130115
topics
362456

Một Chính phủ hành động và “không sợ con virus, chỉ sợ đồng bào không được về”

12/02/2020 22:04

15 thành viên phi hành đoàn trên chuyến bay số hiệu VN68 của Hãng hàng không quốc gia Việt Nam tới Vũ Hán được chọn từ gần 100 phi công, tiếp viên, thợ kỹ thuật, nhân viên mặt đất tình nguyện đăng ký lên đường làm nhiệm vụ quốc gia. Họ đã tới Vũ Hán để đón đồng bào của mình và trở về hạ cánh xuống sân bay quốc tế Vân Đồn lúc 05h04 ngày 10/2/2020.

Đây chính là nhiệm vụ quốc gia, được Chính phủ giao phó, họ tình nguyện bay tới vùng dịch, nơi dịch bệnh có thể lây nhiễm họ nếu sơ suất. Trong hoàn cảnh đó, những thành viên phi hành đoàn đã phải mặc trang phục bảo hộ trong suốt chuyến bay, cho đến khi hành trình đưa về khu cách ly được thực hiện. Thậm chí, những người phi hành đoàn còn phải đảm bảo an toàn bằng việc không được đi vệ sinh để tránh cởi bỏ trang phục bảo hộ, tránh trường hợp lây nhiễm.

Đoàn công tác kiểm tra sức khoẻ hành khách khi xuống sân bay Vân Đồn.

Có lẽ, việc đón 30 hành khách trong việc bảo hộ công dân ở nước ngoài của Việt Nam chưa bao giờ nghiêm ngặt và khắt khe đến như thế. Hơn nữa, do trong đoàn có một phụ nữ mang thai 36 tuần, hãng bay Vietnam Airlines đã bố trí riêng 1 bác sĩ đi cùng để có thể chăm sóc sức khoẻ. Điều này cho thấy sự tỉ mỉ và thận trọng của đoàn trong công tác bảo vệ sức khoẻ cho hành khách nói riêng và tránh sự lây lan của dịch Corona nói chung.

Toàn bộ người đi trên chuyến bay sẽ được bàn giao cho Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Ninh để đưa về khu vực cách ly theo dõi sức khỏe trong 14 ngày. Quân đội là đơn vị trực tiếp thực hiện cách ly và theo dõi, bảo đảm sức khoẻ cho toàn đoàn. Từ đó, dễ thấy sự khắt khe, kỷ luật nghiêm ngặt mà Việt Nam đang thực hiện.

Đã có những lời cảm ơn, tự hào về Chính phủ, về cơ quan nhà nước và hơn hết là tình người, tình cảm tương thân tương ái của Việt Nam. Người dân Việt có thể an tâm vì Chính phủ đón được đồng bào trở về, trong khi ở nhiều quốc gia bộ máy chính quyền và người dân đã có những phản đối, ý kiến bỏ ngỏ về công dân nước mình ở Vũ Hán.

30 công dân trở về từ Vũ Hán.

Đơn cử như ở Hàn Quốc, cách đây ít lâu Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In đã yêu cầu người dân không để sự sợ hãi chi phối, ngăn cản việc sơ tán 720 công dân trở về từ Vũ Hán, tâm điểm của dịch virus corona.

720 người với 4 chuyến bay được thực hiện, nhưng ngay từ chuyến bay đầu đã bị hoãn mà không có lý do. Nhưng chắc chắn người dân Hàn Quốc, 720 công dân Hàn Quốc ở tâm vùng dịch Vũ Hán cũng có thể hiểu được nguyên nhân, khi mà người dân dùng máy cày chặn đường ở Jincheon, tỉnh Bắc Chungcheong, để phản đối quyết định của chính phủ; người biểu tình chặn các cơ sở cách ly ở hai thành phố Asan và Jincheon.

Còn với Việt Nam, đây không phải là lần đầu tiên thực hiện việc bảo hộ công dân, đưa công dân ra khỏi quốc gia đang gặp khó khăn, chiến tranh, dịch bệnh, khu vực có tình hình chính trị, xã hội bất ổn. Mà trước đó, Chính phủ Việt Nam đã thực hiện thành công các cuộc sơ tán người lao động ở Lybia năm 2011 và 2014; hỗ trợ người Việt về nước trong thời điểm Nhật Bản bị động đất, sóng thần năm 2011; đưa hành khách thoát khỏi châu Âu do núi lửa phun trào năm 2010; giải cứu hành khách bị kẹt tại Thái Lan do khủng hoảng chính trị năm 2008; vận chuyển công dân Việt Nam trở về từ Malaysia, Trung Đông các năm 2005-2007…

Hơn 1 năm trước, hình ảnh Đoàn Thị Hương nở nụ cười hạnh phúc, bày tỏ sự biết ơn với “bản án công bằng” khi rời Tòa thượng thẩm Shah Alam của Malaysia hôm 1/4/2019 đã gây xúc động cho nhiều người dõi theo phiên tòa. Và ngày hôm nay, câu chuyện bảo hộ công dân không chỉ dành riêng cho một cá nhân như Đoàn Thị Hương, mà Việt Nam đã thực hiện rất tốt việc bảo vệ công dân ở nước ngoài của mình. Minh chứng rõ nét nhất là chuyến bay mang số hiệu VN68 đưa công dân Việt Nam từ Vũ Hán trở về.

Lại nói thêm về vấn đề hội nhập, người Việt đi nước ngoài để học tập, làm việc và sinh sống nhiều hơn. Theo số liệu tại Hội nghị ngoại giao lần 30 (tháng 8-2018), trung bình hằng năm có hơn 9 triệu lượt công dân Việt Nam ra nước ngoài với nhiều mục đích khác nhau như lao động, du lịch, thăm thân nhân… Chính vì thế mà áp lực bảo hộ công dân đặt lên Chính phủ ngày càng lớn, yêu cầu ngày càng cao hơn, thậm chí phức tạp hơn. Nhất là khi vấn đề tình hình chính trị, xã hội của từng quốc gia có những diễn biến khó lường. Vì vậy mà hiện nay các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài càng cần phải thực hiện tốt chức năng bảo hộ cho công dân, là chỗ dựa khi công dân khó khăn, xoá cảm giác bị bỏ rơi. Không để công dân bị o ép, bất công ở nước ngoài, đó cũng chính là khẳng định vị thế của Việt Nam với các nước.

Trên thế giới có hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, Việt Nam có 94 cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài thực hiện công tác bảo hộ công dân và lãnh sự. Chính công tác bảo hộ công dân mà Chính phủ và pháp luật Việt Nam đề ra, là cơ sở để hôm nay chúng ta chào đón 30 công dân của Việt Nam trở về quê hương từ tâm vùng dịch Corona và đảm bảo sức khoẻ cho mọi công dân Việt Nam một cách an toàn nhất.

Chính phủ Việt Nam đã và đang cho thấy là một chính phủ hành động và “không sợ con virus, chỉ sợ đồng bào không được về”.

Vladimir Yung

Đọc nhiều