Sự ra đời và phát triển của không gian mạng có những tác động tích cực đến nhiều lĩnh vực trong đời sống xã hội. Tuy nhiên, không gian mạng cũng đặc biệt ẩn chứa nhiều nguy cơ, thách thức, khi đây là nơi ra đời của một hoạt động mới: “Gián điệp mạng”. Ở thời thế hiện tại, Chính phủ Mỹ đang ngày càng lo sợ Trung Quốc đẩy mạnh thực hiện các cuộc tấn công mạng. Nỗi lo sợ trên hoàn toàn có cơ sở khi Trung Quốc đã học được các kỹ thuật gián điệp từ… chính tay người Mỹ.
Người ta sẽ còn nói rất nhiều về cuộc cạnh tranh chiến lược Trung – Mỹ từ quân sự, ngoại giao, kinh tế, thương mại và cả những “cuộc chiến” cam go trên không gian ảo mang tên “tấn công mạng”.
Một trong những vấn đề đang gây nhức nhối cho mối quan hệ Trung – Mỹ là các cáo buộc về gián điệp mạng. Theo giới chức Mỹ, trong những năm gần đây, tin tặc Trung Quốc đã đột nhập mạng máy tính của nhiều doanh nghiệp Mỹ, đánh cắp nhiều tài sản trí tuệ và bí mật thương mại, gây thiệt hại cho nền kinh tế Mỹ mỗi năm lên tới hơn 250 tỷ USD.
Còn về phía mình, Trung Quốc cũng đã cáo buộc Mỹ thực hiện “hàng chục nghìn” cuộc tấn công mạng và đánh cắp dữ liệu nhạy cảm. Đáng chú ý, nhiều mã độc Trojan được cho là do Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) cài đặt đã được phát hiện trong hàng trăm hệ thống thông tin quan trọng ở Trung Quốc.
Ông Robert Hannigan – cựu lãnh đạo Cơ quan Tình báo tín hiệu Anh (GCHQ) – nhận định, việc các tin tặc có liên quan tới Nhà nước Trung Quốc đánh cắp sở hữu trí tuệ từ các trường đại học và các công ty kỹ thuật lớn đã có lịch sử lâu đời.
Theo “nghệ thuật chiến tranh”, chính luận quân sự Trung Quốc cổ đại nói rằng việc sử dụng gián điệp khéo léo có hiệu quả hơn là triển khai một lượng lớn quân đội, và mô tả cách sử dụng trí thông minh của con người, hay “humint” – sử dụng các đặc vụ bí mật – để tìm hiểu các động thái của đối thủ.
Tuy nhiên, ngày nay, việc sử dụng các điệp viên bí mật phần lớn đã được thay thế bằng các kế hoạch gián điệp sử dụng phần cứng hoặc phần mềm điện tử. Việc cài đặt các chức năng gián điệp trong phần cứng và phần mềm đã ngày càng phát triển khi máy tính cá nhân trở nên phổ biến.
Trong những năm gần đây, không gian mạng đã phát triển trở thành một lĩnh vực quan trọng của quan hệ quốc tế, giống như biển cả và không gian vũ trụ trong những thế kỷ trước. Không gian mạng có thể còn quan trọng hơn đối với các mối quan hệ quốc tế trong tương lai vì nó mang tính toàn cầu, không dễ phân chia thành các phạm vi trong nước và quốc tế, và tham gia hầu hết các hoạt động của đời sống con người.
Mỹ đã đi đầu trong cuộc cách mạng này ngay từ ngày đầu tiên. Trung Quốc là nước đi sau đáng kể, nhưng họ đang nhanh chóng bắt kịp. Đây không phải là một sự tình cờ mà là kết quả của một chiến lược có ý thức của Trung Quốc.
Trong những năm gần đây, giới lãnh đạo Trung Quốc nói chung đã rất nỗ lực để ghi nhận và phân tích những phát triển trong lĩnh vực không gian mạng, để nêu rõ quan điểm của Trung Quốc về quản trị không gian mạng với các đặc trưng của nước này. Và sau đó là thúc đẩy phát triển tư tưởng chiến lược “nhạy bén nắm bắt cơ hội lịch sử để phát triển không gian mạng trong nỗ lực tăng cường sức mạnh của đất nước”.
Các nhà lãnh đạo nhấn mạnh vai trò trung tâm của mặt trận này đối với sự phát triển của Trung Quốc, lưu ý rằng, “Sự phát triển của không gian mạng cần đóng góp cho động lực của Trung Quốc phát triển một nền kinh tế hiện đại hóa và đạt được sự phát triển chất lượng cao, và theo mô hình mới của công nghiệp hóa, đô thị hóa và hiện đại hóa nông nghiệp”.
Do đó, Trung Quốc dường như quyết tâm không bị bỏ lại phía sau trong không gian mạng. Về phần mình, Mỹ cho thấy quyết tâm không kém trong việc duy trì và tận dụng lợi thế trong lĩnh vực quan trọng này, cả về chính trị – an ninh và kinh tế – công nghiệp. Và sự cạnh tranh này rõ ràng đang tác động nhưng cũng bị ảnh hưởng bởi những căng thẳng rộng lớn hơn trong mối quan hệ thương mại Mỹ -Trung, vốn đã có những bước ngoặt mạnh mẽ trong thời gian gần đây.
Theo ông Greg Austin, tác giả của một báo cáo do Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) công bố hồi năm ngoái, Mỹ vẫn là nước đứng đầu thế giới về không gian mạng và có khả năng giữ vị trí này trước Trung Quốcít nhất cho đến năm 2030, cho dù Trung Quốc đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong củng cố năng lực không gian mạng kể từ năm 2014, nhưng vẫn chưa “đủ để thu hẹp khoảng cách” với Mỹ.
Thực hiện: Bảo Trâm
Đồ họa: M.N