419
category
393267

Mỗi người dân là một “chiến sĩ” chống lại âm mưu của Trung Quốc

sông trà 14/05/2020 17:58

“Bản thân chúng tôi là người Việt Nam, dù có làm việc cho công ty của nước nào thì chúng tôi vẫn luôn đặt lòng tự tôn dân tộc lên hàng đầu. Chúng tôi không muốn bất cứ cá nhân hay tập thể nào lợi dụng lòng tin của người Việt để lan truyền những nội dung phi pháp, có ảnh hưởng đến nước Việt Nam, nhất là trong bối cảnh tình hình biển Đông đang phức tạp”

Đó là lời của một nhân viên công ty Bayer Việt Nam xung quanh thông tin lãnh đạo Công ty chia sẻ một tài liệu với tiêu đề: “COVID-19, bài học đến từ Trung Quốc – Chia sẻ bởi Michelle Han” có in hình “đường lưỡi bò” phi pháp khiến cộng đồng mạng “dậy sóng” phản đối.

Tổng Giám đốc Bayer Việt Nam “vô tình” tuyên truyền tài liệu có “đường lưỡi bò” vi phạm chủ quyền biển đảo Việt Nam

Điệp khúc chiêu trò “đường lưỡi bò”

Tài liệu này được chia sẻ vào ngày 27/4/2020, bởi email cá nhân của bà Lynette Moey Yu Lin – Tổng Giám đốc Bayer Việt Nam.  Được biết, bà Lynette Moey Yu Lin có quốc tịch Malaysia, gốc Trung Quốc, hiện đang giữ chức vụ Tổng Giám đốc Công ty Bayer Việt Nam.

Liên quan đến vấn đề này, đại diện truyền thông của Bayer Việt Nam cho rằng, đó là sơ suất không hề muốn.”Giữa tình hình dịch bệnh phức tạp, Tổng Giám đốc của Bayer Việt Nam chỉ muốn chia sẻ những cái hay mà Trung Quốc đã áp dụng để chống dịch. Đó là tài liệu của những người bạn, chuyên gia ở Trung Quốc, thấy hay nên Tổng Giám đốc Bayer Việt Nam đã lưu và muốn chia sẻ đến mọi người. Trong những tài liệu có sẵn, không may sơ suất để xuất hiện hình “đường lưỡi bò”. Tuy nhiên, khi phát hiện, Tổng Giám đốc cũng đã yêu cầu chúng tôi thu hồi, xử lý ngay lập tức”, đại diện truyền thông Bayer Việt Nam nói.

Theo phản ánh của các nhân viên thuộc Văn phòng Bayer Việt Nam, việc chia sẻ các file tài liệu đến từ các quốc gia trên thế giới là việc mà bà Lynette Moey Yu Lin thường xuyên duy trì trong quá trình làm việc. Nhưng đây là lần đầu tiên mà bà Lynette Moey Yu Lin chia sẻ một tệp tài liệu có chứa nội dung phi pháp như vậy.

Thực tế, đây không phải lần đầu, lần hai… “đường lưỡi bò” xuất hiện ở Việt Nam. Kể từ khi chính phủ Trung Quốc đưa ra “đường 9 đoạn” hay còn gọi là “đường lưỡi bò” phi lý trên biển Đông, nhiều doanh nghiệp (DN) trong nước của Trung Quốc đã đưa bản đồ có hình “đường lưỡi bò” vào sản phẩm của mình từ công nghệ đến giải trí.

Mới đây, 28/4/2020, dư luận khá bàng hoàng khi thông tin Công ty TNHH liên hợp đầu tư Thâm Việt trong quá trình xây dựng, đầu tư KCN An Dương (Hải Phòng) đã lập mô hình giống “đường lưỡi bò” trong vị trí quy hoạch công viên cây xanh.

Trước đó, vào tháng 10/2019, Bộ VH-TT-DL đã phải xử lý những sai sót liên quan đến việc thẩm định, cấp phép phổ biến phim “Everest – Người tuyết bé nhỏ” vì có hình ảnh “đường lưỡi bò”. Chuyện xử lý vi phạm trong phim “Everest – Người tuyết bé nhỏ” chưa kịp nguội, không lâu sau đó lại tiếp thêm vụ ôtô có bản đồ “đường lưỡi bò” được chào bán tại Việt Nam.

Tháng 11/2019, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phát đi thông báo đến các đơn vị thành viên về việc phát hiện bản đồ “đường lưỡi bò” trong phần mềm theo dõi vận hành điện mặt trời ở phía Nam.

Hoặc, “đường lưỡi bò” phi pháp cũng đã len lỏi xuất hiện trong cả giáo trình của Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội (được sử dụng cho giảng viên, sinh viên Khoa Trung – Nhật)

Công ty TNHH MTV dịch vụ lữ hành Saigontourist (gọi tắt là Saigontourist) đã sử dụng ấn phẩm quảng bá du lịch in hình “đường lưỡi bò”. Vụ việc này phía Saigontourist đã thanh minh là hành vi không cố ý. Từ sự cố này, Saigontourist đã ngưng hợp tác với đối tác Trung Quốc..v..v.

