán bộ, đảng viên đều có đạo đức trong sáng, lối sống lành mạnh bởi tham nhũng thì không phù hợp với đạo đức, lối sống đã được Đảng rèn cặp, tôi luyện.

Phòng, chống tham nhũng từ gốc, từ trong nhận thức, tư tưởng chính trị, từ đạo đức và lối sống – thông điệp mạnh mẽ ấy truyền một quyết tâm rất cao, kiên trì và kiên quyết xây dựng Đảng ta ngày một vững mạnh hơn.

Đức Tâm/HNM

Đọc nhiều