419
category
407530

Một bức ảnh và “những” sự thật trên mạng xã hội

Hải Anh 07/07/2020 17:02

Mới đây, bức ảnh 3 người đàn ông đứng bên xe ô tô của Tỉnh ủy Nghệ An bấm điện thoại, để nạn nhân nằm gục trên đường gây nhiều tranh cãi trên mạng xã hội. Phần lớn bình luận chê trách hành động này của 3 cán bộ. Kỳ thực, khi nhìn bức ảnh 3 người trên xe đứng bấm điện thoại, bỏ mặc nạn nhân nằm giữa đường, thật khó mà kìm được sự phẫn nộ. Tuy nhiên, chúng ta không thể nhìn phiến diện rồi đánh giá theo cảm quan của mình. Vì sao ư?

Trước đó, sáng 2-7, xe công hiệu Toyota Fortuner 37A-003.49 (của Ủy Ban kiểm tra Tỉnh ủy Nghệ An quản lý) chạy theo hướng trung tâm TP Vinh – sân bay Vinh (TP Vinh, Nghệ An) va chạm với xe máy điện 37MĐ2-169.71. Cú va chạm mạnh khiến cháu bé đi xe máy điện là Bùi Thị T.T. (15 tuổi, trú xã Nghi Phú, TP Vinh, Nghệ An) bị văng ra đường. Xe ô tô và xe máy điện đều bị hư hỏng.

Ngay sau khi xảy ra vụ tai nạn, mạng xã hội xuất hiện hình ảnh ba người đàn ông đứng bên chiếc xe ô tô và cô gái nằm gục một mình trên đường nhựa trong thời tiết nắng nóng gay gắt. Có người đặt câu hỏi “sao để nạn nhân nằm một mình, ba người cùng cầm điện thoại mà không có người nào đến hỏi thăm, che nắng cho nạn nhân?…

Cần tỉnh táo trước tai nạn và trước cả những cơn cuồng nộ trên MXH!

Kỳ thực, đó là điều mà tôi rút ra được khi đọc những thông tin xung quanh về vụ TNGT mới xảy ra ở Nghệ An. Sau sự việc xảy ra, trên mạng xã hội xôn xao hình ảnh 3 cán bộ của UBKT Tỉnh ủy sau khi gây tai nạn thì dùng điện thoại để mặc nạn nhân nằm ở giữa đường.

Sau cơn phẫn nộ của cộng đồng mạng, trả lời báo chí, ông Bùi Thanh An, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Nghệ An cho biết: Hình ảnh chỉ là một khoảnh khắc. Ngay sau khi xảy tai nạn, ba cán bộ trên xe vừa bước xuống thì vội rút điện thoại ra gọi xe cấp cứu 115. Ngay sau đó ít phút xe cấp cứu đến kịp thời đưa cháu bé đi cấp cứu.

Thế nhưng, câu giải thích của ông An còn một số điểm mâu thuẫn vì đặt giả thiết, tại sao việc gọi điện thoại cấp cứu phải tận 3 người gọi? Đặc biệt, là phải để ngay vật cảnh báo cho các phương tiện giao thông khác đang lưu thông trên đoạn đường đó, để tránh tai nạn chồng tai nạn như đã xảy ra ở không ít vụ TNGT. Chính vì thế, sự bất bình của dư luận trước những hình ảnh chia sẻ trên mạng xã hội cũng là điều dễ hiểu.

Tuy nhiên, suy nghĩ kỹ hơn, đặt bản thân vào hoàn cảnh của những người gây ra tai nạn thì có thể họ đang nỗ lực gọi điện thoại cho xe cấp cứu hoặc do không biết cách sơ cứu nên sợ gây nguy hiểm cho nạn nhân.

“Đang đi giữa đường lấy gì mà che. Tâm lý của người bị tai nạn luôn hoảng loạn, có phải ai cũng bình tĩnh để xử lý đâu, điều dễ nhất là alo cho 115, 113, người nhà”, tài khoản Hồng Nhung bình luận.

