8
category
433633

Một cái tát bị đình chỉ 3 tháng dạy học

28/09/2020 10:00

Mới đây, trên mạng xã hội xôn xao về vụ việc một cô giáo ở Bắc Quang (Hà Giang) bị phạt hành chính 7,5 triệu đồng và đình chỉ dạy học 3 tháng. Câu chuyện bắt đầu vào sáng 7/9, trong quá trình giảng dạy trên lớp có học sinh mất trật tự, nhắc nhở nhiều lần nhưng không được, cô giáo chủ nhiệm lớp 4A3 có tên H đã bức xúc quát mắng và đã có hành vi tát vào má một nữ học sinh tên T. Đồng thời đánh vào tay 5 em học sinh khác cùng lớp.

Phụ huynh chia sẻ hình con gái bị cô giáo tát lên mạng xã hội.

Biết tin con mình bị tát, vị phụ huynh nọ quyết chụp lại và đăng lên trang facebook cá nhân, sự việc trở nên rình rang và được nhiều người biết đến, chia sẻ, nhiều người phẫn nộ về hành vi “không thể chấp nhận được” của cô giáo nọ. Cuối cùng, vì để “lấy lại tôn nghiêm” của ngành giáo dục, làm dịu dư luận xã hội, cô giáo H đã phải chịu trách nhiệm cho hành vi sai trái của mình.

Thực sự đây là điều đáng buồn, buồn cho chính những thầy, cô giáo đang vừa dạy vừa dỗ trong thời buổi mạng xã hội bùng nổ, bất cứ thông tin nào cũng có thể bị đưa lên mạng xã hội mổ xẻ, bình luận, chỉ trích mà không cần biết nguyên nhân, không cần nghe bất kỳ ai giải thích. Buồn cho những vị phụ huynh vì tình thương mà lấn át lý trí, vì thỏa mãn sự căm tức nhất thời mà không ngại vùi dập những người “làm cha, làm mẹ” thứ hai, buồn cho những nhà quản lý, ngày đêm miệt mài nghĩ ra hằng số những quy định, chuẩn mực để trói buộc, gò bó các thầy cô, họ sợ đối đầu với mạng xã hội và thay vào đó là những quyết định chớp nhoáng để mong “dư luận có thể yên”.

Những ngày vừa rồi, Bộ giáo dục và Đào tạo đưa ra hàng loạt quy định về chuẩn mới của giáo viên, quy định về cách xử lý kỷ luật với học sinh, lấy người học làm trung tâm, vì người học, mọi hình thức kỷ luật đã quá quen thuộc bị xem xét lại, thay đổi. Giáo viên bây giờ chắc chắn không còn được “đánh” học trò bằng thước kẻ; kỷ luật trước lớp, trước trường cũng không còn, đình chỉ học 1 tuần, 1 năm cũng mất nốt. Thay vào đó là phải ân cần, dịu dàng, phải lắng nghe, khuyên bảo, phải chăm sóc, dỗ dành,… tất cả vì một môi trường giáo dục lành mạnh, an toàn. Quy định là tốt nhưng áp dụng trong môi trường học tập hiện nay là cả một vấn đề. Một lớp 40, 50 học sinh là 40, 50 tính cách, không em nào giống em nào, ngoan thì thầy cô đỡ vất vả nhưng nếu có nhiều học sinh “cá biệt” thì vừa dạy vừa dỗ quả là một cực hình. Thầy cô giáo thì cũng là con người, biết mệt, biết vui, biết buồn, vẫn phải xoay quanh cơm áo gạo tiền, việc trên lớp xong thì về lo gia đình bao việc. Nói như vậy không có nghĩa là ủng hộ hành vi bạo lực như cô giáo H nhưng chúng ta phải hiểu cái gì cũng có nguyên căn và lý do vì sao có hành động bộc phát như vậy và sự việc có đến mức ghê gớm như cộng đồng mạng đưa tin.

