128027
category
423631

Mối lo từ việc Trung Quốc liên tục tập trận

26/08/2020 09:28

Việc Trung Quốc liên tục tập trận ở nhiều vùng biển trong những ngày qua đặt ra những lo ngại về sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc ở nước này, dẫn đến các diễn biến khó lường cho khu vực. 

Nhằm nhiều mục tiêu

Trả lời PV ngày 25.8, GS Yoichiro Sato (chuyên về quan hệ quốc tế, Đại học Ritsumeikan Asia Pacific, Nhật Bản) phân tích: “Trong tháng này, Trung Quốc tiến hành một loạt cuộc tập trận ở biển Hoa Đông gần Đài Loan thì thông điệp nhằm phản ứng chuyện Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ nhân sinh Mỹ Alex Azar thăm Đài Bắc”.

Trong khi đó, theo GS Sato, việc Bắc Kinh vừa qua loan báo cuộc tập trận bắn đạn thật ở Hoàng Hải nhằm phản ứng cuộc tập trận chung Mỹ – Nhật.

“Vốn dĩ, Washington và Tokyo tổ chức cuộc tập trận chung nhằm ngăn chặn lực lượng tàu cá hùng hậu của Trung Quốc tràn xuống biển Hoa Đông ở khu vực xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà Trung Quốc và Nhật Bản tranh chấp. Sau thời gian Trung Quốc tự ban hành lệnh cấm đánh bắt cá thường niên (kết thúc vào ngày 16.8) ở một số vùng biển như Hoa Đông và Biển Đông, lực lượng tàu cá của nước này từ giữa tháng 8 bắt đầu quay lại các vùng biển gây không ít quan ngại”, ông Sato nhận định.

Tuy nhiên, theo ông thì Trung Quốc chủ yếu chỉ muốn “lên tinh thần” trong nội bộ. “Khi Mỹ – Nhật tập trận, Trung Quốc tuy tiến hành tập trận để phản ứng, nhưng Bắc Kinh thực tế đã chỉ đạo lực lượng tàu cá không đi vào vùng biển xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Điều này cho thấy Trung Quốc dù muốn giữ vững vị thế, nhưng thực tế cũng không muốn gây nên căng thẳng với Mỹ và Nhật Bản”, GS Sato đánh giá và nhận xét thêm rằng cuộc tập trận mà Trung Quốc tiến hành ở vùng Bột Hải lại cách xa khu vực hoạt động của hải quân Mỹ – Nhật, mang tính biểu tượng để thể hiện với dư luận trong nước nhằm khẳng định Bắc Kinh đủ khả năng đối mặt với các mối đe dọa của Washington.

Trực thăng chiến đấu và tàu đổ bộ của Trung Quốc trong một cuộc tập trận /// CHINAMIL
Trực thăng chiến đấu và tàu đổ bộ của Trung Quốc trong một cuộc tập trận

“Ngoài ra, cuộc tập trận này còn ẩn chứa một thực tế là Trung Quốc vẫn lo lắng việc Mỹ cấp tập tăng cường hoạt động quân sự”, ông Sato nhận định và nói thêm: “Trong loạt tập trận đang diễn ra, Trung Quốc cũng tiến hành ở Biển Đông. Và động thái này mang nhiều vấn đề đáng quan tâm khi hình chụp vệ tinh gần đây cho thấy tàu ngầm Trung Quốc di chuyển vào một căn cứ quân sự Du Lâm (đảo Hải Nam, Trung Quốc)”.

Sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc

Liên quan đến các diễn biến trên, trả lời PV, ông Greg Poling (Giám đốc Chương trình Sáng kiến minh bạch hàng hải – AMTI) thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ) nhận định việc Trung Quốc liên tục tập trận gần đây khá tương đồng với những gì nước này theo đuổi suốt nhiều tháng qua kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát.

“Giữa bối cảnh trải qua những khó khăn do Covid-19, Bắc Kinh dường như tìm mọi cách hướng theo chủ nghĩa dân tộc để giải quyết thách thức trong nước, bất chấp tình trạng căng thẳng về đối ngoại. Tình hình thực tế ở Biển Đông, biển Hoa Đông, biên giới Ấn Độ – Trung Quốc hay thậm chí là eo biển Đài Loan, Trung Quốc đang đối mặt tình hình khó khăn hơn nhiều. Khi các sự cố tuy không liên quan nhau lại liên tiếp xảy ra ở mức độ thường xuyên hơn, và Bắc Kinh lại có những phản ứng căng thẳng đáp trả, thì khiến các nước ở Đông Nam Á và lân cận trở nên bất đồng hơn với Trung Quốc. Cứ thế, tình hình lại càng căng thẳng hơn”, ông Poling đặt vấn đề.

Từ thực tế vừa nêu, chuyên gia này cũng lo ngại: “Thêm vào đó, trước áp lực ngày càng tăng từ Mỹ, chủ nghĩa dân tộc lại càng trỗi dậy ở Trung Quốc, nên tình hình căng thẳng và rủi ro xung đột càng trở nên khó lường hơn trong thời gian tới”.

Ứng viên Trung Quốc trúng cử thẩm phán Tòa quốc tế về luật Biển

Ngày 25.8, Tân Hoa xã đưa tin ông Đoàn Khiết Long vừa trúng cử trở thành thẩm phán của Tòa quốc tế về luật Biển (ITLOS).

Trước đó, trong email trả lời PV, đại diện ITLOS cho biết tòa này gồm 21 thẩm phán, được bầu chọn từ những ứng viên do các nước tham gia Công ước LHQ về luật Biển (UNCLOS) 1982 đề cử. Cuộc bầu chọn lần này có 10 ứng viên tham gia, được tiến hành để bổ sung 7 thẩm phán sắp hết nhiệm kỳ vào cuối tháng 9 tới đây.

Theo Tân Hoa xã, ông Đoàn là 1 trong số 6 người đã trúng cử, và 5 người còn lại là David J. Attard (Cộng hòa Malta), Ida Caracciolo (Ý), Maria Teresa Infante Caffi (Chile), Maurice Kengne Kamga (Cameroon) và Markiyan Kulyk (Ukraine). Một ghế còn khuyết dự kiến được bầu chọn trong hôm nay (26.8). Như vậy, liên tục từ năm 1996 đến nay, Trung Quốc luôn có đại diện trong số thẩm phán của ITLOS gồm Triệu Liên Hải (1996 – 2000), Từ Quang Kiếm (2001 – 2007) và Cao Chi Quốc (2008 – 2020).

Ngô Minh Trí/ TNO

Đọc nhiều