10
topics
451513

Một năm thu 10 tỷ USD: Khối tiền đang bị lãng quên ở làng quê

25/11/2020 07:30

Việc khơi dậy tiềm năng, đẩy mạnh phát triển nhóm ngành nghề ở các vùng quê đưa tổng doanh thu từ các ngành nghề nông thôn đạt 236.200 tỷ đồng, thu nhập bình quân người lao động cao gấp 2 lần so với làm nghề thuần nông.

Theo báo cáo của Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN-PTNT), ngành nghề nông thôn, làng nghề là một nét bản sắc riêng, giữ vai trò quan trọng trong quá trình phát triển nông thôn nước ta. Bởi vậy, năm 2018 Chính phủ đã ban hành Nghị định 52 về phát triển ngành nghề nông thôn.

Theo đó, có 7 nhóm ngành nghề được bảo tồn và đẩy mạnh phát triển, bao gồm: Chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản; Sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; Xử lý, chế biến nguyên vật liệu phục vụ sản xuất ngành nghề nông thôn; Sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ; Sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh; Sản xuất muối; Dịch vụ phục vụ sản xuất, đời sống dân cư nông thôn.

Sau 2 năm thực hiện, tổng số lao động tham gia sản xuất kinh doanh lĩnh vực ngành nghề nông thôn trên 2,3 triệu người, tăng 300 nghìn lao động so với năm 2017 (tăng 15%). Thu nhập bình quân của lao động đạt 4-5 triệu đồng/người/tháng, cao gấp hơn 2 lần lao động thuần nông.

Một năm thu 10 tỷ USD: Khối tiền đang bị lãng quên ở làng quê
Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu của riêng hàng thủ công mỹ nghệ đạt 2,35 tỷ USD

Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, cho hay, từ 2018 đến nay, hình thức tổ chức sản xuất ở các vùng nông thôn đã có xu hướng chuyển mạnh sang các mô hình tổ chức liên kết sản xuất.

Tổng doanh thu từ các hoạt động ngành nghề nông thôn hiện nay đạt 236.200 tỷ đồng, tăng 40.000 tỷ đồng (20,5%) so với năm 2017. Trong đó, các nhóm ngành nghề sản xuất đồ gốm sứ, mây tre đan, thủy tinh, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ, điêu khắc có giá trị cao nhất lên tới 92.901 tỷ đồng. Ngoài ra, nhóm các dịch vụ phục vụ sản xuất, đời sống dân cư nông thôn đạt 67.818 tỷ đồng, chiếm 28,7%…

Cũng theo ông Thịnh, mức độ tăng trưởng xuất khẩu trong những năm qua khá cao, đạt bình quân khoảng 10%/năm. Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu của riêng hàng thủ công mỹ nghệ đạt 2,35 tỷ USD.

Đặc biệt, trong bối cảnh của dịch Covid-19 nhưng 7 tháng năm 2020, kim ngạch xuất khẩu một số ngành nghề vẫn tăng trưởng mạnh từ 3,4-11% so với cùng kỳ năm 2019.

Hiện hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam có mặt tại 163 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó thị trường xuất khẩu chính vẫn là Mỹ, Nhật Bản và châu Âu.

Song, ông Thịnh thừa nhận sự phát triển của khu vực ngành nghề nông thôn, làng nghề vẫn còn khiêm tốn, chưa khai thác hết lợi thế, tiềm năng của khu vực này. Hình thức sản xuất chủ yếu vẫn là hộ gia đình quy mô nhỏ, cơ sở hạ tầng yếu.

Một số làng nghề có nguy cơ thiếu nguyên liệu sản xuất, đồng thời việc tiếp cận vay vốn của các tổ chức tín dụng còn hạn chế, lãi suất vay còn cao, thời hạn vay ngắn nên vốn vay không đáp ứng được yêu cầu sản xuất.

Một năm thu 10 tỷ USD: Khối tiền đang bị lãng quên ở làng quê
Thời gian tới sẽ đẩy mạnh phát triển du lịch làng nghề

Tại hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Nghị định 52, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, 10 năm trở lại đây, chúng ta đã đầu tư 30 triệu tỷ đồng để phát triển thiết chế hạ tầng nông thôn, thúc đẩy phát triển sản xuất. Năm 2019, thu nhập của người dân nông thôn đạt bình quân 43 triệu đồng, cao gấp 4 lần so với năm 2009.

Song, ông cho rằng, hiệu quả kinh tế từ khu vực nông thôn mang lại vẫn thấp, năng suất chưa cao, sản phẩm của bà con làm ra phần lớn không theo chuỗi giá trị, công ăn việc làm chưa được đảm bảo.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhận định, các ngành nghề nông thôn vẫn là lợi thế cần tận dụng. Bởi qua đây mới tạo công ăn việc làm, giữ gìn bản sắc và xây dựng chuỗi giá trị nông sản.

Để làm được điều đó cần khơi dậy bàn tay khối óc của lao động nông thôn, nhất là các nghệ nhân; khơi dậy truyền thống văn hóa làng nghề. Nghị định 52 đã đề cập rất rõ 7 nhóm nghề lớn ở khu vực nông thôn, qua đó khơi dậy hết tiềm năng kinh tế ở nông thôn, đặc biệt là nghề sinh vật cảnh đã phát huy các giá trị môi trường, thời đại, văn hóa.

“Trước đây, chúng ta chỉ nói nghề sinh vật cảnh là nghề trang trí, nhưng giờ đây đã trở thành nghề làm giàu và Việt Nam rất có điều kiện để phát triển”, ông Cường nói.

Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường nhận định, phát triển làng nghề không thể tách rời với phát triển du lịch. Làng nghề hướng đến các sản phẩm phục vụ cho con người, vì vậy đây là mối quan hệ tương hỗ giúp tăng nguồn thu cho các làng nghề.

Kể cả những làng nghề không có địa điểm du lịch vẫn có thể tiêu thụ được các sản phẩm mình làm ra ở những điểm du lịch, qua đó vừa bảo tồn được nghề, vừa tăng thu nhập. Vì thế, cần nâng cấp cơ sở hạ tầng làng nghề gắn với du lịch và xây dựng nông thôn mới, quy hoạch phát triển các vùng nguyên liệu tập trung, ổn định, ông Tường nhấn mạnh.

Theo ông Lê Đức Thịnh, Bộ sẽ tiếp tục rà soát, đánh giá thực trạng ngành nghề nông thôn, làng nghề hiện nay để hoàn thiện xây dựng Đề án bảo tồn và phát triển làng nghề giai đoạn 2021-2025 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đặc biệt, giai đoạn tới sẽ đẩy mạnh phát triển du lịch làng nghề, trong đó gắn kết phát triển làng nghề với phát triển du lịch; tăng cường mở các tour, tuyến du lịch làng quê, làng nghề, phố nghề vừa phục vụ du lịch, vừa trình diễn nghề và bán sản phẩm làng nghề.

T.An/VNN

Tags :
Đọc nhiều