4
category
357018

Mở hàng ngày Tết ra tay ‘chặt chém’, bị phạt nặng

28/01/2020 11:01

Theo quy định, hàng quán có hành vi tăng giá “quá đà”, “chặt chém” khách ngày tết sẽ bị xử phạt nặng.

Thông thường, thời điển trước và sau Tết, nhu cầu mua sắm các mặt hàng thiết yếu của người dân tăng cao. Tuy nhiên, có không ít tiểu thương thường lợi dụng thời điểm này để “chặt chém” khách.

Vào thời điểm này, các hàng quán và nhiều địa điểm vui chơi thường không niêm yết giá hoặc tăng giá “quá đà” các hàng hóa, dịch vụ để “chặt chém” người dân.

Vì vậy, để kiểm soát thị trường hàng hóa, nhất là vào dịp Tết, pháp luật quy định phải công khai niêm yết giá cả hàng hóa.

‘Chặt chém’ ngày Tết sẽ bị phạt nặng

Cụ thể, Điều 18 Nghị định 177 năm 2013 nêu rõ:

Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực hiện niêm yết giá theo các hình thức thích hợp, rõ ràng và không gây nhầm lẫn cho khách hàng về mức giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ

Theo đó, giá cả hàng hóa phải được in, dán, ghi giá trên bảng, trên giấy hoặc trên bao bì của hàng hóa hoặc bằng hình thức khác tại nơi giao dịch hoặc nơi chào bán hàng hóa, dịch vụ đó.

Nếu hàng hóa do Nhà nước định giá thì phải niêm yết và mua, bán đúng giá; Nếu hàng hóa không do Nhà nước định giá thì không được bán cao hơn hoặc mua thấp hơn giá niêm yết do tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh quyết định.

Tương tự, Điều 2 Luật Giá năm 2012 quy định: Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thực hiện công khai thông tin về giá hàng hóa, dịch vụ gắn với thông số kinh tế, kỹ thuật cơ bản của hàng hóa, dịch vụ đó bằng hình thức niêm yết giá.

Việc niêm yết giá được thể hiện bằng cách in, dán, ghi giá bằng đồng Việt Nam trên bảng, trên giấy hoặc trên bao bì của hàng hóa hoặc bằng hình thức khác tại nơi giao dịch hoặc nơi chào bán hàng hóa, dịch vụ để thuận tiện cho việc quan sát, nhận biết của khách hàng, cơ quan nhà nước.

Trường hợp tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh không niêm yết giá hoặc có hành vi bán giá cao hơn giá niêm yết sẽ bị xử lý vi phạm hành chính.

Về việc xử lý những hành vi tăng giá “quá tay” này, theo Điều 12 Nghị định 109/2013/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 49/2016/NĐ-CP), hành vi vi phạm quy định về công khai thông tin về giá hàng hóa, dịch vụ sẽ bị xử phạt như sau:

1. Phạt cảnh cáo đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ tại địa điểm phải niêm yết giá theo quy định của pháp luật;

b) Niêm yết giá không đúng quy định, không rõ ràng gây nhầm lẫn cho khách hàng.

2. Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi tại Khoản 1 Điều này vi phạm từ lần thứ hai trở lên.

3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi bán cao hơn giá niêm yết hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân định giá không thuộc Khoản 5 Điều này.

4. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi không công khai thông tin về giá hàng hóa, dịch vụ bằng hình thức khác theo quy định của pháp luật ngoài hình thức niêm yết giá đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá; Danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá, kê khai giá.

5. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi bán cao hơn giá niêm yết đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục bình ổn giá, hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hạn chế kinh doanh hoặc kinh doanh có điều kiện.

6. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi không công khai về Quỹ bình ổn giá theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

7. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc trả lại cho khách hàng số tiền đã thu cao hơn giá niêm yết đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 3 và Khoản 5 Điều này, trường hợp không xác định được khách hàng để trả lại thì nộp vào ngân sách nhà nước.

Với hành vi tăng hoặc giảm giá hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý, Điều 13 Nghị định 109/2013/NĐ-CP nêu rõ:

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng nếu hàng hóa, dịch vụ bán tăng giá có tổng giá trị đến 50.000.000 đồng, đối với một trong những hành vi tăng giá sau:

a) Tăng giá bán hàng hóa, dịch vụ cao hơn mức giá đã kê khai hoặc đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật;

b) Tăng giá theo giá ghi trong Biểu mẫu đăng ký hoặc văn bản kê khai giá với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền nhưng cơ quan nhà nước có thẩm quyền có văn bản yêu cầu giải trình mức giá đăng ký hoặc kê khai hoặc có văn bản yêu cầu đình chỉ áp dụng mức giá mới và thực hiện đăng ký lại, kê khai lại mức giá.

2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này nếu hàng hóa, dịch vụ có tổng giá trị từ trên 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này nếu hàng hóa, dịch vụ có tổng giá trị từ trên 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng.

4. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này nếu hàng hóa, dịch vụ có tổng giá trị từ trên 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng.

5. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này nếu hàng hóa, dịch vụ có tổng giá trị trên 500.000.000 đồng.

6. Phạt tiền từ 25.000.000 đồng đến 55.000.000 đồng hành vi tăng hoặc giảm giá hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý khi kiểm tra yếu tố hình thành giá theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

7. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc nộp vào ngân sách nhà nước số tiền thu lợi do vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại Điều này.

Anh Tuấn/VNN

Đọc nhiều