Còn tài khoản khác cho rằng: “Thứ 1, lấy xe đâu mà chở nên họ đang gọi 115. Thứ 2, trường hợp bị nặng thế này phải chờ xe cứu thương đến để vận chuyển lên cáng đúng kỹ thuật để tránh ảnh hưởng não và cột sống”.

Tài khoản N.Đ.T. nêu ý kiến: “Biển xanh hay biển trắng cũng là con người. Chụp chỉ 1/10s, ấn lúc đó nó vậy. Ấn sau 2s nó khác rồi. Đặt trường hợp mình vào đó chắc gì đã hơn người ta”.

Bình luận của một số tài khoản trên mạng không phải là không có lý bởi theo khuyến cáo của các nhân viên Cấp cứu 115, thì việc cần làm đầu tiên của những người có mặt tại hiện trường tai nạn là gọi người ứng cứu và cấp cứu 115 nơi gần nhất: mô tả chính xác địa chỉ xảy ra tai nạn; tình trạng thương vong của các nạn nhân và bình tĩnh trả lời những câu hỏi của họ… Không được tắt điện thoại trước, sau đó luôn để điện thoại ở chế độ chờ cuộc gọi cho đến khi cấp cứu 115 có mặt.

Nếu hiện trường không có nguy cơ gây thêm tai nạn thì không di chuyển nạn nhân khi chưa tiến hành sơ cứu. Không được di chuyển nạn nhân khi tình trạng chưa ổn định, chi gãy, cột sống tổn thương chưa được cố định.

Những bài đăng của các đối tượng phản động, phần lớn cộng đồng mạng đang bị chúng đẩy sự thật sang một chiều hướng khác, hạ bệ và nói xấu cán bộ.

Chớ nên để các đối tượng chống phá “dắt mũi”

Thực tế, trước các vụ tai nạn, trước các thông tin trên MXH, để có ích cho nạn nhân và có ích cho chính mình, việc cần thiết nhất vẫn là sự bình tĩnh và tỉnh táo. Sự vội vã thiếu chuyên môn sơ cấp cứu có thể làm đau đớn thêm, thậm chí nguy hiểm tính mạng cho các nạn nhân. Và cũng chính sự mất bình tĩnh, mất tỉnh táo trong phán xét, bày tỏ thái độ trên mạng đôi khi không chỉ làm đau lòng những người đó, mà còn làm nhiễu loạn dư luận, rối loạn xã hội.

Chưa thể khẳng định được những hành động của 3 cán bộ là đúng hay sai nhưng dường như với những bài đăng của các đối tượng phản động, phần lớn cộng đồng mạng đang bị chúng đẩy sự thật sang một chiều hướng khác, hạ bệ và nói xấu cán bộ.

Thiết nghĩ, chúng ta cũng đừng vì 1 bức ảnh ghi lại 1 khoảnh khắc mà nhìn phiến diện đánh giá cả quá trình diễn biến sau đó để rồi có những bình luận, chỉ trích thái độ thái quá. Người gây ra tai nạn ấy, dù họ là cán bộ hay là ai đi nữa thì họ cũng đơn giản chỉ là những con người bình thường, cũng là những công dân bình đẳng với chúng ta.

Đừng để những âm mưu thâm độc của những đối tượng chống phá dắt mũi chúng ta, vì thực tế những đối tượng ấy chỉ muốn phá hoại, lợi dụng sơ hở để kích động. Vậy nên, hãy để pháp luật xử lí sai phạm của các công dân, hãy để lương tâm phán xử những con người, trước khi chúng ta có những góp ý xác đáng và tích cực vào mọi vụ việc. Hiện, vụ tai nạn đang được cơ quan công an làm rõ đúng sai.

Hải Anh

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Đọc nhiều