Một sự cách tân cần phải hủy bỏ
Cách tân vốn là một trong những giải pháp hữu hiệu nhằm duy trì và củng cố mối liên kết đặc biệt giữa văn hóa truyền thống và thời đại. Tuy nhiên, cách tân đến mức nào và biến đổi ra sao cho vẫn giữ được hồn cốt của cha ông sau nghìn năm lịch sử thì lại là một câu chuyện khác. Tết Nguyên Đán vừa qua với cộng đồng người Việt tại hải ngoại hẳn sẽ gây phản cảm với không ít người khi nhiều chị, nhiều em diện áo dài với nội y tung tăng xuống phố…?!
Áo dài có lẽ là một trong những sản phẩm văn hóa trải qua nhiều biến động nhất của người Việt. Từ chiếc áo tứ thân, ngũ thân của phụ nữ nông thôn Bắc Bộ đến tà áo dài đầy thẩm mĩ đại diện cho sự giao thoa của văn hóa Đông – Tây như áo dài Le Mur, hay sau này, trong thập niên 60, nhiều người đã lao vào những cuộc tranh luận sôi nổi về sự cách tân trong kiểu áo dài mà bà Trần Lệ Xuân là đại diện. Đến nay, theo thống kê từ giới nghiên cứu, chiếc áo dài của người Việt đã có trên 7 – 8 phiên bản khác nhau, trải dài theo dòng lịch sử đầy thăng trầm của đất nước. Chiếc áo dài tuy mỏng nhưng chứa cả một bề dày văn hóa mà tinh thần, phong cách và bản lĩnh của dân tộc gói gọn cả vào trong. Nói như thế là để mọi người cùng hiểu rằng: Cách tân là không sai, hay đúng hơn là, không có cách tân thì không thể có chiếc áo dài như hôm nay nhiều người vẫn mặc. Nhưng, cách tân như thế nào mà tinh thần chiếc áo vẫn không phai mờ, cách tân ra sao để thế giới nhìn vào không dung tục mới là cái khó. Có khó mới thấy ông cha đã tỉ mẫn và tinh tế đến chừng nào, để mỗi đường kim và sợi chỉ đều toát lên sự thanh cao của nghệ thuật Việt, với tà áo dài đại diện cho biết bao điều.
Sự việc vừa qua của một số người Việt sinh sống tại hải ngoại ăn mặc phản cảm là một hình ảnh xấu, không chỉ đối với chính họ mà còn là đối với mọi người Việt trên khắp thế giới. Không những thế, sự việc ấy còn chỉ ra tư duy hạn hẹp của không ít người về vốn văn hóa (xa quê nên quên lối), về truyền thống và cả tính thẩm mĩ, sự lịch sự khi có mặt ở không gian công cộng. Xứ Mỹ tôn trọng tự do cá nhân, nhưng cũng không bao giờ dung túng cho sự thái quá, biến tướng của hành vi con người. Đặc biệt là những hành vi có tính xúc phạm văn hóa như vậy. Bởi tính đại diện của trang phục mà khi mặc lên người, chúng ta cần và rất cần phải có tác phong cho phù hợp. Bạn không thể mặc đồ bơi mà tung tăng trên đường phố, cũng như không thể mặc veston khi đi tắm. Mỗi loại trang phục có một chức năng riêng và trang phục truyền thống như áo dài cũng thế. Chúng phải được mặc đúng chỗ, đúng nơi. Phụ kiện đi kèm của các loại trang phục cũng thế. Quần ống dài đi với áo dài, không thể là loại quần nào khác, kể cả đó là quần short, quần tây và tất nhiên, không thể là quần nội y được.
Thiếu hiểu biết về văn hóa là một lẽ, nhưng thiếu hiểu biết cả về phục trang và tác phong cần có nơi công cộng thì thật đáng lên án. Nhiều năm trở lại đây, báo chí trong nước và quốc tế đã không ít lần đưa tin về những hiện tượng ăn mặc phản cảm kiểu như vậy. Tức là sự việc lần này với cộng đồng người Việt tại hải ngoại không là duy nhất. Và dù có xảy ra bao nhiêu lần đi nữa thì những tiếng ca thán và lời phê phán vẫn không ngừng được cất lên.
Khánh Đăng