Mạng xã hội bùng nổ, thầy cô giáo không chỉ đối mặt với mấy chục học sinh trên lớp giảng dạy mà họ còn bị rình rập bởi rất nhiều chiếc điện thoại sẵn sàng đưa thông tin lên mạng xã hội bất cứ lúc nào. Hồi năm ngoái, một giáo viên bị kỷ luật vì phụ huynh em này chia sẻ hình ảnh con mình bị cô giáo phạt quỳ trước bục giảng, hỏi ra mới biết do học sinh quá hỗn hào còn phụ huynh thì bênh con nên cố tình đưa thông tin lên mạng để hạ nhục cô giáo, thế nhưng “quỳ không chết, con hư thì mới chết”, liệu rằng vị phụ huynh đó muốn con quỳ trước bục giảng để trưởng thành hay trưởng thành phải quỳ ngoài xã hội? Hồi đầu năm vừa rồi, mạng xã hội cũng sục sôi lên án một cô giáo vì “không cho học sinh vào lớp, bắt đứng giữa trời nắng vì đi học sớm”, câu chuyện cũng do phụ huynh đăng lên, sau khi mạt sát cô giáo một hồi người ta mới vỡ lẽ rằng cô giáo bị oan, rằng vị phụ huynh nọ đã đưa con đến cổng trường, chụp ảnh, đưa con về và đăng lên mạng xã hội tố cáo, tất cả vì trước đó có “hằn học với cô giáo”.

Vụ việc cô giáo ở Hà Giang vừa rồi có lẽ cũng cần xem xét, vì sao cô giáo lại làm như vậy, đâu phải tự nhiên cô giáo lại đem học sinh ra đánh đòn? Một lớp hàng chục học sinh cùng mất trật tự, vì như chia sẻ của cô giáo, đó là một lớp có nhiều học sinh cá biệt, nên ngoài dỗ dành, khi cần thiết đòn roi cũng cần phải áp dụng. Liệu rằng chúng ta đã quá nghiệt ngã khi chỉ nhìn những thông tin có trên mạng, bỏ qua cảm nhận của các thầy cô và xử phạt một cách vùi dập người dạy? Các cụ ta có câu “thương cho roi cho vọt”. Mình cảm thấy may mắn vì sinh ra trong một thời kỳ mà cha mẹ sẽ cảm ơn thầy cô vì đã đánh con mình vài roi. Đi học nếu nghe con kể mình bị cô đánh thì có khi bố mẹ sẽ đánh thêm cho, có hư thì cô mới đánh đòn. Không có điện thoại thông minh, không có rèm pha dư luận xã hội, cha mẹ kính trọng thầy cô, một điều gọi “thầy”, hai điều gọi “cô” cho dù cô ít tuổi hơn cha mẹ. Giáo dục thành công là nhờ vào sự kính trọng, người học kính trọng người dạy, người dạy kính trọng nghề nghiệp và phụ huynh kính trọng các thầy cô.

Học sinh bây giờ có quá nhiều quyền, sắp tới đây có lẽ còn có quyền “đem điện thoại lên lớp để phục vụ học tập” nữa, rồi đây, trên bục giảng giáo viên sẽ phải đeo chiếc mặt nạ luôn nở nụ cười trước những chiếc ống kính camera của học sinh tìm mọi cách quay, chụp và đưa lên mạng xã hội. Điều đáng sợ nhất không phải là chiếc điện thoại mà là dư luận xã hội, điều đáng sợ là khi đối mặt với dư luận và sự quay lưng của những người quản lý, các thầy cô giáo sẽ thu mình lại, đến trường chỉ để dạy học cho xong nhiệm vụ, không còn thiết tha với sự nghiệp trồng người. Lúc bây giờ, chính dư luận xã hội, chính những nhà “cải cách giáo dục” phải nhớ – họ là những kẻ đã biến các thầy cô thành chiếc máy dạy học vô tâm.

HVPCPD

*Bài viết thể hiện quan điểm và văn phong riêng của tác giả 

Đọc nhiều