Một nghị sĩ Cộng hòa bất mãn ông Trump, tuyên bố rút khỏi đảng

15/12/2020 11:05

Hạ nghị sĩ Paul Mitchell, một đảng viên Cộng hòa ở Michigan, tuyên bố ông sẽ rút khỏi đảng vì ‘ghê tởm’ các nỗ lực đảo ngược kết quả. ‘Nếu không chấp nhận được chuyện thắng thua thì không nên làm chính trị’, ông Mitchell nêu quan điểm.

Một nghị sĩ Cộng hòa bất mãn ông Trump, tuyên bố rút khỏi đảng - Ảnh 1.
Hạ nghị sĩ Paul Mitchell – Ảnh: AFP

“Đảng Cộng hòa phải đứng lên vì nền dân chủ và Hiến pháp trước tiên, chứ không phải vì các suy xét chính trị. Không phải để bảo vệ ứng viên, không phải vì quyền lực chính trị”, ông Mitchell nói trong chương trình “The Lead” của CNN ngày 14-12.

“Cựu” đảng viên Cộng hòa nói ông “ghê tởm và thất vọng với nỗ lực lật ngược kết quả bầu cử của Tổng thống Donald Trump” nên đã gởi thông báo tới một quan chức Hạ viện, yêu cầu ghi lập trường đảng phái của ông là “độc lập”.

Trong một lá thư gởi tới lãnh đạo đảng Cộng hòa, ông Mitchell cũng tuyên bố sẽ rút khỏi các hoạt động của đảng này ở cả cấp tiểu bang lẫn liên bang.

Hạ nghị sĩ Mitchell đắc cử lần đầu tiên vào năm 2016, trong cuộc bầu cử mà đảng Cộng hòa giành chiến thắng và kiểm soát Nhà Trắng lẫn lưỡng viện quốc hội Mỹ. Với khối tài sản gần 40 triệu USD, ông là một trong các nghị sĩ giàu nhất nước Mỹ và sẽ nghỉ hưu vào tháng 1 năm tới.

Lá thư của ông Mitchell gởi tới lãnh đạo đảng Cộng hòa đầy những lời chỉ trích. Ông cáo buộc thay vì lên tiếng bảo vệ quy trình bầu cử của nước Mỹ, các nhà lãnh đạo của đảng Cộng hòa “lại túm tụm và dung túng cho các thuyết âm mưu gian lận trong bầu cử”.

“Bất kỳ ai làm chính trị cũng phải sẵn sàng chấp nhận chuyện thắng thua. Tôi từng thắng cũng từng thua. Thua rất đau, nhưng nếu không sẵn sàng chấp nhận điều đó, không nên làm chính trị. Đất nước này cần thái độ nhận thua đẹp, nhưng thật không may chúng ta lại không nhìn thấy nhiều như kỳ vọng”, ông Mitchell viết.

Sự chia rẽ trong nội bộ đảng Cộng hòa là điều đã được báo trước sau bầu cử nhưng ngày càng thể hiện rõ hơn.

Hồi tuần trước, 126 hạ nghị sĩ Cộng hòa đã cùng ký vào một lá đơn thể hiện sự ủng hộ với đơn kiện của bang Texas nhằm hủy bỏ kết quả ở 4 bang chiến địa. Vụ việc sau đó bị Tòa tối cao từ chối thụ lý.

Hạ nghị sĩ Cộng hòa Mo Brooks, một đồng minh thân cận của ông Trump, kế đó tuyên bố sẽ kích hoạt một đạo luật có từ năm 1887 nhằm hủy bỏ lá phiếu của đại cử tri. Để làm được điều này, ông Brooks cần sự ủng hộ của ít nhất 1 thượng nghị sĩ.

Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có thượng nghị sĩ Cộng hòa nào lên tiếng ủng hộ hành động của ông Brooks. Một vài người đã ngầm tuyên bố ông Biden là người chiến thắng khi khẳng định họ tôn trọng lá phiếu của các đại cử tri và hệ thống cử tri đoàn.

BẢO DUY/TTO

Đọc nhiều