Một lần tôi được gặp Bác Hồ

01/09/2019 06:38

Ngày 1-6-1956 tôi được Bác Hồ cho đến Phủ Chủ tịch chơi, được ăn bữa cơm tối nhân ngày Tết Thiếu nhi.

Vào lứa tuổi 15 chú bé con như tôi được có một dịp như thế là rất sung sướng và hạnh phúc. Sau này anh Việt Phương kể chuyện Bác Hồ, có nói “Nhiều người ra biển, không hiểu hết cái vĩ đại của biển khơi, chỉ vui với vỏ sò vỏ hến ở xung quanh. Nhưng như thế cũng là một chút biển cả”. Câu này đúng với tôi quá.

Tháng 11 năm 1960 Bác đi dự Hội nghị 81 đảng cộng sản và công nhân ở Moskva về nước. Hội nghị có rất nhiều điều phức tạp. Ông Tố Hữu đã khái quát hình ảnh của Người:

Bác về tóc có bạc thêm,

Năm canh bốn biển có đêm nghĩ nhiều.

Hỡi Người tim những thương yêu,

Cánh chim không mỏi sớm chiều vẫn bay.

Bác lớn lao và bận rộn như thế mà sao vẫn nghĩ đến chú bé con như tôi. Hồi ấy tôi không hiểu được.

Trước khi kể chuyện gặp Bác, tôi xin nói đôi điều về tôi, bởi lẽ Bác cho gặp ắt phải có lý do gì đó.

Một lần tôi được gặp Bác Hồ
Bác Hồ cùng các cháu thiếu nhi làng Sen, xã Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An đi thăm quê nhà. Ảnh tư liệu

Tôi sinh năm 1941, năm mở đầu Đại Chiến II. Những năm 44, 45, dù còn rất bé, tôi đã được chứng kiến và ghi nhận cảnh Nhật đánh Pháp ở Phủ Lý quê tôi, cảnh chết đói, rồi Cách mạng thành công, rồi Pháp đánh Việt Minh, cuộc trường kỳ kháng chiến bắt đầu, rồi gia đình tôi chạy tản cư, rồi về Hà Nội. Bố tôi biết chữ Hán, chữ Pháp, biết làm thơ. Dù khó khăn ông vẫn cho tôi học hành cẩn thận. Năm 10 tuổi tôi biết làm thơ Đường luật, học Pháp văn, tập đàn guitare, năm 15, 16 tuổi tôi võ vẽ đọc văn thơ bằng tiếng Pháp.

Năm 1954 Hà Nội được giải phóng, tôi thi vào lớp Đệ Thất (tức lớp Năm bây giờ) trường công lập Nguyễn Trãi. Chẳng hiểu sao tôi được chọn làm lớp trưởng. Ít lâu sau lứa Đội viên Thiếu niên tiền phong đầu tiên của Hà Nội ra đời. Tôi được kết nạp vào lứa đó, rồi được bầu làm Đội trưởng, được đeo phù hiệu hai vạch trên vai. Oách lắm. Tôi vẫn còn nhớ những câu hát:

“Từ hôm nay được mang chiếc khăn thắm màu cờ nước. Khăn đẹp bay trong gió tưng bừng”…

Tôi thấy hạnh phúc thật sự. Rồi bắt đầu phong trào bổ túc văn hóa rộn ràng khắp nơi. Tôi tình nguyện vào làng Vân Hồ bùn lầy nước đọng cạnh Hồ Bảy Mẫu để dạy văn hóa cho các em nhỏ. Rồi rục rịch nghe nói có phong trào làm báo tường. Chúng tôi xin thày chủ nhiệm. Thày bảo chờ Ban Giám hiệu. Tôi và mấy anh máu mê văn chương xin làm báo cá nhân. Tôi viết truyện ngắn, dán lên gốc cây, cũng nhiều bạn đọc. Ít lâu sau được làm báo chính thức. Tôi được phụ trách. Tôi làm thơ, viết phóng sự, ký tên “Bút Cùn”. Tóm lại, tôi hạnh phúc thật sự.

Càng thấy hạnh phúc, tôi càng ham học. Cuối năm tôi được nhận phần thưởng của thành phố Hà Nội tại Nhà hát Nhân dân (tức Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô, đường Trần Hưng Đạo, bây giờ).

Rồi, tất nhiên, tôi được lên lớp.

Rồi đến ngày Tết Thiếu nhi 1-6.

