419
category
433643

Một kỷ lục về “khẩu hiệu”!

28/09/2020 06:20

Công trình xây lắp khẩu hiệu 11 chữ trên đồi Ông Tượng (phường Phương Lâm, TP Hòa Bình) được Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển Anh Kỳ triển khai có vẻ như lại đang chuẩn bị lập nên kỷ lục mới.

Một kỷ lục về “khẩu hiệu”! - 1

Như dự án nói trên ở Hoà Bình, theo ghi nhận của báo chí, là một khẩu hiệu có 11 chữ do Sở Văn hoá – Thông tin và Du lịch Hoà Bình làm chủ đầu tư với tổng kinh phí hơn 10,2 tỷ đồng. Vị chi mỗi chữ có giá gần 1 tỷ đồng.

Nói không chừng, “cân, đo, đong, đếm”, mỗi một chữ ở trên đồi Ông Tượng lại lập kỷ lục về “những ký tự có giá” nhất thế giới ấy chứ!

Giá tiền quy đổi của mỗi một chữ ấy, báo Dân Trí và các nhà tài trợ có thể xây được tới 2 điểm trường cho các cháu ở miền núi, xây được mấy cây cầu “giải cứu” dân bản ở vùng sâu vùng xa. Thế mà ở đây, người ta sẵn sàng bỏ tới hơn chục tỷ để làm một “câu-khẩu-hiệu-11-chữ”!

Giải thích cho cái sự đắt đỏ trên, bà Bùi Thị Niềm, Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Hòa Bình nói rằng, công trình thi công trên địa hình phức tạp, nhiều hạng mục phụ trợ hết nhiều kinh phí. Hạng mục 11 chữ của khẩu hiệu sẽ được gia công giằng mái thép bằng thép hình, gia công giằng thép bằng thép bản, lắp dựng giằng thép liên kết, bulong M16, tấm aluminium, đục lỗ tấm thép bằng công nghệ CNC….

Và để đảm bảo an toàn cho các công trình xung quanh nơi thi công xây lắp khẩu hiệu (tượng đài Bác Hồ trên đỉnh đồi, các công trình trụ sở và nhà dân ở phía dưới), đơn vị thi công đã phải tiến hành việc khoan tạo lỗ neo để cắm neo gia cố mái vách taluy, lắp dựng ống thép, gia công giằng mái thép, bơm keo xi măng lỏng… Chưa hết, do vị trí thi công trình là vách núi cao nên việc vận chuyển các loại vật liệu như cát, sỏi, đá dăm, sắt thép… đều phải làm thủ công.

Chao ôi là kỳ công!

Tóm lại, nữ Giám đốc Sở vẫn khẳng định, việc xây dựng khẩu hiệu trên đồi Ông Tượng là “cần thiết và hợp lý”.

Thế nhưng mà, chưa kịp cảm nhận hết được sự “cần thiết” và “hợp lý” ấy thì việc xây công trình “chữ tiền tỷ” ấy trên vùng đất nghèo như Hoà Bình, nghĩ tới nghĩ lui vẫn mang lại cảm giác khập khiễng. Nhiều người dân mới nghe con số thôi đã… tiếc đứt ruột đứt gan.

Không tiếc sao được vì kinh phí xây công trình là tiền ngân sách chứ có phải do “mạnh thường quân” nào tài trợ đâu! (Kể cả có mạnh thường quân, thì người ta có đổ vốn vào công trình này không nhỉ?).

Cái đáng nói là trên địa bàn tỉnh Hoà Bình còn bao nhiêu nơi thiếu thốn phòng học, đường giao thông trắc trở, đời sống người dân còn chật vật, khó khăn. Đối diện với mưa bão, thiên tai, sạt lở… hàng năm, Hoà Bình còn phải nhận gạo cứu trợ, thậm chí là cứu đói.

Thông tin mới cập nhật cho biết, sau khi các cơ quan báo chí có phản ánh về dự án xây dựng khẩu hiệu trên đồi Ông Tượng, lãnh đạo tỉnh đã có chỉ đạo kiểm tra lại dự án. Kế hoạch kiểm tra dự án dự kiến có trong ngày 28/9 và giao cho các Sở ngành kiểm tra, rà soát tổng thể quá trình đầu tư xây dựng của dự án.

Vậy là, những băn khoăn của công chúng và tiếng nói báo chí về “công trình chữ tiền tỷ” cũng đã đến với lãnh đạo tỉnh Hoà Bình!

Được biết, nội dung câu khẩu hiệu nói trên nhằm để bà con các dân tộc của tỉnh ghi nhớ công ơn của Bác, học tập và làm theo tấm gương Bác.

Suốt cả cuộc đời hoạt động Cách mạng, cống hiến tất cả cho đất nước, cho nhân dân, Bác là hiện thân của lối sống giản dị, tiết kiệm. Nhớ ơn Bác càng phải noi theo và làm theo gương Bác.

Bác từng dạy, làm được những việc nhỏ thì sẽ thành cái to, ngay như sử dụng văn phòng phẩm “nơi nào cũng tiết kiệm một chút, thì trong một năm đỡ được hàng vạn tấn giấy, tức là hàng triệu đồng bạc. Nhờ tiết kiệm… mà lợi cho dân rất nhiều” – Bài “Di chúc Bác Hồ về tiết kiệm chống lãng phí” – Chinhphu.vn ngày 29.8.2014.

Bác cũng dặn các cán bộ: “Lời nói phải đi đôi với việc làm, nói mà không làm dân sẽ không tin”.

Bích Diệp/DT

Đọc nhiều