Mở tờ khai xuất khẩu gạo lúc nửa đêm: Nghi có nhóm trục lợi chính sách

14/04/2020 09:56

Hệ thống mở tờ khai mở lúc nửa đêm về sáng (từ 0 giờ đến 3 giờ) và quota 400 nghìn tấn gạo đã hết veo trong sự bất ngờ của nhiều DN. Than trời về cách điều hành đó, có DN cầu cứu lên Thủ tướng và đặt vấn đề hoài nghi về lợi ích nhóm trong giờ mở cửa “lạ” trên.

Nhiều DN xuất khẩu gạo gặp khó với việc hệ thống mở tờ khai hải quan lúc nửa đêm – Ảnh: Phương Chăm

Kêu cứu lên Thủ tướng

Chưa kịp vui sau khi Thủ tướng cho phép xuất khẩu 400 nghìn tấn gạo trong tháng 4, ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Cty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (Cần Thơ) đã bị dội “gáo nước lạnh”.

Trao đổi PV Tiền Phong, ông Bình nói rằng, cách mở hệ thống điện tử khai hải quan “lúc nửa đêm” là thiếu minh bạch và ông đã có đơn khẩn cứu lên Thủ tướng, Văn phòng Chính phủ và Bộ Công Thương về vấn đề trên.

Ông Bình cho biết: Lúc 10 giờ 28 phút, ngày 11/4, Công ty Trung An nhận được quyết định số 1106/QĐ-BCT ngày 10/4 của Bộ Công Thương và nhận công văn số 0361/XNK- NS ngày 10/4 của Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) vào lúc 14 giờ 46 phút. Đây là những công văn điều hành của Bộ Công Thương nhằm thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng truyền đạt tại văn bản 2827 (ngày 10/4) của Văn phòng Chính phủ, về việc cho phép xuất khẩu 400 nghìn tấn gạo và có hiệu lực từ 0 giờ, ngày 11/4.

Theo ông Bình, ông đã yêu cầu nhân viên túc trực để mở tờ khai cho những lô hàng khai dở bị kẹt từ ngày 24/3, nhưng đến 21 giờ ngày 11/4 hệ thống vẫn không mở. Công ty cũng không tìm thấy bất kỳ thông tin công bố hoặc công văn gì có liên quan về việc mở hệ thống phần mềm tiếp nhận tờ khai và thông quan mặt hàng gạo của Hải quan.

Công ty Trung An cũng lên hệ thống phần mềm Hải quan điện tử VNACCS (Hệ thống thông quan tự động của Hải quan) để lấy thông tin tờ khai, thì chỉ nhận được thông báo: “Thực hiện không thành công”. Đến sáng 12/4, Cty tiếp tục lên hệ thống để thực hiện mở tờ khai thì hệ thống công bố đã đủ chỉ tiêu.

Ông Bình cho biết, qua tìm hiểu, Hải quan mở hệ thống phần mềm tiếp nhận tờ khai từ 0 giờ đến 3 giờ sáng 12/4 là đóng lại, vì đủ hạn ngạch 400 nghìn tấn.

Hiện tại, có cả trăm nghìn tấn gạo của các DN đã nằm tại cảng đang chờ thông quan.Danh sách, số container của các DN, cảng, Bộ Công Thương đều nắm rất rõ. Do vậy, nếu Hải quan mở tờ khai, việc đầu tiên phải cho các lô gạo của DN đã và đang khai dở thủ tục xuất khẩu, sau đó mới cho khai mới.

Cũng rơi vào tình cảnh tương tự như Cty Trung An, ông Nguyễn Chánh Trung, Giám đốc ngành hàng lúa gạo của Tập đoàn Tân Long – T&T Group cho rằng, cách điều hành “lạ lùng” trên đã gây tổn hại cho dân nghèo trồng lúa và DN xuất khẩu gạo.

