Mơ kiếm 50 triệu đồng/tháng ở Hàn Quốc, hơn 160 người bị bỏ rơi ở Đà Nẵng
Hơn 160 người từ nhiều nơi trên cả nước tập trung về Đà Nẵng sau lời hứa được đưa đi xuất khẩu lao động Hàn Quốc bằng đường biển, nhưng bị bỏ rơi.
Ngày 17.5, Công an quận Ngũ Hành Sơn đã hoàn tất hồ sơ, chuyển giao cho Công an thành phố Đà Nẵng để khởi tố vụ án lừa đảo lấy tiền, hứa đưa hơn 160 người đi Hàn Quốc rồi bỏ rơi ở Đà Nẵng.
Theo nội dung vụ việc, mỗi người phải nộp hơn 12 triệu đồng tiền khám sức khỏe, xét nghiệm COVID-19 và cả thẻ lên tàu. Nhưng đến ngày “lên tàu”, những người môi giới bất ngờ “biến mất”, bỏ mặc các nạn nhân giữa nơi đất khách, quê người.
Cam kết sang Hàn Quốc kiếm 50 triệu đồng/tháng
Trưa 17.5, vợ chồng bà N.T.T (56 tuổi, quê Bỉm Sơn, Thanh Hóa) còn chưa hết bàng hoàng sau sự việc bị các đối tượng môi giới xuất khẩu lao động lừa chiếm đoạt tiền. Vợ chồng bà T. hiện giờ rơi vào cảnh tiến thoái lưỡng nan bởi về quê không đành mà ở lại Đà Nẵng cũng chưa biết khi nào đòi được tiền đã đóng cho đối tượng lừa đảo.
Bà T. kể, khoảng 10 ngày trước, bà tình cờ biết được thông tin trên Facebook về việc đưa người đi xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc. Sau khi liên lạc, bà được một người tên C. liên hệ qua Zalo nói chuyện, cam kết chỉ với 9.000 USD, vợ chồng bà sẽ được đưa sang Hàn Quốc làm việc với mức lương 50 triệu đồng/tháng.
Ban đầu, vợ chồng bà T. giao cho đối tượng tên C. mỗi người 5 triệu đồng tiền khám sức khỏe.
Sau đó, C. yêu cầu vợ chồng bà T. đón xe khách vào Đà Nẵng. Tại đây, vợ chồng bà T. sẽ được đưa lên tàu thủy, di chuyển bằng đường biển sang Hàn Quốc.
Những ngày đầu đến Đà Nẵng, vợ chồng bà T. được đối tượng tên C. sắp xếp ở khách sạn Toàn Thắng (đường Nguyễn Văn Thoại, quận Ngũ Hành Sơn), cùng với hơn 160 người từ nhiều tỉnh thành trên cả nước.
Quá trình ở tại đây, toàn bộ những người lao động như bà T. chỉ được sinh hoạt tập trung, hạn chế ra ngoài để tránh bị phát hiện.
Đến ngày 15.5, bà T. cùng nhiều người phải nộp tiếp cho C. số tiền 7 triệu đồng để làm “thẻ lên tàu”. Sau khi đóng tiền, bà T. và nhiều người tá hỏa nhận ra đối tượng C. đã tẩu thoát.
“Trước khi giao tiền, C. hứa với chúng tôi là sẽ đưa chúng tôi đi xuất khẩu lao động Hàn Quốc theo dạng du lịch. Chúng tôi sẽ được đi tàu biển 5 sao, được lo chỗ ăn uống, quần áo đầy đủ. Tuy vậy, đến Đà Nẵng, sau khi nhận tổng cộng mỗi người 7 triệu đồng, C. đã cao chạy xa bay” – bà T. kể lại.
Quá bất ngờ trước sự việc trên, hơn 160 người lao động liền nhờ chủ khách sạn Toàn Thắng (phường An Hải Đông, quận Ngũ Hành Sơn) báo cáo lên cơ quan chức năng ở Đà Nẵng để được bảo vệ.
Rơi vào cảnh màn trời chiếu đất
Phần lớn các nạn nhân bị lừa gạt tiền đều là những người ở các địa phương vùng khó khăn thuộc các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh…
Các nạn nhân kể lại, trong quá trình giao tiền đều ký vào một tờ giấy cam kết trong đó thể hiện bên môi giới sau khi nhận tiền sẽ đưa người lao động lên tàu ra biển. Sau khi đến Hàn Quốc, người lao động sẽ giao toàn bộ số tiền 9.000 USD – tiền môi giới xuất khẩu lao động.
Kèm theo mỗi cam kết nhận tiền đều có hình căn cước công dân của người nhận tiền – tên C. (SN 1978, thường trú Hà Đông, Hà Nội).
Sau khi đối tượng tên C. bỏ trốn, nhiều người trong tình cảnh tiến thoái lưỡng nan vì không thể quay trở về nhà và cũng không thể đòi lại các khoản tiền đã đóng.
“Sau khi chúng tôi lấy lời khai, cơ quan công an đã cho một số người trong chúng tôi ra về. Tuy nhiên, hiện nay thành phố Đà Nẵng đã cấm hoạt động giao thông vận tải, cấm xe taxi, xe ôm công nghệ, nên chúng tôi không biết trở về quê như thế nào” – anh N. người lao động quê Hà Tĩnh chia sẻ.
Hữu Long