Modern Diplomacy: Việt Nam – ngôi sao sáng của Đông Nam Á
Trang Modern Diplomacy của Mỹ vừa có bài viết mô tả về hiện trạng quan hệ Việt Nam – Mỹ. Trong đó trích dẫn nhận định từ các nhà đầu tư Mỹ, đánh giá Việt Nam là một trong những ngôi sao sáng ở Đông Nam Á với tốc độ tăng trưởng vô cùng tích cực sau đại dịch.
Theo đó, quan hệ Việt Nam và Mỹ đã đang bước vào giai đoạn vô cùng tích cực, thông qua hàng loạt chuyến viếng thăm của các lãnh đạo Mỹ như: Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin, Phó Tổng thống Kamala Harris…
Theo Modern Diplomacy, Việt Nam là một trong những ngôi sao sáng ở Đông Nam Á với tốc độ tăng trưởng vô cùng tích cực, bất chấp những khủng hoảng do đại dịch. Đặc biệt, hàng loạt chuyến thăm của hai Tổng thống Mỹ Barack Obama vào năm 2016 và Tổng thống Trump vào năm 2019 đã cho thấy tầm ảnh hưởng địa chính trị ngày càng tăng của Việt Nam.
Hơn nữa, quan hệ quốc phòng giữa hai nước cũng ngày càng phát triển và trong 5 năm qua, thông qua việc Mỹ đã ủy quyền xuất khẩu quốc phòng hơn 32,3 triệu USD cho quân đội Việt Nam. Được biết, đây mới chỉ là một phần trong tổng số hơn 162 triệu USD hợp đồng mua bán quân sự với Việt Nam trong hai thập kỷ qua.
Trong năm 2022, dự kiến Việt Nam có thể được mời tham gia các cuộc tập trận với quân đội Mỹ và cũng có khả năng tạo điều kiện cho tàu sân bay Mỹ thăm các cảng của Việt Nam như đã từng xảy ra trong năm 2018 và sau đó là vào năm 2019.
Theo Modern Diplomacy, Mỹ cũng muốn để Việt Nam tham gia vào việc sản xuất, cung cấp vắc xin COVID-19 cho toàn thế giới, chi thêm hàng tỷ USD giúp Việt Nam phát triển cơ sở hạ tầng y tế của quốc gia và ứng phó với đại dịch. Việc cấp phép sản xuất vắc xin mRNA cho các doanh nghiệp Việt Nam là một trong những khía cạnh quan trọng mà Mỹ đang xem xét để đưa vị thế của Việt Nam lên cao, trở thành trung tâm sản xuất vắc xin mới của thế giới.
Về hợp tác thương mại và đầu tư trong khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương Thái Bình Dương, hai nước cũng sẽ tham gia xây dựng hiệp định bảo hộ song phương tốt hơn trong đầu tư và thương mại, đồng thời hợp tác trong các lĩnh vực chính bao gồm kinh tế số, tiêu chuẩn chất lượng hỗ trợ cơ sở hạ tầng, tiết kiệm năng lượng, phát triển khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng.
Theo Modern Diplomacy, ngay cả trong chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mới được Mỹ công bố vào tháng 2 năm 2022 cũng đã đề cập rõ ràng rằng Việt Nam chính là một trong những đối tác ưu tiên trong việc khám phá sự bổ trợ về kinh tế và chiến lược trong khu vực, tìm kiếm các trung tâm sản xuất thay thế Trung Quốc giúp duy trì chuỗi cung ứng linh hoạt.
Dự kiến trong năm 2022, Mỹ và Việt Nam sẽ còn hợp tác lớn mạnh hơn trên nhiều lĩnh vực về an ninh y tế, an ninh con người, biến đổi khí hậu, hỗ trợ phát triển ngành cụ thể và làm việc về tiếp cận thị trường tốt hơn giữa hai nước.
Bằng tất cả những nỗ lực xây dựng mối quan hệ song phương, cùng nhau phát triển đã cho thấy vị thế Việt Nam ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế. Hàng loạt những hiệp ước thương mại được thực thi, nguồn vốn FDI dồi dào, thu hút dịch chuyển sản xuất, nắm giữ vị thế quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu…đã chứng minh Việt Nam chính là ngôi sao sáng của Đông Nam Á, theo Modern Diplomacy.
Bảo Trâm (Theo Modern Diplomacy)