128036
category
348019

Mới 3 ngày, 70 người tại TP.HCM bị xử phạt vi phạm nồng độ cồn

Hồng Anh 03/01/2020 18:56

Sau 3 ngày thực hiện theo nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, CSGT TP.HCM đã xử phạt 70 trường hợp vi phạm nồng độ cồn.

Theo Phòng CSGT đường bộ – đường sắt (PC08), Công an TP.HCM, từ 0h ngày 1-1 đến 6h ngày 3-1, đã kiểm soát 872 trường hợp, lập biên bản 559 trường hợp, tạm giữ 44 máy, 1 ôtô, phạt tại chỗ 86 trường hợp với tổng số tiền phạt 13.130.000 đồng.

Trong đó, 70 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, 160 trường hợp vi phạm tốc độ, 37 trường hợp chạy ngược chiều và không chấp hành hiệu lệnh đèn, 3 trường hợp không đội nón bảo hiểm, 11 trường hợp không giấy phép lái xe.

CSGT TP.HCM xử phạt nồng độ cồn /// Ảnh: Trần Tiến
CSGT TP.HCM xử phạt nồng độ cồn

Cũng theo PC08, trong quá trình tuần tra, kiểm soát, xử lý các lỗi vi phạm, một số người dân vi phạm vẫn chưa tiếp cận được nghị định mới nên còn bỡ ngỡ. CSGT vừa làm nhiệm vụ vừa tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân hiểu rõ luật, chấp hành.

Đặc biệt, khi xử lý người vi phạm nồng độ cồn, CSGT thường vấp phải sự phản ứng, không hợp tác của người vi phạm.

Ghi nhận của phóng viên lúc 22h đêm 2-1, tổ công tác của Đội CSGT Hàng Xanh phát hiện anh Khấu Bình Luận (31 tuổi, ngụ Bến Tre) đang dừng đèn đỏ có biểu hiển say xỉn nên mời vào kiểm tra nhưng anh Luận không chấp hành hiệu lệnh, ngồi yên trên xe.

Sau khi thuyết phục, khoảng 5 phút sau anh Luận mới chấp hành đưa xe vào kiểm tra. Kết quả, anh Luận vi phạm nồng độ cồn ở mức 0.97mg/lít khí thở. Tổ công tác lập biên bản xử phạt, tạm giữ xe và giấy phép lái xe.

Khi nghe CSGT công bố số tiền phải đóng phạt và thời hạn giữ bằng lái, anh Luận phản ứng dữ dội, bất hợp tác với tổ công tác, không ký vào biên bản vi phạm rồi tự ý bỏ đi. Tổ công tác phải mời phường đến hỗ trợ niêm phong chiếc xe của anh Luận, đưa về trụ sở.

Tương tự, sau khi kiểm tra anh Nguyễn Hoàng Sang (25 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận), ghi nhận nồng độ cồn ở mức 0.41mg/lít khí thở và lập biên bản vi phạm, tạm giữ xe và bằng lái, anh này đã điện thoại gọi “người quen” nhờ can thiệp, xin bỏ qua nhưng tổ công tác kiên quyết xử lý.

Theo ghi nhận, nhiều trường hợp có biểu hiện say xỉn khi đến ngã tư thấy tổ công tác đang làm nhiệm vụ đã đối phó bằng cách xuống xe dẫn bộ qua khỏi chốt xong tiếp tục leo lên xe đi tiếp.

Theo PC08, để bảo đảm cho người dân vui chơi, đi lại được an toàn trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, đơn vị này đã chỉ đạo các đơn vị thuộc PC08 đồng loạt ra quân mở cao điểm tăng cường các biện pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông – trật tự xã hội trên địa bàn đơn vị đảm trách. Trong đó, tập trung thực hiện có hiệu quả các giải pháp phòng ngừa, hạn chế đến mức thấp nhất tai nạn giao thông xảy ra, đặc biệt là các vụ tai nạn giao thông liên quan đến nồng độ cồn.

3 ngày, 70 người tại TP.HCM bị CSGT xử phạt vi phạm nồng độ cồn - ảnh 1
CSGT kiểm tra nồng độ cồn.

Nghị định số 100 được ban hành thay thế nghị định số 46/2016/NĐ-CP, nghiêm cấm hành vi điều khiển phương tiện giao thông khi trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.

Đối với hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn, nghị định 100 quy định mức xử phạt cao nhất đối với người lái ôtô vi phạm từ 30-40 triệu đồng, tước quyền sử dụng bằng lái xe từ 22-24 tháng.

Đối với người lái mô tô, xe máy, mức phạt cao nhất từ 6-8 triệu đồng, tước quyền sử dụng bằng lái xe từ 22-24 tháng.

Với người chạy xe đạp, xe thô sơ mức phạt 400.000 – 600.000 đồng.

Nghị định 100 cũng tăng nặng mức xử phạt đối với các nhóm hành vi vi phạm có nguy cơ cao gây mất an toàn giao thông như: sử dụng chất ma túy, đi không đúng phần đường, làn đường, chạy quá tốc độ, đi ngược chiều, lùi xe trên đường cao tốc. Nghị định 100 bổ sung quy định về việc sử dụng thông tin, hình ảnh thu được từ thiết bị ghi âm, ghi hình của cá nhân, tổ chức cung cấp để làm căn cứ xác minh, phát hiện hành vi vi phạm…

Đọc nhiều