Một chính sách nhân văn và thiết thực, hàng triệu người mong đợi
“Một miếng khi đói bằng một gói khi no” – mong rằng đúng như quyết tâm của Chính phủ, Bộ LĐTB&XH cũng như kỳ vọng của người dân, Nghị quyết 68 sẽ được triển khai đúng mục đích và có giá trị lan tỏa.
Một thông tin rất đáng chú ý tại phiên họp thường kỳ tháng 6 diễn ra ngày 1/7, đó là Chính phủ đã thông qua Nghị quyết mới (Nghị quyết 68) về việc hỗ trợ người lao động, sử dụng lao động bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 với mức hỗ trợ khoảng 26.000 tỷ đồng.
Chính sách này được triển khai trên cơ sở Chính phủ đã phân tích, đánh giá kỹ tình hình và nhất quán tinh thần kiên định mục tiêu, thực hiện mục tiêu kép, vừa kiểm soát dịch bệnh, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, ổn định các cân đối vĩ mô.
Theo Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, mục tiêu của nghị quyết này tập trung vào 2 đối tượng: Người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng sâu bởi đại dịch Covid-19, mà chủ yếu nhất là công nhân và người lao động trực tiếp.
Do vậy, có thể nói đây là chính sách đang được hàng triệu người lao động chờ đợi, trông ngóng. Họ chính là những người yếu thế nhất trong những người yếu thế ở đợt dịch Covid-19 lần 4 này.
Thử tưởng tượng một gia đình 5-6 miệng ăn và trông chờ vào 1-2 trụ cột với công việc chính là công nhân, lao động phổ thông. Khi Covid-19 tấn công vào các khu công nghiệp và những thành phố lớn, rất nhiều người gián đoạn việc làm, mất kế sinh nhai, cuộc sống của họ trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.
Đó là chưa đề cập đến những trường hợp rơi vào diện cách ly. Xót xa thay khi mà những nguồn tích lũy cạn kiệt, có gia đình còn phải xin giảm suất ăn. Tất nhiên, những trường hợp này không mang tính đại diện, nhưng đã phản ánh hậu quả nặng nề của dịch Covid-19 lên những đối tượng dễ tổn thương nhất trong xã hội.
Ngay cả khi địa phương mở giãn cách thì đời sống kinh tế cũng không một sớm một chiều quay trở lại trạng thái cũ, trong khi nhu cầu cơ bản như ăn ở, học hành của mọi người dân vẫn tiếp diễn.
Họ cần sự quan tâm, cảm thông của cộng đồng, và hơn hết, họ cần những chính sách giàu tính nhân văn của Nhà nước như Nghị quyết 68.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói, trong chỉ đạo của Bộ Chính trị cũng như Chính phủ về việc xây dựng Nghị quyết 68 đều lưu ý đến việc chăm lo cho nhóm lao động tự do bởi đây là những người bị ảnh hưởng sâu nhất vì dịch bệnh, nhưng cũng khó triển khai hỗ trợ nhất.
Bộ trưởng kể, nhiều tổ trưởng dân phố từng chia sẻ với ông về những điểm vướng do việc di chuyển biến động thất thường của lực lượng lao động tự do tại địa phương. Vậy nên, khi xây dựng Nghị quyết 68 lần này, Chính phủ xác định việc triển khai sẽ rất khó khăn, song vẫn phải làm và giao địa phương xây dựng danh sách người cần hỗ trợ.
Từ bài học tại TPHCM, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, chỉ có địa phương mới xác định được cụ thể những nhóm lao động tự do trên địa bàn như người lái xe ba gác, lực lượng bốc vác, người bán vé số…
Nghị quyết 68 đề ra 4 nguyên tắc cơ bản: Hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, công khai minh bạch; Thiết kế chính sách minh bạch, đơn giản, dễ tiếp cận nhất, thủ tục hành chính giảm tới 2/3 so với Nghị quyết 42; Đảm bảo chính sách có tính khả thi; Mỗi đối tượng chỉ thụ hưởng một chính sách (trừ trường hợp đặc biệt là phụ nữ mang thai, người đang nuôi dưỡng trẻ em và trẻ em bị mắc Covid-19 hoặc phải cách ly).
Với sự sát sao đời sống người dân, đi vào thực tế để biết ai đang cần cứu và phải cứu ra sao trên tinh thần trách nhiệm cao nhất, người viết cho rằng, chỉ như thế, chính sách Nhà nước mới phát huy hết ý nghĩa và hiệu quả.
“Một miếng khi đói bằng một gói khi no” – mong rằng đúng như quyết tâm của Chính phủ, Bộ LĐTB&XH cũng như kỳ vọng của người dân, Nghị quyết 68 sẽ được triển khai đúng mục đích và có giá trị lan tỏa.
Nói cho cùng, nền kinh tế chỉ mạnh khi doanh nghiệp, khi mỗi hộ gia đình “sống khỏe”, đồng nghĩa với từng “tế bào” là mỗi công nhân, mỗi người lao động cùng gia đình của họ được bảo vệ, nâng đỡ vượt qua đại dịch này.
Bích Diệp