Tuy nhiên, cái gọi là “đường lưỡi bò” đã bị tòa trọng tài quốc tế bác bỏ vào năm 2016. “Ngay cả các luật sư quốc tế Trung Quốc cũng biết rằng đường lưỡi bò không có cơ sở trong luật quốc tế”- Tiến sĩ Zachary Abuza, nhà nghiên cứu về chính trị và an ninh Đông Nam Á tại Đại học Chiến tranh Quốc gia ở Washington D.C. nói.

Cảnh giác với dã tâm bất tận của Trung Quốc

Xin khẳng định, “đường lưỡi bò” được xem là một dã tâm bất tận của Trung Quốc ở Biển Đông. Vì vậy, không chỉ các nhà lãnh đạo, quản lý chuyên ngành, mà bất kỳ người dân Việt Nam nào cũng cần phải nâng cao trách nhiệm, đấu tranh, cảnh giác với chiến lược “đường lưỡi bò” của người Trung.

Còn nhớ, hồi tháng 05/2009, Trung Quốc tiếp tục lộ rõ tham vọng độc chiếm Biển Đông với việc đệ trình lên Liên Hiệp Quốc tấm bản đồ “đường 9 đoạn” (hay còn gọi là đường lưỡi bò). Theo đó, Trung Quốc đưa ra yêu sách chủ quyền đối với khoảng 2 triệu km2 diện tích biển và 13 km2 diện tích đất trên Biển Đông, bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và bãi cạn Scaborough.

Tức là, với đường lưỡi bò, Trung Quốc đưa ra yêu sách “đường chín đoạn” hay “đường lưỡi bò” để tuyên bố chủ quyền đối với khoảng 80% diện tích Biển Đông, bao gồm các nhóm thực thể nói trên và vùng biển lân cận.

Thời gian gần đây, Trung Quốc đã âm mưu dùng “Tứ Sa” để thay thế “đường lưỡi bò”. “Tứ Sa” bao gồm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam (Bắc Kinh gọi tương ứng là Tây Sa và Nam Sa), bãi ngầm Macclesfield và bãi cạn Scarborough mà Bắc Kinh gộp chung gọi là “quần đảo Trung Sa”, cùng nhóm đảo Pratas mà Bắc Kinh gọi là “quần đảo Đông Sa”.

Nói thẳng ra, trước sự phản đối gay gắt của cộng đồng quốc tế và các nước có lợi ích trực tiếp bị “lưỡi bò” liếm vào chủ quyền. Trung Quốc đưa ra “Tứ Sa” để những yêu sách của họ về vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa đối với “Nam Hải chư đảo” có vẻ “phù hợp hơn” với ngôn ngữ của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982, hòng tránh sự chỉ trích.

Tuy vậy,  về bản chất, hai yêu sách này chỉ là “bình mới rượu cũ”. Thông qua việc kết luận rằng các nhóm đảo thuộc “Tứ Sa” có đầy đủ các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán rộng đến 200 hải lý, Trung Quốc vẫn đang yêu sách các vùng biển mà ghép lại sẽ có phạm vi gần như không khác biệt, thậm chí còn rộng hơn, so với vùng biển bên trong “đường lưỡi bò”.

Dưới góc nhìn chuyên gia, Ths. Hoàng Việt – thành viên Quỹ Nghiên cứu biển Đông nhấn mạnh, sự xuất hiện của “đường lưỡi bò” phi pháp trên các thiết bị, ấn phẩm, hàng hóa không phải là ngẫu nhiên. Đó là chiến lược của Trung Quốc nhằm tuyên truyền sai trái về vấn đề chủ quyền trên Biển Đông.

“Cơ quan nhà nước cần nhanh chóng đưa ra những công bố, hướng dẫn người dân cảnh giác đối với sự xuất hiện của “đường lưỡi bò” phi pháp trên các thiết bị, hàng hóa của Trung Quốc. Sau công bố này, cơ quan nào không thực hiện rà soát, kiểm tra mà để “đường lưỡi bò” phi pháp xuất hiện sẽ bị xử phạt nghiêm khắc.

Ngược lại, cũng có chế độ trao thưởng đối với các cá nhân, tổ chức phát hiện ra thông tin tuyên truyền sai trái về chủ quyền của Trung Quốc. Tôi cho rằng, cách này sẽ hiệu quả hơn nhiều so với việc lập ra một đội ngũ chuyên đi tìm kiếm” – Ths. Hoàng Việt nói.

Từ thực tế trên, có thể thấy, hiện nay trên nền tảng công nghệ thông tin, cho phép thực hiện các hình thức chiến tranh mới trên không gian mạng và cả chiến tranh tâm lý nữa. Đây là một mặt trận mới và rất nguy hiểm. Trung Quốc rất biết cách phát triển các chiến thuật mới, nhằm cài đặt hình ảnh “đường lưỡi bò”, thể hiện những yêu sách phi lý, bất hợp pháp của họ về vấn đề Biển Đông.

Chính vì vậy, nói như Ths Hoàng Việt thì mỗi người dân, mỗi công ty, mỗi cơ quan nhà nước đều là những “chiến sĩ” tham gia vào mặt trận chống lại âm mưu của Trung Quốc”.

Sông Trà

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Đọc nhiều