Từ hôm trước tôi được anh Hiệp, phụ trách thiếu nhi của Thành đoàn Thanh niên Hà Nội, còn được gọi yêu là anh Hiệp râu, vì anh có bộ râu quai nón ngoạn mục, báo xuống là tôi được đi chơi một buổi đặc biệt, không ăn cơm nhà và tập trung tại Văn Miếu. Ba giờ chiều tôi đến nơi thì thấy đông lắm, toàn là đội viên cả nam lẫn nữ. Hồi ấy các trường học kiểu nam riêng, nữ riêng. Trường Nguyễn Trãi của tôi toàn nam, trường Trưng Vương toàn nữ. Đến tập trung ai cũng mặc quần xanh, áo trắng, đeo khăn đỏ và đeo các phù hiệu: một vạch là phân đội trưởng, hai vạch là đội trưởng và ba vạch là chỉ huy liên đội. Nhìn quanh sân tôi hoa cả mắt, tất cả phải đến vài trăm bạn. Chúng tôi dơ tay chào nhau kiểu quân đội, rồi nói chuyện và biết rằng tất cả đều là học sinh xuất sắc của các trường Hà Nội.

Gần năm giờ chiều chúng tôi lên ô tô và chẳng bao lâu sau đoàn xe đã vào giữa sân Phủ Chủ tịch.

Thường ngày chúng tôi vẫn qua chơi bên ngoài cổng Phủ, có chú bộ đội đứng gác, tôi đã thấy trang trọng lắm. Nhưng đứng trong sân Phủ thì cảm giác trang trọng được tăng lên đến mức trang nghiêm.

Nhìn lên trên thấy khẩu hiệu nền vàng chữ đỏ chào mừng đoàn học sinh xuất sắc chúng tôi, nhìn sang phải thấy các dãy bàn dài đã bày sẵn mâm bát, nhìn sang trái thấy một màn hình to bằng vải treo sẵn.

Chẳng mấy chốc, theo hiệu lệnh, chúng tôi xếp hàng ngay ngắn trước dãy bậc thềm cao, giống như đội vệ binh danh dự đón khách.

Lúc ấy trời đã xâm xẩm tối, một anh phụ trách hô lên “Nghiêm!”, rồi một anh khác chính thức thông báo rằng chúng tôi được Bác Hồ cho đến thăm Bác.

Mấy phút sau từ phía trên rất cao Bác Hồ xuất hiện, có hai anh bảo vệ đi bên. Chúng tôi dơ tay chào, đứng nghiêm, vừa sung sướng, vừa lo sợ, chẳng hiểu tại sao.

Bác Hồ bước xuống, khoan thai đi dọc từng hàng, nắm tay chúng tôi. Tôi chưa bao giờ nghĩ mình có phút ấy, cảm giác lâng lâng, khó tả lắm. Tôi cố nhìn kỹ gương mặt Bác xương xương, nhìn mái tóc, bộ râu và nhất là đôi mắt ngời sáng và linh hoạt. Cố nhìn để không bao giờ quên.

Đi hết một lượt Bác lên bậc cao. Có người đưa micro đến. Bác nói chuyện. Giọng Bác trầm ấm, thanh thản. Bác khen chúng tôi đạt thành tích tốt, Bác nói chuyện xã hội và khuyên chúng tôi phải học giỏi hơn nữa, ngoan ngoãn hơn nữa, phấn đấu tốt hơn nữa. Toàn dân đang cần những người có tài có đức. Cuối cùng Bác bảo: “Hôm nay Bác thưởng cho các cháu một bữa cơm thân mật, một bộ phim vui và sẽ có quà cho các cháu mang về”.

Chúng tôi vào mâm. Cơm ăn có thịt, có cá, có canh rau. Thời ấy đất nước nhiều khó khăm. Bữa ấy được gọi là thịnh soạn.

Chúng tôi đang tuổi ăn, tuổi lớn. Bữa cơm ào ào đã xong. Nhìn lên không thấy Bác đâu nữa. Tôi hình dung như có một ông Tiên biến đi. Anh phụ trách bảo Bác bận công việc, không nói lời tạm biệt để các cháu ăn ngon miệng.

Ăn xong, nghỉ ít phút rồi chúng tôi xem phim. Đó là phim “Đội bóng phố tôi”. Ngày ấy phim gì cũng hay. Vui không để đâu hết.

Tháng Sáu đầu hè. Trời đầy gió mát. Lúc ra về mỗi đứa chúng tôi được tặng một túi lạc rang to. Chúng tôi biết ngay tấm lòng của Bác: Bác nghĩ đến những người bạn chúng tôi ở nhà. Cảm động thế đấy.

Năm nay tôi đã 78 tuổi, đã dạy học khoảng 40 năm, đã làm được một số việc cho dân cho nước, nhưng nghĩ đến Bác tôi vẫn thấy mình là chú bé đội viên năm xưa. Tôi vẫn nhớ Bác nắm tay tôi, lần duy nhất trong đời tôi. Dường như Bác kéo tôi đi lên. Năm 1969, khi Bác mất, tôi viết một bài thơ dài, kết bằng hai câu:

Giữa trời xanh băng vì sao sáng chói,

Vẫn vạch đường cho những bước chân lên.

Lê Đức Mẫn

Tags :
Đọc nhiều