7
category
507958

Một đột phá lịch sử của tàu ngầm Nga

30/03/2021 15:21

Video được Bộ Quốc phòng Nga công bố cho thấy 3 tàu ngầm hoạt động cách nhau chỉ khoảng 300 m, từ từ xuyên thủng lớp băng dày 1,5 m, sau đó các thủy thủ đoàn bước ra để chào nhau.

Tàu ngầm Nga xuyên thủng lớp băng ở Bắc Cực: Một đột phá lịch sử!

Công ty công nghệ vũ trụ và hình ảnh vệ tinh Maxar Technologies đã cho công bố một hình ảnh khá thú vị về khu vực mà lực lượng tàu ngầm Hải quân Nga đang tiến hành các cuộc tập trận ở Bắc Cực.

Tại sự kiện này, lần đầu tiên trong lịch sử, ba tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân của Hải quân Nga đã cùng lúc nổi lên từ dưới lớp băng ở Bắc Cực.

Đoạn video được Bộ Quốc phòng Nga công bố cho thấy 3 tàu ngầm hoạt động cách nhau chỉ khoảng 300m, từ từ xuyên thủng lớp băng dày 1,5m, sau đó các thủy thủ đoàn bước ra để chào nhau.

Ngày 29/3, Maxar đăng tải trên tài khoản Twitter của công ty này chùm hình ảnh vệ tinh cùng với khung hình từ một video mà Bộ Quốc phòng Nga công bố tuần trước cho thấy các tàu ngầm đang nổi lên cùng các cảnh quay khác từ Cuộc tập trận Umka-2021.

Tàu ngầm Nga xuyên thủng lớp băng ở Bắc Cực: Một đột phá lịch sử! - Ảnh 1.
Hình ảnh tổng hợp về khu vực diễn ra cuộc tập trận Umka-2021 gần Alexandra Land mà Maxar Technologies công bố ngày 29/3

Hình ảnh đề ngày 27/3 hiển thị rõ một khu vực băng giá ở phía Nam đảo Alexandra Land của Nga, một phần của quần đảo Franz Josef Land ở Bắc Băng Dương và chỉ cho thấy một tàu ngầm, được Maxar xác định là loại mang tên lửa đạn đạo lớp Delta IV, cũng như “lỗ thủng trên băng có thể do phá hủy dưới nước gây ra”.

Bộ Quốc phòng Nga vẫn chưa chính thức xác nhận loại tàu ngầm nào tham gia cuộc tập trận bắt đầu từ ngày 20/3. Tuy nhiên, đoạn cuối của video cho thấy dường như có ít nhất hai tàu ngầm lớp Delta IV còn tàu ngầm thứ ba có thể là một chiếc thuộc lớp Borei, hoặc đó chính là chiếc Borei-A duy nhất hiện đang được phục vụ trong Hải quân Nga – Knyaz Vladimir.

Chiếc Delta IV được nhìn thấy trong ảnh của Maxar ngày 27/3 cho thấy rõ cấu trúc thượng tầng hình hộp phía sau của tàu ngầm chứa 16 ống phóng, mỗi ống có thể được nạp một tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm R-29RMU Sineva.

Lần đầu tiên trong lịch sử, 3 tàu ngầm hạt nhân Nga cùng lúc nổi lên từ dưới băng ở Bắc Cực

Đối với lỗ hổng được nhìn thấy bên cạnh tàu ngầm trong hình ảnh của Maxar, dựa trên chiều rộng thiết kế của Delta IV, dường như nó rộng khoảng 80 feet.

Bộ Quốc phòng Nga trước đó tiết lộ rằng một lỗ hổng đã được tạo ra trên băng trong cuộc tập trận Umka-2021, có vẻ như liên quan đến việc bắn ít nhất một quả ngư lôi từ một tàu ngầm không xác định lặn đi dưới lớp băng.

Hình ảnh mới mà Maxar Technologies công bố cho thấy một lỗ thủng lớn xuyên qua lớp băng, có thể là do ngư lôi. Mục đích của nó là gì chưa được biết rõ nhưng điều đó có thể tạo ra lỗ hổng cho các tàu ngầm nhanh chóng nổi lên, tiến hành phóng tên lửa đạn đạo hoặc các loại tên lửa khác trong thời gian chiến tranh.

Bất kể lỗ thủng được tạo ra như thế nào, nó có thể tạo không gian cho tàu ngầm nổi nhanh hơn và an toàn hơn từ bên dưới lớp băng để phóng tên lửa đạn đạo hoặc các loại tên lửa khác.

Nếu không như vậy, các tàu ngầm sẽ phải nổi hoàn toàn hơn trên lớp băng rồi sau đó mở ống phóng một cách an toàn. Nếu thế, quá trình này sẽ diễn ra chậm hơn và khiến tàu ngầm dễ bị tổn thương hơn, ít nhất là ở một mức độ nào đó, ngay cả ở những vùng xa xôi của Bắc Cực.

Các tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo hoặc tên lửa có điều khiển vẫn có thể phóng vũ khí mà không cần nổi lên. Tuy nhiên, những lớp băng ở Bắc Cực là tấm lá chắn bảo vệ quý giá cho các tàu ngầm, khiến đối thủ đặc biệt khó phát hiện và theo dõi chuyển động của chúng.

Được biết, Nga đã sử dụng khu vực này để che chắn các tàu ngầm, đặc biệt là các loại tàu mang tên lửa đạn đạo, khỏi những con mắt nhòm ngó và rình mò của đối phương.

Tú Anh

Tags :
Đọc nhiều