Môn Lịch sử và những tín hiệu mừng sau một kỳ thi
Vừa qua, khi điểm thi tốt nghiệp THPT được công bố, các nhà quản lý giáo dục cũng như phụ huynh, học sinh cả nước đã có thêm cơ sở để nhìn nhận lại hiệu quả của việc tiếp cận môn Lịch sử theo hướng mới.
Theo công bố, trong gần 660.000 thí sinh dự thi, thì đã có hơn 532.000 em đạt điểm trên trung bình (từ 5 điểm trở lên), chiếm 80,66%. Điểm trung bình môn Lịch sử là 6,34, cao hơn khoảng 1,4 điểm so với mức 4,97 của năm ngoái. Chỉ có 83 điểm liệt (chiếm 0,01%), so với 540 điểm liệt của kỳ thi trước, dù số thí sinh thi Sử năm 2022 tăng 23.000 em.
Nhìn lướt qua các con số thống kê trên, phần lớn các chuyên gia giáo dục bày tỏ sự lạc quan với khả năng thu hút học sinh chủ động học tập môn Lịch sử trong các năm học kế tiếp.
Thực tế là từ nhiều năm nay, môn Lịch sử là một nỗi trăn trở lớn, khi liên tục có nhiều chuyện cười ra nước mắt, kiểu như: “Lý Công Uẩn là ai vậy? Cháu chưa bao giờ nghe tên này!”, hay “Quang Trung và Nguyễn Huệ là 2 người khác nhau”… được người trẻ phát ngôn một cách ngây ngô, nhưng khiến nhiều người giật mình.
Việc dạy và học môn lịch sử đã qua giai đoạn chỉ việc ghi nhận thông tin trong sách giáo khoa, học cho thuộc, đi thi và quên. Giờ đây, với cách nhìn nhận thực tế hơn, có tính giáo dục hơn, các nhà quản lý giáo dục đã bắt đầu tập trung tìm ra phương cách để khơi dậy tính tự giác, chủ động hành động từ đối tượng tiếp nhận môn học.
Học sinh trong nhiều trường trung học trong 3 năm gần đây đã từng bước được học Lịch sử một cách hào hứng hơn, vì giáo viên của các em bắt đầu thay đổi cách giảng dạy. Một số trường đã thay việc học sinh ngồi thụ động nghe giảng bằng việc để các em đến bảo tàng, gặp gỡ nhân chứng lịch sử, viết luận, làm clip về lịch sử, xem phim lịch sử… thay cho các bài kiểm tra thuộc lòng khô khan đầy sự kiện trước đây.
Kết quả, từ 2018 đến 2022, tỷ lệ học sinh lựa chọn thi tốt nghiệp THPT bằng tổ hợp Khoa học xã hội, trong đó có môn Sử luôn ở mức cao, trên 50% ở bình diện chung, trên 70% đối với các trường THPT lớn ở Hà Nội, TPHCM.
Dù vẫn cần phải thay đổi rất nhiều trong cách tiếp cận môn Lịch sử nhưng khi các cấp quản lý giáo dục cơ sở như Tổ bộ môn, Ban Giám hiệu nhà trường thay đổi tư duy giảng dạy và cách đánh giá kết quả môn học, kiên trì theo đuổi định hướng này thì cũng nhận được hướng dẫn, ủng hộ rất nhiều. Đó tháo gỡ về mặt hành chính từ các phòng ban chuyên môn của Phòng Giáo dục, Sở Giáo dục các địa phương. Từ đó, có thể hy vọng một chuyển biến tích cực mang tính hệ thống trong việc học và giảng dạy môn Lịch sử trong thời gian tới. Một khi, môn Lịch sử hấp dẫn, gần với đời sống, truyền được cảm hứng hơn, tự khắc sẽ được học sinh quan tâm, chủ động tìm hiểu.
Ngày 11/7, khi Bộ Giáo dục và Đào tạo xác nhận Lịch sử sẽ trở thành môn học bắt buộc với thời lượng 52 tiết/năm học, không ít người đã vui vì môn Lịch sử được xem trọng. Nhưng với kết quả điểm môn Lịch sử trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua thì nhiều người càng vui hơn vì học sinh đã dần có sự đầu tư, tập trung cho môn học này.
“Dân ta phải biết sử ta, cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Lịch sử góp phần làm nên văn hóa dân tộc, hình thành tình yêu quê hương đất nước, trân quý giá trị độc lập, tự chủ hiện tại. Vì vậy, khi học sinh tự nguyện, chủ động học Lịch sử, thấm nhuần lịch sử đất nước thì đó chính là phần thưởng lớn nhất đối với người làm công tác quản lý giáo dục.
Phạm Khoa