‘Mối nguy hiểm’ từ việc Philippines ủng hộ Trung Quốc tìm cách sửa đổi UNCLOS
Giới chuyên gia hàng hải vừa cảnh báo về những mối “nguy hiểm” từ việc Philippines mới đây tuyên bố đứng về phía Trung Quốc trong việc tìm cách sửa đổi Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), theo CNN.
Hôm 4.9, Ngoại trưởng Philippines Tedoro “Teddy Boy” Locsin, Jr. tuyên bố nước này “hiện nay đứng về phía Trung Quốc trong việc xem xét lại UNCLOS”. Tuyên bố được đưa ra sau khi Bắc Kinh đồng ý xin phép Manila khi cho tàu đi qua vùng biển Philippines theo yêu cầu của Tổng thống Rodrigo Duterte. Trước đó, chính quyền Manila phản đối tình trạng tàu chiến Trung Quốc xuất hiện nhiều lần ở vùng biển Philippines trong thời gian từ tháng 2-8 mà không thông báo trước.
Giáo sư Renato De Castro thuộc Khoa nghiên cứu quốc tế của Đại học De La Salle ở Manila khẳng định với CNN đây là lần đầu tiên chính quyền Tổng thống Duterte bày tỏ ý định muốn UNCLOS được xem xét lại.
Tuy nhiên, ông cảnh báo rằng nếu ủng hộ lập trường của Trung Quốc là tàu nước ngoài phải thông báo trước khi vào vùng biển nước khác, Manila có nguy cơ trở nên đối đầu với Mỹ và các đồng minh của Washington, vốn tin rằng quyền đi qua không gây hại trong lãnh hải là tuyệt đối.
Ngoài ra, chuyên gia Gregory Poling, giám đốc Chương trình sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ) cảnh báo: “Sự khác biệt giữa hai nước về công ước lớn hơn nhiều và đại diện cho mối đe đọa rõ ràng đối với lợi ích của Philippines”. Ông giải thích: “Trung Quốc muốn mở rộng định nghĩa về vùng biển lịch sử và quyền lịch sử để cho phép nước này đòi những quyền đặc biệt ở Biển Đông. Điều này sẽ khiến vùng đặc quyền kinh tế của Philippines không còn là vùng đặc quyền nữa, có nghĩa nước này phải chia sẻ nguồn tài nguyên với Trung Quốc”.
Trung Quốc lâu nay khăng khăng có quyền yêu sách đối với gần toàn bộ Biển Đông dựa trên đường lưỡi bò lịch sử phí lý mà phán quyết ngày 12.7.2016 của tòa trọng tài quốc tế đã bác bỏ. Bắc Kinh phủ nhận phán quyết này.
Theo ông Poling, một trong số các điều khoản Bắc Kinh có thể muốn xem xét lại là Điều 121 của UNCLOS, quy định những bãi đá không có người ở thì không có EEZ hay thềm lục địa. Đây là điều khoản Philippines đã sử dụng để vạch trần luận điệu về chủ quyền của Trung Quốc đối với các đá Gạc Ma, Châu Viên và Chữ Thập trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố toàn bộ quần đảo Trường Sa là một phần lãnh hải, EEZ và thềm lục địa của mình.
Ông Poling cho rằng Philipines và Trung Quốc không thể chỉ chọn một vấn đề nhỏ là yêu cầu các tàu thông báo trước mà sau đó sẽ tìm cách thay đổi toàn bộ UNCLOS.
Mặt khác, hai ông Poling và De Castro đều cho rằng UNCLOS khó có thể được xem xét lại vì không có nhiều nước khác ủng hộ. Philippines và Trung Quốc lần lượt ký UNCLOS vào năm 1982 và 1994. Philippines đã viện dẫn UNCLOS trong vụ kiện Trung Quốc về yêu sách đường lưỡi bò phi lý của nước này ở Biển Đông.
Văn Khoa/Thanh Niên