Theo ông Trung, các công văn của Bộ Công Thương đến từ chiều thứ 7 (ngày 11/4), nhưng gần như ít DN biết.“Chúng tôi không nhận được thông báo chính thức nào về việc mở cửa hệ thống thông quan giờ này”, ông Trung nói.

“Việc chỉ mở cửa từ 0 giờ đến 3 giờ sáng 12/4, nhiều lãnh đạo DN đến 5-6 giờ dậy đọc tin đó mà hết hồn”, ông Trung bức xúc.

Ông Trung cho biết, hiện Tân Long – T&T Group có gần 6.900 tấn đã đóng vào container, bị kẹt do lệnh tạm dừng xuất khẩu ngày 24/3, nay chỉ chờ khai báo thực tế để xuất, nhưng giờ lại tiếp tục bị ứ lại.

Ảnh minh họa

Doanh nghiệp ở Cần Thơ thiệt hại lớn

Theo ông Trần Tuấn Kiệt, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại – Dịch vụ – Xuất nhập khẩu Dung Nam (TP.HCM), sau khi “hỏi thăm” được thông tin, Cty của ông đã phải cử nhân viên ngồi “canh máy tính” chờ Tổng cục Hải quan mở cổng khai báo hải quan để vào mở tờ khai. Đến rạng sáng 12/4, Tổng cục Hải quan đã mở cổng cho đăng ký tờ khai hải quan, nhưng cũng chỉ mấy tiếng sau là đã khóa. Theo đại diện DN này, đã có rất nhiều DN khác do không biết thông tin nên hoàn toàn không mở được tờ khai hải quan nào.

Ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất – Thương mại Phước Thành IV (Vĩnh Long) thì cho rằng, có rất nhiều DN đã không làm thủ tục mở tờ khai hải quan được. “Có một số DN do không nắm được thông tin, nên sáng thức dậy thì người ta đã khai hết rồi”, ông Thành nói và cho rằng, việc có rất nhiều DN không mở được tờ khai hải quan sẽ tiếp tục gặp khó khăn, vì hàng còn ùn ứ ngoài cảng rất lớn.

Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, riêng tại Cần Thơ hiện có 41 DN đủ năng lực XK gạo trực tiếp và hiện nay số lượng gạo lưu kho trên địa bàn còn rất nhiều. Trước đó, nhiều đơn vị đã ký kết hợp đồng với các đối tác nước ngoài và đăng ký khai hải quan đầy đủ. Hiện tại, các DN vẫn còn lượng lớn lưu kho chưa được phân bổ hạn ngạch XK, trong khi đó, số nợ cho vay của các ngân hàng đối với DN XK gạo trên địa bàn đã lên tới 7.700 tỷ đồng.

Tự động, không có sự can thiệp

Tổng cục Hải quan, hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan (VNACCS/VCIS) do Chính phủ Nhật bản viện trợ hoạt động theo nguyên tắc xử lý tự động. Để thực hiện Quyết định của Bộ Công Thương, Tổng cục Hải quan cần có thời gian để thiết lập các chỉ tiêu thông tin trên Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan. Cụ thể, kể từ 24h ngày 11/4/2020, hệ thống đã được thiết lập để hoạt động theo nguyên tắc tự động tiếp nhận, tự động trừ lùi số lượng gạo xuất khẩu trong hạn ngạch được phép xuất. Tờ khai đăng ký trước sẽ được trừ vào hạn ngạch xuất khẩu trước, không có sự can thiệp của công chức hải quan. Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan tự động dừng tiếp nhận thông tin đăng ký tờ khai hải quan nếu số lượng đăng ký chạm mốc hạn ngạch được phép xuất khẩu trong tháng 4 (là 400.000 tấn).

kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong thời gian từ 24h ngày 11/4 đến 19h34 ngày 12/4 đã có: 40 doanh nghiệp đăng ký tờ khai xuất khẩu tại 13 chi cục Hải quan. Số lượng gạo đã đăng ký tờ khai xuất khẩu 399.999,73 tấn.

Phạm Anh – Cảnh Kỳ/TPO

Đọc nhiều