Mở cửa thị trường: Lời giải nào cho bài toán thịt lợn?
Giá thịt lợn vẫn tăng ở mức khá cao bất chấp những nỗ lực, giải pháp bình ổn của các cơ quan chức năng, đó là vấn đề tiếp tục làm “nóng” nghị trường Quốc hội, khi các Đại biểu liên tục chất vấn vị trưởng ngành nông nghiệp về nguyên nhân dẫn đến thực trạng này cũng như khuyến nghị của ông về giải pháp “chuyển sang ăn thịt gà” thay cho thịt lợn đang khan hiếm, đắt đỏ…
Tuy nhiên, phân tích này có vẻ không thuyết phục được các đại biểu cũng như nhiều người dân, bởi lẽ thịt lợn luôn được coi như một nhu yếu phẩm và liên quan đến rất nhiều sản phẩm phụ khác. Vấn đề là cần có một giải pháp căn cơ không phải chỉ để quản lý giá một mặt hàng thiết yếu, mà còn là đảm bảo được nguồn cung. Trong bối cảnh nước ta đã và đang tham gia sâu vào các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, chất lượng cao như CPTPP và EVFTA, với các cam kết mở cửa thị trường – dự kiến sẽ tạo áp lực cạnh tranh rất lớn lên nhiều lĩnh vực của ngành chăn nuôi Việt Nam.
Chúng ta cần phải khẳng định rằng: Thị trường Việt Nam với gần 100 triệu dân có thói quen ăn thịt lợn, với tỉ trọng khoảng 70% nhu cầu tiêu dùng trong các loại thịt sử dụng cho bữa ăn hàng ngày, vốn là cơ hội để phát triển ngành hàng thịt lợn.
Thế nhưng nhu cầu thị trường được định giá khoảng 10 tỷ USD cho mặt hàng thịt lợn đã và đang không thể đáp ứng. Theo các chuyên gia, doanh nghiệp chăn nuôi lợn theo quy mô trang trại lớn hiện chỉ chiếm khoảng 30% – 35%, gần 70% thị phần còn lại vẫn do các trang trại nhỏ và hộ chăn nuôi cung cấp. Không chỉ khó kiểm soát về chất lượng, nguồn cung, mà còn bị động cả về giá bán. Kể từ khi Việt Nam tham gia đàm phán và ký kết các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại Việt Nam – Liên minh Châu Âu (EVFTA), thì ngành chăn nuôi, trong đó có sản phẩm thịt lợn đã được cảnh báo là sẽ có nhiều thách thức hơn cả. Nhưng thực tế này đã lộ ra, tới khi dịch tả lợn Châu Phi xuất hiện và tác động trực tiếp lên ngành chăn nuôi của Việt Nam từ đầu năm 2019.
Cho đến nay, những cam kết phát triển trang trại lớn, xây dựng quy trình thực phẩm sạch từ lò mổ đến bàn ăn đã không được như kỳ vọng.
Rất nhiều người nhầm lẫn, hoặc thậm chí không hiểu chức năng xuất nhập khẩu và đảm bảo cung cầu mặt hàng thịt lợn là của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn hay là của Bộ Công thương. Cho đến những ngày gần đây, khi Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn chính thức thông báo cho nhập khẩu lợn sống từ Thái Lan về để giết mổ, nhằm tăng nguồn cung, cũng như hạ nhiệt giá mặt hàng này, người ta mới rõ trách nhiệm chính thuộc về ai. Điều này có lẽ phần nào nói lên sự mờ nhạt trong điều hành, càng cho thấy vì sao giá thịt lợn lại tăng cao đến như vậy.
Khi Việt Nam tham gia ký kết CPTPP và EVFTA rất nhiều thách thức với ngành chăn nuôi nói chung, mặt hàng thịt lợn nói riêng đã được điểm danh. Cụ thể: Với CPTPP đã chính thức có hiệu lực đối với Việt Nam từ đầu năm 2019, thuế nhập khẩu thịt lợn đông lạnh và thịt lợn tươi sẽ được xóa bỏ hoàn toàn trong lộ trình 8 đến 10 năm. Tương tự với EVFTA dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/8 tới đây, riêng nhóm mặt hàng thịt lợn, thuế nhập khẩu từ thị trường EU đã trừ thuế từ 15% đến 27% sẽ giảm về 0% theo lộ trình 10 năm.
Không chỉ chịu sức ép cạnh tranh từ việc bãi bỏ thuế, người tiêu dùng Việt Nam có cơ hội được sử dụng các sản phẩm chăn nuôi có chất lượng từ các thị trường CPTPP và đặc biệt là từ EU vốn được kiểm soát rất chặt chẽ theo các tiêu chuẩn kỹ thuật, môi trường từ đầu vào đến đầu ra, cũng là sức ép lớn, buộc ngành chăn nuôi Việt Nam phải thay đổi thói quen nông hộ.
Mặc dù cảm thông với những tác động không mong muốn từ dịch bệnh, song đã có rất nhiều câu hỏi được đặt ra rất đáng lưu tâm về những phương cách ứng phó của cơ quan chức năng với diễn biến của dịch bệnh và thị trường.
Phải chăng các cơ quan chức năng chưa đánh giá đúng mức về sức tiêu dùng, cũng như mức ảnh hưởng của mặt hàng này từ thị trường nội địa. Sẽ ra sao nếu tiếp tục nhập khẩu một lượng lớn thịt lợn, tạo thói quen tiêu dùng thịt lợn nhập khẩu từ nước ngoài mà không chủ động đầu tư cho tái đàn, gia tăng sản xuất trong nước.
Thời gian qua đã không ít người chấp nhận mua thịt lợn mideli, hay vào các siêu thị để mua thịt lợn với giá cao hơn nhiều mặt hàng cùng loại ở thị trường truyền thống, bởi tâm lý yên tâm hơn về chất lượng. Nghĩa là những cảnh báo của giới chuyên gia về việc Việt Nam phải tập trung vào sản xuất theo quy mô lớn, trên cơ sở áp dụng công nghệ cao và kiểm soát chặt chẽ các quy trình để chuẩn bị cho cạnh tranh hội nhập trong dài hạn đang ngày càng trở nên giá trị hơn, khi nhu cầu sử dụng thịt lợn sạch ở trong nước đang ngày càng gia tăng.
Nếu tiếp tục câu chuyện đảm bảo nguồn cung trước mắt bằng việc nhập lợn sống để đáp ứng thói quen tiêu dùng và áp đặt giá bằng các mệnh lệnh hành chính như hiện nay thì liệu ngành chăn nuôi có đủ sức cạnh tranh trên chính sân nhà?
Diệu Hương
(Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả)